Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP

Thu cân đối ngân sách trung ương cao hơn 51 nghìn tỷ đồng so với đã báo cáo Quốc hội

Sáng 29/12, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã vui mừng cho biết, kết quả thu NSNN đến hết ngày 28/12/2020 đạt 1.426 nghìn tỷ đồng, bằng 94,32% dự toán, cao hơn 101,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.

Trên cơ sở cập nhật số thu đến nay, Bộ Tài chính ước thu ngân sách cả năm đạt 2020 đạt 1.472 nghìn tỷ đồng, đạt 98,3% dự toán, cao hơn 148 - 150 nghìn tỷ đồng so với số đã đánh giá tháng 8 - 9 để báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu nội địa đạt trên 98% dự toán, thu dầu thô đạt trên 97,7% dự toán và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 85,6% dự toán.

Theo phân cấp, thu cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) ước vượt 40 nghìn tỷ đồng (106%) so với dự toán; có 56/63 địa phương ước thu nội địa vượt dự toán Thủ tướng giao, 55/63 địa phương ước vượt thu cân đối NSĐP. Trong đó, đối với các tỉnh trọng điểm thu có thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ đánh giá vượt dự toán. Một số địa phương chưa hoàn thành dự toán, như TP. Hồ Chí Minh ước đạt 90%, Vĩnh Phúc đạt 93,6%; Đà Nẵng đạt 70,9%; Quảng Nam đạt 89,4%, Quảng Ngãi đạt 76,1% và Khánh Hòa đạt 70,7%.

Thu cân đối ngân sách trung ương ước đạt 776 nghìn tỷ đồng bằng 88,4% dự toán, cao hơn 51 nghìn tỷ đồng so với đã báo cáo Quốc hội.

Trong điều kiện thu ngân sách khó khăn như vậy, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chúng ta vẫn đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng theo dự toán, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, đồng thời bổ sung chi phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập; chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, các cơ quan nhà nước đã thực hiện tiết kiệm 70% chi hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên.

Trong khi đó, giải ngân chi đầu tư năm 2020 có bước tiến bộ lớn. Ước đến 31/12 đạt tỷ lệ 82,8% dự toán (nếu kể cả số vốn các năm trước chuyển sang năm 2020 thì tỷ lệ giải ngân đạt 73%). Trong đó vốn trong nước đạt 87%, vốn ngoài nước đạt 46%; khối bộ, cơ quan trung ương đạt 69,4%, địa phương đạt 86,7%. Phấn đấu đến hết ngày 31/01/2020, tỷ lệ giải ngân đạt 92-93%.

Về cân đối NSNN, nhờ thu ngân sách cao hơn và triệt để tiết kiệm các khoản chi, nên bội chi ngân sách năm nay ước bằng 4,1 - 4,2%GDP, thấp hơn so với mức đã báo cáo Quốc hội là 4,99% GDP. Tỷ lệ nợ công đến hết năm 2020 ước bằng 55%-56% GDP.

Tổng hợp chung kết quả 5 năm, chúng ta đã cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 cả về tỷ lệ huy động vào NSNN, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tỷ lệ bội chi NSNN và tỷ lệ nợ công theo Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016-QH14 của Quốc hội, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn tài chính, ổn định vĩ mô, nâng cao hệ số tín nhiệm của Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Trong năm, quán triệt phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất và triển khai thực hiện miễn, giảm, gia hạn khoảng 130 nghìn tỷ đồng (gia hạn khoảng 85 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm trên 27 nghìn tỷ đồng) cho các doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh. Đồng thời, đã tổ chức nhiều buổi đối thoại nhằm lắng nghe và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp ổn định và phát triển thị trường chứng khoán, như cắt giảm các khoản phí cho các nhà đầu tư chứng khoán, tạo thêm sức hút tham gia vào thị trường, nhờ đó duy trì và phát triển quy mô thị trường.

Đến ngày 25/12/2020, chỉ số chứng khoán VN-Index đạt 1.084 điểm, tăng hơn 264 điểm (32,2%) so với thời điểm đầu năm (820 điểm); quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP, quy mô dư nợ thị trường trái phiếu đạt 45% GDP (mục tiêu đề ra tương ứng là 70% GDP và 30%GDP), dần trở thành kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn hiệu quả cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, chỉ số vốn hoá thị trường chứng khoán của Việt Nam tăng 18 bậc từ vị trí số 50 (năm 2018) lên vị trí số 32 (mục tiêu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 là tăng từ 10 đến 15 bậc trong năm 2019-2020).

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho biết, đến nay ngành Tài chính đã giảm được 4.328 đầu mối, giảm 6.460 biên chế (giảm 8,7% so với biên chế được giao năm 2015); riêng năm 2020 đã cắt giảm 276 đầu mối, nhờ vậy năm 2019, 2020, mỗi năm tiết kiệm được 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, thu đúng, thu đủ nguồn thu của NSNN, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, giảm tỷ lệ đọng thuế trên thu ngân sách. Trong năm 2020, cơ quan thuế, hải quan đã thực hiện 78,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 65,5 nghìn tỷ đồng, thu vào NSNN gần 20 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp trên 12 nghìn tỷ đồng), giảm lỗ 45,7 nghìn tỷ đồng, thu hồi 25,5 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang...

Năm 2021, tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ các giải pháp ưu đãi, miễn, giảm, giãn các khoản thuế

Đối với năm 2021, thống nhất cao với những giải pháp của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng báo cáo thêm trước Hội nghị về một số kiến nghị, giải pháp từ góc độ tài chính – ngân sách.

Cụ thể, ngành Tài chính sẽ khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn kế hoạch.

“Tuy nhiên, việc đề xuất các chính sách phải căn cứ tình hình thực tiễn, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, Bộ Tài chính đề nghị các ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ...; giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế xuống dưới 5%; phấn đấu tăng thu NSNN tối thiểu 3% so với dự toán Trung ương giao.

Trên cơ sở dự toán ngân sách được giao, đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân giao đến từng đơn vị sử dụng NSNN, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng; tuân thủ các quy định về quản lý NSNN; cần khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong giao vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước.

Đối với chi thường xuyên, yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục triệt để tiết kiệm các khoản hội họp, khánh tiết, công tác phí, hạn chế mua sắm xe ô tô và các trang thiết bị đắt tiền; đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế đặc thù, thực hiện giảm tối thiểu 15% so với dự toán năm 2020 theo đúng Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội; đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới khu vực sự nghiệp công, giảm tối thiểu 5% mức hỗ trợ từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần kinh phí; không hỗ trợ chi thường xuyên đối với các đơn vị đã tự chủ toàn bộ kinh phí.

Đối với các chính sách, chế độ, nhiệm vụ thường xuyên thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 cần phải triển khai liên tục để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, hiệu quả KT-XH, đề nghị các bộ, cơ quan được giao chủ trì khẩn trương rà soát, đề xuất phương án phân bổ kinh phí thực hiện năm 2021 theo quy định và thực tế thực hiện các năm qua, gửi Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự toán để triển khai thực hiện.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng đề nghị, thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có trách nhiệm chỉ đạo công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2020 ngay từ ngày đầu, tháng đầu, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Trong năm 2021, cần tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, cơ cấu lại khu vực ngân hàng, xử lý dứt điểm các dự án đầu tư thua lỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống.

Lưu ý rằng, dự toán thu NSNN năm 2021 đã bao gồm 40 nghìn tỷ đồng nguồn cổ phần hóa, thoái vốn của ngân sách trung ương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị, các bộ, cơ quan có liên quan cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện lộ trình cổ phần hoá, thoái vốn ngay từ đầu năm, tránh dồn vào thời điểm cuối năm như một số năm gần đây.

Trên cơ sở văn kiện Đại hội Đảng XIII, Bộ Tài chính được giao hoàn thiện Báo cáo kế hoạch Tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2022; xây dựng Đề án phân cấp ngân sách để báo cáo Chính phủ, làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành tài chính – NSNN trong thời gian tới, phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có các nhiệm vụ quan trọng về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, tăng chi đầu tư phát triển, thực hiện cải cách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, điều chỉnh chuẩn nghèo...; quản lý chặt chẽ an toàn nợ công; nợ quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí./.