Ngân sách đang rất đáng lo

Theo Báo cáo số 78/BC-CP do Chính phủ trình Quốc hội vừa qua cho thấy, ngân sách năm 2015 ước tính thâm hụt 6,34% GDP, vẫn rất lớn so với mức mục tiêu 5% GDP mà Quốc hội đưa ra.

Đặc biệt, tình trạng này đã diễn ra liên tục trong nhiều năm phản ánh tình trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo.

Theo báo cáo đánh giá bổ sung, thu ngân sách năm 2015 đạt 996,87 nghìn tỷ đồng, vượt 15,9% so với dự toán và tăng 15,4% so với thu ngân sách năm 2014.

Các nguồn thu ngắn hạn đang được đẩy mạnh thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách do các nguồn thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu suy giảm. Thu tiền sử dụng đất năm 2015 đạt 67,55 nghìn tỷ đồng, bằng 173,2% dự toán và tăng 1,5 lần so với mức thu năm 2014.

Theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố trong ngày 22/4, những năm gần đây ngân sách Nhà nước (NSNN) có mức thâm hụt ngày càng tăng.
Bội chi ngân sách đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Nợ công cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 (từ mức 50,1% GDP lên 62,2% GDP), tiệm cận giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Năm 2015 cũng là năm dư nợ chính phủ đạt 50,3%, cao hơn giới hạn 50% theo quy định.
Theo dự báo, mặc dù bội chi NSNN của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm tới nhưng đến năm 2020, mức bội chi so với GDP của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước tương đồng trong ASEAN.
Điều đáng lưu ý, là những năm gần đây, chi đầu tư ngày càng giảm, chi thường xuyên và chi khác tăng lên.

Là một nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp, đầu tư công là rất quan trọng để tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho nền kinh tế. Do đó, tỷ lệ chi đầu tư thấp như vậy cũng là một điều đáng lo ngại.

Xu hướng tăng chi tiêu ngân sách vẫn không có dấu hiệu dừng lại
Điều đáng lo ngại nhất ở Việt Nam, theo ông Cung, mặc dù nợ công tăng nhanh ở mức cao nhất khu vực, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh lại nằm trong top thấp nhất của khu vực.

Trong bối cảnh nguồn thu còn gặp nhiều khó khăn, xu hướng tăng chi tiêu ngân sách vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Tổng chi NSNN đạt 1262,87 tỷ đồng, tăng 19,1% so với tổng chi năm 2014. Thâm hụt ngân sách ước tính ở mức 266 nghìn tỷ đồng.

“Không làm thế nào để giảm chi thường xuyên, không có điểm dừng của tăng chi. Việt Nam có lẽ giảm thu để giảm chi, chứ không có tăng thu để giảm chi. Không có thu thì không chi được, cân bằng ngân sách chỉ theo hướng như thế mà thôi”, ông Cung buồn bã.

Quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung cũng khá tương đồng với quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu khác.

Trước đó mấy ngày, tại hội thảo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng của VEPR cũng cho biết, nỗi day dứt nhất của ông là vấn đề thâm hụt ngân sách.

Ông Thành cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác điều hành ngân sách nhà nước lỏng lẻo, từ đó làm cho các quyết định chi tiêu hay vay nợ trở nên dễ bị tùy tiện và lạm dụng.
Và, thách thức lớn nhất của Chính phủ là làm thế nào để giảm chi ngân sách, mà không phải giảm chi thường xuyên.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng của CIEM lo ngại, bội chi ngân sách, nợ công tăng, các khoản vay cũng tăng nhanh. Nhưng, giải pháp như thế nào để giảm chi thường xuyên, thì Bộ Tài chính dù đã có yêu cầu cắt giảm, nhưng dường như không thay đổi được tình hình.

TS. Vũ Đình Ánh lại băn khoăn rằng, quy mô trả nợ lãi và gốc tăng, nhưng thu ngân sách đang không theo kịp. Vì lẽ đó mà báo cáo thuyết trình về trả nợ của Thủ tướng Chính phủ hồi cuối năm 2015 đã đề cập đến việc nới trần nợ. Cụ thể nợ chính phủ sẽ nới lên 55%, còn nợ nước ngoài khoảng 50%, nợ công vẫn 50%. Gần đây, có nhiều thông tin cho thấy, năm 2017-2018 trả nợ vẫn tăng.

“Trong khi đó, thu ngân sách thì khó tăng, mà vẫn phải trả nợ và chi thường xuyên vẫn tăng. Như thế phải đi vay để trả nợ vay. Điều này tạo ra một vòng xoáy rất lớn về vay nợ. Thế nhưng, áp lực vay nợ cũng tăng vì không dễ vay như trước nữa”, ông Ánh lý giải.

Không nên quá dồn trọng tâm vào tăng trưởng

TS. Nguyễn Đức Thành chỉ rõ, không có dấu hiệu cho thấy nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện trong năm 2016. Vì thế, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên, bội chi chắc chắn tiếp tục không thực hiện được kế hoạch dưới 5% GDP của Quốc hội.

Do đó, ông đề xuất, đi kèm với các giải pháp cắt giảm chi ngân sách ngắn hạn quyết đoán, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ này.

“Chỉ tiêu thâm hụt ngân sách là không đạt, không nên quá dồn trọng tâm đẩy tăng trưởng kinh tế nên thật cao, vì có thể gây rủi ro cho nền kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.

Trong nghiên cứu của mình, CIEM thể hiện sự lo ngại rằng, Bộ Tài chính đã không thể quản lý, kiểm soát và thống kê đầy đủ, kịp thời các khoản nợ hiện đang nằm rải rác ở nhiều bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước.

Nợ của của các doanh nghiệp nhà nước là một rủi ro tiềm ẩn và thực tế Chính phủ đã phải gánh vác nhiều khoản nợ của khối doanh nghiệp này trong giai đoạn vừa qua.

Do vậy, TS. Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, cần có giải pháp trung hạn và ngắn hạn. Điều quan trọng đầu tiên, theo ông Cung, vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Ông đề xuất cần bán công khai, bán đấu giá các tài sản của Nhà nước trong doanh nghiệp, không nên hạn chế nhà đầu tư nước ngoài;

Ông Cung cũng đề xuất, Nhà nước tập trung nguồn vốn nhà nước cho các quỹ, chấm dứt bổ sung vốn dầu tư nhà nước cho các doanh nghiệp, các dự án đang thu lỗ, kém hiệu quả.

“Phải chịu đau để bỏ nó đi không vướng vấn, thể hiện một sự thay đổi tư duy, thái độ điều hành trong quản lý nhà nước, chứ không để báo chí phải lên tiếng suốt như thời gian vừa rồi”, ông Cung thẳng thắn.

Thực hiện đầy đủ, triệt để và nhất quán Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhất là các quy định về tự do kinh doanh, bãi bỏ ngay các điều kiên kinh doanh ban hành trái với thẩm quyền.

Ban hành ngay nghị định xử lý các vướng mắc, mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư, nghị định 118/2015/NĐ-CP và pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản…

Về dài hạn, cần tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh ở Việt Nam, doanh nghiệp phải lớn lên trong cạnh tranh chứ không phải là ô dù, quan hệ.

“Phải chuyển đổi được sở hữu, phải thiết lập cơ chế thị trường điều phối, chứ không phải nhà nước điều phối, thị trường cạnh tranh mới điều phối được nền kinh tế”, ông Cung nhấn mạnh./.