Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện dự toán bổ sung từ ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2016 theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công.

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ dự toán bổ sung trong kế hoạch năm 2016 và triển khai thực hiện các nội dung của từng chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ của từng chương trình; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo đúng các quy định hiện hành về quản lý, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì các nội dung, dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với các chủ chương trình hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ dự toán bổ sung kế hoạch năm 2016 và triển khai thực hiện các nội dung, dự án thành phần của từng chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư từng chương trình; ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ của từng chương trình; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo đúng các quy định hiện hành về quản lý, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Thời gian thực hiện kế hoạch vốn bổ sung đến hết ngày 31/12/2017.

Trong giai đoạn 2011-2015 có 16 Chương trình mục tiêu Quốc gia được triển khai thực hiện, đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do mục tiêu của các chương trình quá rộng, bố trí nguồn lực chưa bảo đảm, tổ chức thực hiện có những hạn chế dẫn đến hiệu quả thực hiện nhiều chương trình chưa cao. Để tập trung được nguồn lực, khắc phục được sự dàn trải và tạo điều kiện để tổ chức có hiệu quả, tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2016), Quốc hội đã cắt giảm từ 16 Chương trình xuống còn 2 Chương trình là Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trong giai đoạn 2106-2020, Quốc hội sẽ dành khoản ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng để đầu tư Chương trình xây dựng nông thôn mới và 46.161 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo bền vững.

Quốc hội cũng đề ra nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình, cụ thể:

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:

- Ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo.

- Tập trung đầu tư cho các xã mới đạt dưới 5 tiêu chí và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thủy lợi); hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo định mức cho các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo); các huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn (Chương trình 135); các xã khác.

Trung ương hỗ trợ cho địa phương tổng mức vốn theo các dự án của Chương trình, trong đó quy định cụ thể mức vốn của Chương trình 30a, Chương trình 135.

Nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho địa phương để thực hiện 2 Chường trình này sẽ được giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ cụ thể, phù hợp với địa phương.

Cũng tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã ra Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng) và vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Quốc hội cũng tán thành bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới (43.119 tỷ đồng) và Giảm nghèo bền vững (29.698 tỷ đồng)./.