Quản trị tài chính, báo cáo tài chính và rủi ro tín dụng tại các ngân hàng Việt Nam
Nguyễn Thành Long
Email: longnt@vhu.edu.vn
Trường Đại học Văn Hiến
Tóm tắt
Nghiên cứu này nhằm phân tích mối quan hệ giữa quản trị tài chính, chất lượng báo cáo tài chính và rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng các chỉ số tài chính, như: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu; tỷ lệ chi phí trên thu nhập; Số lượng ghi chú tài chính và Mức độ tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế để đánh giá ảnh hưởng đến Tỷ lệ nợ xấu và Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng của các NHTM tại Việt Nam từ năm 2017 đến năm 2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quản trị tài chính vững mạnh và báo cáo tài chính minh bạch có tác dụng giảm thiểu rủi ro tín dụng tại các ngân hàng. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số hàm ý quản trị giúp các ngân hàng có chiến lược quản trị phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng hiệu quả, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định của đơn vị.
Từ khóa: quản trị tài chính, chất lượng báo cáo tài chính, rủi ro tín dụng, ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ dự phòng.
Summary
This study aims to analyze the relationship between financial management, financial reporting quality, and credit risk of commercial banks in Vietnam. The study uses financial indicators such as Equity ratio; Cost-income ratio; Number of financial notes, and Level of compliance with international accounting standards to assess the impact on the non-performing loan ratio and Credit risk provision ratio of commercial banks in Vietnam from 2017 to 2022. The research results show that strong financial management and transparent financial reporting impact the minimization of banks' credit risk. Based on the research results, the author gives some management implications to help banks have appropriate management strategies to effectively control credit risks, contributing to ensuring the stable development of the unit.
Keywords: financial management, financial reporting quality, credit risk, commercial bank, non-performing loan ratio, provision ratio
GIỚI THIỆU
NHTM đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính và tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, rủi ro tín dụng ngày càng gia tăng đang tạo ra những thách thức lớn cho các ngân hàng trong việc duy trì sự ổn định tài chính. Trong bối cảnh đó, quản trị tài chính hiệu quả và báo cáo tài chính minh bạch là những yếu tố thiết yếu để giảm thiểu các rủi ro này. Vì vậy, việc nghiên cứu phân tích vai trò của các yếu tố này trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam, để từ đó có chiến lược quản trị hiệu quả và gia tăng mức độ minh bạch của báo cáo tài chính là hết sức cần thiết và có giá trị thực tiễn.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Quản trị tài chính
Quản trị tài chính là yếu tố cốt lõi trong việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng của ngân hàng. Các yếu tố quản trị tài chính, như: cấu trúc vốn, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (C/I) và quản lý dòng tiền đều ảnh hưởng đến khả năng của ngân hàng trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng (Phan Thị Lan Hương, 2018; Nguyễn Thị Thanh Hương và cộng sự, 2019).
Nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng, các ngân hàng có cấu trúc vốn vững mạnh và chi phí hoạt động thấp thường có tỷ lệ rủi ro tín dụng thấp hơn.
Chất lượng báo cáo tài chính
Chất lượng báo cáo tài chính thể hiện qua độ minh bạch và độ chính xác của các thông tin tài chính. Báo cáo tài chính chất lượng cao giúp ngân hàng đánh giá chính xác hơn về khả năng trả nợ của khách hàng và kiểm soát rủi ro tín dụng tốt hơn (Chen và Tang, 2017; Võ Thị Lan, 2020). Các yếu tố, như: số lượng ghi chú tài chính và mức độ tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế là hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của báo cáo tài chính.
Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng là khả năng ngân hàng không thu hồi được các khoản vay do khách hàng không trả nợ đúng hạn. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (LLP) là những chỉ số quan trọng để đo lường mức độ rủi ro tín dụng của ngân hàng (Ghosh, 2015).
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp phân tích
Nghiên cứu này sử dụng phương pháp định lượng để kiểm tra tác động của các yếu tố quản trị tài chính và chất lượng báo cáo tài chính đến rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Dữ liệu được thu thập từ báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022. Các báo cáo tài chính này bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và các ghi chú tài chính, cung cấp thông tin cần thiết cho các chỉ số tài chính đã được xác định ở trên. Nghiên cứu áp dụng mô hình hồi quy tuyến tính để phân tích mối quan hệ giữa các biến độc lập (quản trị tài chính và chất lượng báo cáo tài chính) và các biến phụ thuộc (rủi ro tín dụng) (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
Biến nghiên cứu
Biến phụ thuộc:
Tỷ lệ nợ xấu (NPL): Đo lường mức độ rủi ro tín dụng thông qua tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay. NPL là chỉ số phản ánh tỷ lệ khoản vay không được thanh toán đúng hạn, qua đó đánh giá mức độ rủi ro tín dụng của ngân hàng.
Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (LLP): Chỉ số này đo lường mức độ dự phòng của ngân hàng để đối phó với các khoản vay xấu. Một tỷ lệ dự phòng cao cho thấy ngân hàng đã chuẩn bị tốt hơn cho các rủi ro tín dụng.
Biến độc lập:
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu (Equity Ratio): Đo lường khả năng của ngân hàng trong việc duy trì sự ổn định tài chính qua tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao thường cho thấy, ngân hàng có nền tảng tài chính mạnh mẽ, từ đó, giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (Cost-to-Income Ratio - C/I): Đo lường hiệu quả hoạt động của ngân hàng, tính bằng tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập. Tỷ lệ này cao cho thấy ngân hàng chi tiêu nhiều so với thu nhập, điều này có thể làm tăng rủi ro tín dụng.
Số lượng ghi chú tài chính (Number of Financial Statement Notes): Đây là yếu tố đánh giá chất lượng của báo cáo tài chính. Số lượng ghi chú tài chính càng nhiều, báo cáo tài chính càng chi tiết và minh bạch, giúp giảm thiểu sự không rõ ràng trong đánh giá rủi ro tín dụng.
Mức độ tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế: Đánh giá mức độ tuân thủ các chuẩn mực kế toán quốc tế, đặc biệt là các chuẩn mực về đo lường và ghi nhận tài sản, nợ phải trả, và dự phòng. Các ngân hàng tuân thủ tốt chuẩn mực kế toán quốc tế thường có báo cáo tài chính minh bạch và đáng tin cậy hơn.
Công thức mô hình hồi quy tuyến tính đơn giản có thể được biểu diễn như sau:
Rủi ro tín dụng = β0 + β1(Tỷ lệ vốn chủ sở hữu) + β2(Tỷ lệ C/I) + β3(Số lượng ghi chú tài chính) + ϵ
Trong đó:
- β0: Hệ số chặn (Intercept)
- β1, β2, β3: Các hệ số hồi quy của các biến độc lập
- ϵ: Sai số ngẫu nhiên
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Mô tả dữ liệu
Bảng 1: Thống kê mô tả các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng
Biến |
Trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Min |
Max |
|
---|---|---|---|---|---|
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu |
8.45% |
2.13% |
4.2% |
14.7% |
|
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (C/I) |
45.2% |
8.74% |
33.1% |
62.5% |
|
Số lượng ghi chú tài chính |
10 |
3.4 |
4 |
18 |
|
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) |
2.1% |
1.09% |
0.5% |
5.6% |
|
Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (LLP) |
3.8% |
1.73% |
1.0% |
8.3% |
Bảng 1 cho thấy, Tỷ lệ vốn chủ sở hữu (Equity Ratio) thể hiện cụ thể như sau:
Trung bình: 8.45%. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trung bình của các ngân hàng trong nghiên cứu là 8.45%, cho thấy mức độ ổn định tài chính ở mức vừa phải.
Độ lệch chuẩn: 2.13%. Điều này cho thấy có sự biến động không nhỏ về tỷ lệ vốn chủ sở hữu giữa các ngân hàng, mặc dù mức độ chênh lệch không quá lớn.
Min: 4.2% và Max: 14.7%. Mức độ dao động này chỉ ra rằng một số ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp, trong khi những ngân hàng khác có tỷ lệ vốn chủ sở hữu khá cao. Điều này có thể phản ánh sự khác biệt trong cấu trúc tài chính của các ngân hàng.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (C/I) thể hiện như sau:
Trung bình: 45.2%. Tỷ lệ C/I trung bình cho thấy các ngân hàng trong nghiên cứu có chi phí hoạt động chiếm khoảng 45.2% tổng thu nhập của họ, điều này cho thấy, mức độ chi phí cao trong hoạt động ngân hàng.
Độ lệch chuẩn: 8.74%. Sự biến động lớn của tỷ lệ C/I (độ lệch chuẩn khá cao), cho thấy một số ngân hàng có chi phí hoạt động rất cao, trong khi những ngân hàng khác có chi phí hoạt động thấp hơn nhiều.
Min: 33.1% và Max: 62.5%. Mức dao động này chỉ ra rằng, một số ngân hàng có chi phí rất cao, trong khi các ngân hàng khác lại có chi phí hoạt động thấp hơn.
Số lượng ghi chú tài chính thể hiện như sau:
Trung bình: Số lượng ghi chú tài chính trung bình là 10, cho thấy các ngân hàng trong mẫu có mức độ minh bạch tài chính vừa phải.
Độ lệch chuẩn: 3.4. Độ lệch chuẩn cao cho thấy, có sự khác biệt lớn trong số lượng ghi chú tài chính của các ngân hàng. Điều này có thể phản ánh mức độ chi tiết và minh bạch trong báo cáo tài chính.
Min: 4 và Max: 18. Sự dao động này chỉ ra rằng, một số ngân hàng rất chi tiết trong các ghi chú tài chính của họ, trong khi những ngân hàng khác có ít ghi chú tài chính hơn.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) thể hiện như sau:
Trung bình: 2.1%. Tỷ lệ nợ xấu trung bình cho thấy, mức độ rủi ro tín dụng ở mức tương đối thấp trong các ngân hàng nghiên cứu.
Độ lệch chuẩn: 1.09%. Độ lệch chuẩn thấp cho thấy, tỷ lệ nợ xấu giữa các ngân hàng không có sự biến động lớn.
Min: 0.5% và Max: 5.6%. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu trung bình khá thấp, nhưng vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng, với một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu rất thấp, trong khi có những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao hơn.
Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (LLP) thể hiện như sau:
Trung bình: 3.8%. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng trung bình ở mức khá cao, cho thấy các ngân hàng có dự phòng đủ để đối phó với các rủi ro tín dụng.
Độ lệch chuẩn: 1.73%. Độ lệch chuẩn cao chỉ ra sự chênh lệch đáng kể trong mức độ dự phòng rủi ro tín dụng giữa các ngân hàng.
Min: 1.0% và Max: 8.3%. Mức dao động này cho thấy, có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng trong việc tạo lập dự phòng rủi ro tín dụng, với một số ngân hàng có dự phòng thấp trong khi các ngân hàng khác có mức dự phòng cao.
Như vậy, kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, có sự đa dạng lớn giữa các ngân hàng trong các chỉ số tài chính. Các ngân hàng có mức độ vốn chủ sở hữu và tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng khá khác biệt, điều này phản ánh sự khác nhau trong khả năng tài chính và chiến lược quản lý rủi ro tín dụng.
Các chỉ số như tỷ lệ C/I và số lượng ghi chú tài chính cho thấy, sự biến động lớn giữa các ngân hàng, có thể là do sự khác biệt trong hiệu quả chi phí và mức độ minh bạch trong báo cáo tài chính.
Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng ổn định hơn, nhưng vẫn có sự phân hóa giữa các ngân hàng, điều này có thể liên quan đến chiến lược quản lý rủi ro tín dụng của từng ngân hàng.
Kết quả phân tích hồi quy
Bảng 2: Kết quả hồi quy tuyến tính
Biến độc lập |
Hệ số chưa chuẩn hóa (B) |
---|---|
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu |
-0.351 |
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (C/I) |
0.229 |
Số lượng ghi chú tài chính |
255 |
Kết quả phân tích hồi quy (Bảng 2) cho thấy:
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu có tác động tiêu cực đến tỷ lệ nợ xấu (hệ số -0.351), nghĩa là ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu càng cao, thì có tỷ lệ nợ xấu càng thấp.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập có tác động dương đến rủi ro tín dụng (hệ số 0.229), cho thấy ngân hàng có tỷ lệ C/I cao có xu hướng đối mặt với rủi ro tín dụng cao hơn.
Chất lượng báo cáo tài chính (số lượng ghi chú tài chính) có tác động giảm rủi ro tín dụng. Các ngân hàng có báo cáo tài chính minh bạch hơn có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn.
Kết quả nghiên cứu xác nhận vai trò của quản trị tài chính và báo cáo tài chính trong việc giảm thiểu rủi ro tín dụng. Các ngân hàng có quản trị tài chính tốt và báo cáo tài chính minh bạch có khả năng kiểm soát rủi ro tín dụng hiệu quả, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Kết quả nghiên cứu cho thất, quản trị tài chính hiệu quả và báo cáo tài chính minh bạch có tác động giảm thiểu rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả đưa ra một số hàm ý quản trị đối với các ngân hàng trong việc nâng cao chiến lược quản trị tài chính và cải thiện chất lượng báo cáo tài chính để giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính ổn định, cụ thể như sau:
Tăng cường tỷ lệ vốn chủ sở hữu để giảm thiểu rủi ro tín dụng
Các NHTM cần ưu tiên tăng cường tỷ lệ vốn chủ sở hữu để tạo nền tảng tài chính vững chắc và giảm phụ thuộc vào vốn vay. Cụ thể, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể đặt ra các yêu cầu tối thiểu cao hơn về tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản đối với các ngân hàng. Điều này không chỉ cải thiện khả năng chống chịu rủi ro tín dụng, mà còn tăng cường sự ổn định hệ thống ngân hàng (Ghosh, 2015).
Quản lý chi phí hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (C/I)
Các ngân hàng cần áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí hiệu quả hơn, như: tối ưu hóa hoạt động vận hành, ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech) để giảm chi phí giao dịch và cải tiến quy trình nội bộ. Đồng thời, các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo trong quản trị chi phí cũng cần được triển khai. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hương và cộng sự (2019), giảm tỷ lệ C/I có tác động trực tiếp đến việc giảm thiểu rủi ro tín dụng trong dài hạn.
Cải thiện độ minh bạch của báo cáo tài chính
Tăng cường tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS): Việc áp dụng chuẩn mực IFRS sẽ giúp nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, qua đó, cải thiện tính minh bạch và đáng tin cậy của các thông tin tài chính.
Chi tiết hóa các ghi chú tài chính: Các ngân hàng cần bổ sung đầy đủ các thông tin cần thiết về tài sản, nợ phải trả, và các khoản dự phòng để người sử dụng thông tin tài chính có cái nhìn toàn diện hơn. Theo nghiên cứu của Chen và Tang (2017), sự minh bạch trong báo cáo tài chính góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Phát triển năng lực giám sát tài chính từ cơ quan quản lý
Cần thiết lập một hệ thống giám sát hiệu quả nhằm đánh giá chất lượng quản trị tài chính và rủi ro tín dụng của các NHTM. Các cơ quan quản lý, như Ngân hàng Nhà nước có thể xây dựng các tiêu chí đánh giá định kỳ về tỷ lệ vốn chủ sở hữu, tỷ lệ chi phí trên thu nhập và mức độ tuân thủ chuẩn mực kế toán, qua đó, giảm nguy cơ xảy ra các khủng hoảng tín dụng.
Tăng cường giáo dục và đào tạo về quản trị tài chính
Cần tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ ngân hàng về quản trị tài chính, phân tích rủi ro tín dụng, và kỹ năng đánh giá chất lượng báo cáo tài chính. Điều này giúp nâng cao khả năng phát hiện và quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng, từ đó, nâng cao hiệu quả vận hành ngân hàng.
Ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech)
Khuyến khích các NHTM ứng dụng công nghệ tài chính để cải thiện hiệu quả hoạt động và quản trị rủi ro tín dụng. Việc sử dụng các nền tảng phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp dự đoán rủi ro tín dụng chính xác hơn, từ đó, giúp các ngân hàng xây dựng chiến lược dự phòng hiệu quả./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chen, H., and Tang, C. (2017), Financial Transparency, Corporate Governance, and Bank Risk-taking Behavior, Journal of Financial Economics, 17(1), 19-35.
2. Ghosh, S. (2015), Financial Reporting and Its Impact on Credit Risk Assessment, Journal of Financial Risk Management, 8(2), 1-10.
3. Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Minh Tâm, Phan Thị Mỹ Dung (2019), Ảnh hưởng của Quản trị tài chính đến rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 23(6), 115-128.
4. Phan Thị Lan Hương (2018), Quản trị tài chính trong các ngân hàng thương mại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Ngân hàng, 12(3), 45-61.
5. Võ Thị Lan (2020), Tác động của chất lượng báo cáo tài chính đến khả năng quản lý rủi ro tín dụng trong các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán, 7(4), 85-98.
Ngày nhận bài: 15/10/2024; Ngày phản biện: 19/11/2024; Ngày duyệt bài: 23/12/2024 |
Bình luận