Thiên kiến bất đồng nhận thức trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin
Thiên kiến bất đồng nhận thức (cognitive dissonance bias)
Thiên kiến bất đồng nhận thức là một dạng thiên kiến tâm lý, trong đó con người cố gắng giảm bớt sự khó chịu hoặc căng thẳng tâm lý do mâu thuẫn giữa niềm tin, giá trị, hoặc hành động của họ. Thiên kiến này thường khiến con người có xu hướng duy trì hoặc hợp lý hóa niềm tin và hành vi hiện tại của mình, ngay cả khi đối mặt với bằng chứng mâu thuẫn. Khi thông tin mới mâu thuẫn với những hiểu biết sẵn có, con người thường trải qua sự khó chịu về mặt tinh thần, một hiện tượng tâm lý được gọi là sự bất đồng nhận thức. Trong tâm lý học, nhận thức bao gồm các thái độ, cảm xúc, niềm tin hoặc giá trị; và sự bất đồng nhận thức là trạng thái mất cân bằng xảy ra khi những nhận thức mâu thuẫn giao thoa với nhau. Thuật ngữ "sự bất đồng nhận thức" bao hàm phản ứng nảy sinh khi con người cố gắng hài hòa các nhận thức để giảm bớt sự khó chịu tinh thần [1].
Thiên kiến bất đồng nhận thức trong đầu tư chứng khoán là hiện tượng mà nhà đầu tư cảm thấy không thoải mái hoặc căng thẳng tâm lý khi có mâu thuẫn giữa niềm tin của họ và kết quả thực tế của quyết định đầu tư. Thiên kiến này có thể dẫn đến các hành vi phi lý trí và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả đầu tư. Theo nghiên cứu của Vuong và Phuc [2], số nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam có thiên kiến mâu thuẫn nhận thức chiếm 22.7% trong mẫu khảo sát.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, Huang và các cộng sự [3] đã kiểm tra một giả thuyết rằng các thông báo về thu nhập trái ngược với tâm lý thị trường hiện tại sẽ gây ra sự bất đồng nhận thức, khiến các nhà đầu tư bỏ qua tin xấu khi họ lạc quan về thị trường và tin tốt khi họ bi quan.
“Ngài hơi lo lắng. Nghề “bói” gia truyền này dạy ngài đậu ở nơi kín đáo, hơn nữa ngài lại có tầm quan sát siêu đẳng. Vậy mà gã này tới đậu ngay cạnh, êm ru, ngài không hề hay biết, đủ thấy nội công gã phải thâm hậu ghê gớm thế nào.” Trích “Bí mật kinh hoàng”; Hoang dã, Khôn ngoan, Kỳ lạ (2024) |
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu xây dựng một chỉ số tâm lý - cho biết khi nào các nhà đầu tư lạc quan hay bi quan - đối với thị trường chứng khoán trong những năm 2008 đến 2019. Sau đó, họ đo mức độ nhạy cảm của giá cổ phiếu đối với bất ngờ về thu nhập trong khung thời gian ba ngày ở trạng thái tâm lý tích cực hoặc tiêu cực của nhà đầu tư. Họ phát hiện rằng các nhà đầu tư có xu hướng bỏ qua thông tin không phù hợp với tâm lý hiện tại của họ. Khi tâm lý toàn thị trường lạc quan, giá cổ phiếu phản ứng nhanh với bất ngờ về thu nhập tích cực nhưng không phản ứng với bất ngờ tiêu cực. Ngược lại, khi tâm lý bi quan, chỉ có bất ngờ về thu nhập tiêu cực mới nhanh chóng được phản ánh vào giá. Nghĩa là, sự bất đồng nhận thức có thể giải thích việc các nhà đầu tư sử dụng thông tin kế toán không đầy đủ khi đưa ra quyết định đầu tư. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, tác động của sự bất hòa nhận thức thay đổi tùy thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư. Cụ thể, sự bất hòa nhận thức gây ra phản ứng im lặng tạm thời với tin xấu khi tâm lý lạc quan, nhưng lại gây ra phản ứng im lặng dai dẳng với tin tốt khi tâm lý bi quan [3].
Góc nhìn xử lý thông tin về thiên kiến bất đồng nhận thức
Lý thuyết mindsponge giúp giải thích cách con người thu nhận, xử lý và thay đổi niềm tin, giá trị, và quan điểm của mình dựa trên việc lọc và hấp thụ thông tin từ môi trường [4-6]. Lý thuyết này có thể được sử dụng để giải thích thiên kiến bất đồng nhận thức trong đầu tư chứng khoán và cung cấp các cách khắc phục hiện tượng này. Theo lý thuyết mindsponge, tâm trí con người có thể được hình dung như một cấu trúc với:
Lõi trung tâm (mindset): Bao gồm các niềm tin, giá trị và quan điểm sống đã được khẳng định và khó thay đổi.
Vùng ngoại vi: Là nơi tiếp nhận thông tin mới từ bên ngoài, thông tin này có thể được kiểm chứng, chấp nhận, hoặc bị loại bỏ tùy theo mức độ tương thích với lõi trung tâm. Nếu thông tin phù hợp với lõi trung tâm (mindset) thì sẽ ở lại vùng thoải mái, hoặc ngược lại thì sẽ bị từ chối. Con người sẽ hành động dựa trên các thông tin được lưu giữ ở vùng thoải mái.
Giải pháp từ lý thuyết mindsponge để khắc phục thiến kiến bất đồng nhận thức trong đầu tư chứng khoán
Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư thường đối mặt với sự bất đồng nhận thức khi các quyết định đầu tư của họ (niềm tin cũ) mâu thuẫn với các thông tin mới từ thị trường. Ví dụ, họ có thể mua một cổ phiếu vì tin rằng nó sẽ tăng giá, nhưng sau đó lại nhận được thông tin cho thấy triển vọng cổ phiếu đó không tốt. Hiện tượng này dễ dẫn đến tâm lý khó chịu và có thể gây ra quyết định sai lầm. Lý thuyết mindsponge cung cấp một khung tư duy có giá trị để giúp nhà đầu tư khắc phục vấn đề này thông qua các giải pháp sau:
Tăng cường khả năng tiếp nhận thông tin
Mở rộng nguồn thông tin: Nhà đầu tư cần tiếp cận nhiều nguồn thông tin đa dạng thay vì chỉ tập trung vào những nguồn phù hợp với quan điểm ban đầu. Điều này giúp giảm nguy cơ thiên kiến xác nhận (confirmation bias)-xu hướng chỉ tìm kiếm và tin tưởng các thông tin ủng hộ quyết định đã đưa ra [7].
Xây dựng thói quen kiểm tra chéo: Học cách kiểm chứng thông tin từ các nguồn độc lập hoặc sử dụng công cụ phân tích chuyên sâu, giúp giảm tác động của thông tin sai lệch.
Điều chỉnh lõi trung tâm (mindset)
Xây dựng hệ thống niềm tin linh hoạt: Thay vì bám chặt vào niềm tin cũ, nhà đầu tư cần chấp nhận rằng, thị trường chứng khoán luôn biến động và không có thông tin nào là bất biến. Một niềm tin linh hoạt có thể bao gồm: "Sai lầm là một phần của đầu tư", "thay đổi chiến lược dựa trên thông tin mới là điều cần thiết để tối ưu hóa lợi nhuận."
Tập trung vào mục tiêu dài hạn: Đưa các mục tiêu dài hạn (như tăng trưởng tài sản bền vững) vào lõi trung tâm sẽ giúp nhà đầu tư giảm bớt căng thẳng khi phải đối mặt với những thay đổi ngắn hạn của thị trường. Có thể thực thi chiến lược này bằng cách đầu tư vào các quỹ chỉ số như: index fund, ETF…, hoặc các quỹ chủ động có nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp.
Giảm áp lực tâm lý trong giao dịch
Tạo cơ chế ra quyết định rõ ràng: Nhà đầu tư cần thiết lập quy tắc ra quyết định dựa trên dữ liệu thay vì cảm xúc. Ví dụ: "Nếu cổ phiếu giảm dưới mức hỗ trợ đã đặt ra, tôi sẽ bán mà không do dự" hoặc "nếu thông tin mới cho thấy triển vọng cổ phiếu kém, tôi sẽ đánh giá lại một cách khách quan."
Đánh giá các kịch bản xấu: Lường trước khả năng thất bại hoặc thua lỗ và coi đó là một phần không thể tránh khỏi của đầu tư giúp giảm gánh nặng tâm lý khi thực sự đối mặt với nó.
Học cách tích hợp thông tin mâu thuẫn
Phát triển tư duy phản biện: Nhà đầu tư cần học cách đánh giá thông tin mâu thuẫn mà không thiên vị. Điều này đòi hỏi kỹ năng:
Phân tích nguyên nhân của sự mâu thuẫn (do thông tin sai lệch, thị trường thay đổi, hay đánh giá sai lầm ban đầu?).
Tìm cách dung hòa thông tin mới vào chiến lược đầu tư mà không phá vỡ hệ thống.
Áp dụng tư duy thực nghiệm: Tiếp cận thông tin mới như một cơ hội thử nghiệm thay vì một mối đe dọa. Ví dụ: "Thông tin này có thể không hoàn toàn đúng, nhưng tôi sẽ kiểm tra bằng cách quan sát thị trường trong một khoảng thời gian ngắn."
Tạo môi trường hỗ trợ ra quyết định
Tham gia cộng đồng đầu tư: Trao đổi với những nhà đầu tư khác để học hỏi các cách họ đối mặt với thông tin mâu thuẫn và điều chỉnh chiến lược.
Tham vấn chuyên gia: Tham khảo ý kiến từ các cố vấn tài chính hoặc nhà phân tích chuyên nghiệp để có được đánh giá khách quan và giảm thiểu ảnh hưởng của cảm xúc cá nhân.
Chấp nhận thất bại như một phần của học hỏi
Lý thuyết mindsponge khuyến khích việc coi thất bại là cơ hội để điều chỉnh hệ thống nhận thức, giúp nhà đầu tư trở nên mạnh mẽ và thông minh hơn. Cụ thể:
Ghi nhận bài học từ các quyết định sai lầm: Thay vì đổ lỗi cho thị trường, hãy xem xét liệu hệ thống lọc thông tin của bạn có vấn đề gì cần cải thiện.
Đặt kỳ vọng thực tế: Nhận thức rằng đầu tư luôn đi kèm rủi ro và không phải mọi quyết định đều mang lại lợi nhuận.
Ứng dụng lý thuyết mindsponge trong đầu tư chứng khoán giúp nhà đầu tư không chỉ giảm bớt tâm lý bất đồng nhận thức, mà còn phát triển một chiến lược tư duy linh hoạt, minh bạch và bền vững hơn. Việc cởi mở với thông tin mới, đánh giá khách quan và điều chỉnh niềm tin một cách hợp lý là những bước thiết yếu để tối ưu hóa quyết định đầu tư và duy trì sự ổn định tâm lý./.
Nguyễn Phương Tri , Nguyễn Minh Hoàng
* Bài viết nằm trong chuỗi bài tìm hiểu và lý giải các hiện tượng tâm lý hành vi đầu tư tài chính thông qua lăng kính lý thuyết mindsponge.
Tài liệu tham khảo
[1] Pompiam MM. (2006). Behavioral Finance and Wealth Management. Wiley, p83–93.
[2] Vuong DHQ, Phuc DQ. (2012). An empirical study of individual investors’ behavioral biases in the Vietnamese stock market. Science and Technology Development Journal, 15, 5-13. https://vjol.info.vn/index.php/JSTD/article/view/8675
[3] Huang JZ, Li Z., Wen F (2023). Asymmetric response to earnings news across different sentiment states: The role of cognitive dissonance. Journal of Corporate Finance,V 78, February 2023, 102343
https://doi.org/10.1016/j.jcorpfin.2022.102343
[4] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3
[5] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. https://www.amazon.com/dp/B0D98L5K44
[6] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461
[7] Tri NP, Hoàng NM. (2024). Hiệu ứng thiên lệch xác nhận trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin. https://kinhtevadubao.vn/hieu-ung-thien-lech-xac-nhan-trong-dau-tu-chung-khoan-qua-goc-nhin-xu-ly-thong-tin-30065.html
[8] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6
Bình luận