Vì sao nợ công tăng nhanh?

Thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội sáng 01/11 về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, "đây là vấn đề khó, mới làm lần đầu" trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, giá dầu thô giảm sâu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, trong nước lại đang triển khai tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế.

Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tài chính ngân sách phản ánh thực trạng sức khỏe của nền kinh tế, mặt khác chính sách tài chính cũng góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế và góp phần thúc đẩy công bằng xã hội. Tuy nhiên, nước ta đang đối mặt thực tế là nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.

Nguyên nhân gây ra nợ công tăng nhanh được Bộ trưởng chỉ ra là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, GDP cũng không đạt chỉ tiêu đặt ra. Cùng với đó, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước… không đạt yêu cầu.

Quốc hội "nóng" với bài toán đảm bảo an toàn nợ công (ảnh minh họa: KT)

Cụ thể, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 là 7%-7,5%, nhưng ngay sau đó, do những nguyên nhân khách quan, đặc biệt là do sự suy thoái của kinh tế thế giới nên tại họp thứ hai Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10/2011 đã quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này là 6,5%-7%. Tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước không quá 22% – 23%/năm, giữ nguyên các tỷ lệ đảm bảo an sinh xã hội như giảm nghèo 2,5%/năm, tạo 8 triệu việc làm mới cho 5 năm. Mặt khác, do việc thực hiện giá trị GDP không đạt dự toán, làm tỷ lệ nợ công tăng lên. Như năm 2015, nợ công tăng lên 0,9% so với GDP dự toán. Năm 2014 cũng tương tự, không đạt giá trị GDP dự toán là 4,2 triệu tỷ, chỉ đạt 3,9 triệu tỷ, làm nợ công tăng lên từ 54,3% lên 58,5% GDP.

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa là tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt là đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, kể cả tái cơ cấu nông nghiệp chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, 5 năm qua, điều chỉnh chính sách giảm thu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giá dầu thô giảm, cam kết hội nhập, cơ cấu nền kinh tế có tích cực nhưng ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.

Về mức chi, giữ mức chi theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, Quốc hội đã phê duyệt đảm bảo chi an sinh xã hội, giảm nghèo, chi lương. Tốc độ tăng rất nhanh (không kể tiền lương) tăng 18%, cao hơn tốc độ tăng thu, chi, làm cho trong cơ cấu ngân sách, chi thường xuyên tăng nhanh, lên 67,8%, tăng 8% so với giai đoạn trước. Trong đó, tăng chi cho con người tác động 7/10 tăng chi thường xuyên.

Thực hiện nghị quyết của đại hội Đảng về đầu tư hạ tầng đường bộ, xây dựng nông thông mới, xoá đói giảm nghèo… Trong giai đoạn này, Chính phủ đã trình Quốc hội hàng năm phát hành trái phiếu Chính phủ 2012 – 2014 là 225.000 tỷ, 2014 – 2016 là thêm 170.000 tỷ nữa. Chính phủ trình Quốc hội tăng tỷ lệ bội chi các năm ở mức cao để tăng nguồn cho đầu tư phát triển. Riêng giai đoạn này, 2011 – 2015, dự toán bội chi là 872.000 tỷ đồng , thực tế thực hiện là 1.120.000 tỷ đồng. Do vậy, riêng nợ công tuyệt đối tăng lên 1,2 triệu tỷ đồng.

Giải pháp cho vấn đề nợ công

Nhiều ý kiến đánh giá nợ công tăng nhanh, chưa bảo đảm cân đối chi trả nợ; tiềm ẩn nguy cơ vượt ngưỡng nợ công cho phép, đây là những yếu tố khiến các đại biểu Quốc hội rất quan ngại. Việc nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu kỳ hạn và lãi suất của nợ công là bài toán được đặt ra nóng bỏng. Bàn về giải pháp để khắc phục thực trạng nợ công “leo thang”, trước Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần phải hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, ngân sách; phải từng bước tái cơ cấu nợ công. Trong đó, thời gian tới sẽ đẩy mạnh phần vay trong nước và giảm vay nước ngoài. Hiện, cơ cấu vay nợ trong nước đang ở mức trên 57% và nợ nước ngoài còn 43%.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, có hai quan điểm: một mặt cho rằng nên tập trung đầu tư cho một số ngành, lĩnh vực, địa phương “đầu tàu” để tạo lan toả, đóng góp ngày càng lớn hơn cho nguồn thu; mặt khác cần quan tâm các địa phương khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển. “Trong khi đó, nguồn lực ngân sách hạn hẹp”

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng-

Chính phủ cũng sẽ tái cơ cấu kỳ hạn, lãi suất của các khoản nợ công. Thời gian gần đây, công tác này đã được chú ý hơn nhiều so với trước. Điều quan trọng là lãi suất huy động đã giảm đáng kể. Năm 2011 huy động trái phiếu Chính phủ trong nước với lãi suất 12,01%/năm thì năm 2012 giảm còn 9,8%/năm, năm 2013 là 7,79%/năm, năm 2015 còn 6,28%/năm và 2016 là 6,4%/năm.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần rà soát lại chiến lược nợ công cũng như các chính sách về thuế theo đề án tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công... Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) đề xuất, “trong điều kiện nợ công gia tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn Chính phủ cần cân nhắc bổ sung thêm các chỉ tiêu giám sát chi phí vay để dừng vay hoặc cơ cấu lại đồng tiền vay khi không đạt mục tiêu chi phí thấp. Cân nhắc lợi ích mang lại để quyết định việc vay hay không vay, cần thiết phải điều chỉnh giảm kế hoạch vay kể cả vay ODA, ưu đãi có điều kiện ràng buộc”.

Còn đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) đề nghị “Chính phủ phải có chiến lược nợ rõ ràng, có những điều kiện cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hàng năm, chi tiêu thường xuyên của nhà nước triệt để tiết kiệm, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tiết kiệm chi thường xuyên”.

Về chỉ số an toàn nợ công, các đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm trần nợ công không được vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 53% GDP; đề nghị tăng vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài và tái cơ cấu nợ để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ có các biện pháp quyết liệt để cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng thu, giảm chi, giảm dần nợ công và bội chi; tăng cường phân cấp cho các địa phương để các địa phương tránh phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và tiến hành xây dựng một kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả 5 năm. Nhu cầu của đất nước rất lớn, các nhiệm vụ và mục tiêu rất nhiều nhưng khả năng về ngân sách hạn hẹp, khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội đang còn khó khăn. Để nâng cao hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế, bên cạnh việc tái cơ cấu đầu tư công thì phải tiếp tục đẩy nhanh, quyết liệt kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020./.