Tiến độ thu ngân sách khó khăn

Một số đại biểu quốc hội cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến đạt kế hoạch 6,7%, vậy tại sao thu NSNN chỉ tăng 2,3% so dự toán? Vì sao tăng trưởng kinh tế năm 2018 dự kiến tăng 6,5-6,7%, lạm phát khoảng 4%; nhưng dự toán thu NSNN năm 2018 chỉ tăng 6,4%? Việc quy mô thu NSNN tính theo GDP giảm, không đạt mục tiêu đề ra cũng được các đại biểu quan tâm.

Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu năm 2017 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế 6,7% và lạm phát 4%. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế và lạm phát ước đạt kế hoạch, thì đánh giá thu ngân sách vượt dự toán 2,3% là tích cực.

Nếu so với năm 2016, thì đánh giá thu NSNN năm 2017 tăng 10,1%; trong đó thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 14,1%. Điều đó đã góp phần bù đắp do tác động của cắt giảm thuế để hội nhập và giảm thu từ dầu thô do sản lượng và yếu tố giá. Mức đánh giá thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại (6,7% + 4%).

Tương tự như vậy, dự toán dự toán thu nội địa năm 2018 đã rất tích cực: Tăng 8,6% so với ước thực hiện năm 2017, trong đó, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước tăng 12,5%. Sau khi bù trừ với số giảm dự toán thu dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thì tổng thu cân đối NSNN năm 2018 dự kiến chỉ tăng 6,4%.


Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ những khó khăn trong tiến độ thu từ các khu vực kinh tế trọng điểm. Mặc dù đánh giá tổng thể thu NSNN vượt dự toán 2,3%, nhưng thu từ các khu vực kinh tế quan trọng lại không đạt dự toán (khu vực DNNN chỉ đạt 92,3%; từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 95,1% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,2% dự toán). Thực tế này có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về chủ quan, dự toán thu NSNN của các khu vực này năm 2017 đều giao ở mức cao. Cụ thể, so với thực hiện năm 2016, dự toán thu từ khu vực DNNN tăng 8,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,9% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 23,8%. Cao hơn nhiều so với kế hoạch tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại (6,7% + 4%).

Vì vậy, mặc dù đánh giá thu không đạt dự toán từ các khu vực này, nhưng là mức tích cực so với thực hiện thu năm 2016, trong đó thu từ khu vực FDI tăng 16,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,3%; tổng hợp chung thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước tăng 14,1%, cao hơn tăng trưởng kinh tế 6,7% và lạm phát 4% (mức tăng tương ứng năm 2016 là 10,3%, ứng với tốc độ tăng trưởng 6,21%).

Về khách quan, mặc dù kinh tế có khởi sắc, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, việc cơ cấu lại khu vực DNNN và các tổ chức tín dụng còn chậm. Tình hình sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty lớn trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, khai khoáng, thủy điện, khí thiên nhiên... có đóng góp thu lớn cho NSNN vẫn khó khăn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, đối với thu ngân sách từ dầu thô, đây là khoản thu đã từng chiếm tỷ trọng gần 20% tổng thu NSNN trong giai đoạn 2006-2010, nhưng thời gian qua đã giảm nhiều do giới hạn sản lượng và giá dầu có xu hướng ở mức ổn định thấp. Đến năm 2017, dự toán thu dầu thô chỉ chiếm 3,2%, trên cơ sở sản lượng 12,28 triệu tấn và giá 50 USD/thùng.

Theo Bộ trưởng Dũng, tiến độ thu đến nay còn thấp, cần phải nỗ lực phấn đấu mới có thể đạt dự toán thu NSTW năm 2017.

Tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam là bình thường

Có ý kiến cho rằng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam cao thứ 3 sau Nhật Bản và Trung Quốc; tỷ lệ huy động thuế, phí cao hơn Thái Lan, Philippin, Malaysia. Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao như đại biểu nêu.

Bộ trưởng đưa ra so sánh cụ thể, tỷ trọng dự toán thu NSNN trên GDP của Việt Nam năm 2018 là 23,9%GDP, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí là 19,7%. Trong khi theo báo cáo của IMF (tháng 10/2017), thì tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP năm 2016 bình quân của các nước Liên minh châu Âu là 44,3%GDP, của các nước phát triển và mới nổi châu Á là 25,5%GDP, của một số nước trong khu vực như Trung Quốc là 28,2%, Ấn Độ là 21,3%, Thái Lan là 22,4%, Malaysia là 20,4%...

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khi so sánh số liệu thu ngân sách giữa các nước, cần chú ý để đảm bảo việc so sánh dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất. Thí dụ, số thu ngân sách của nhiều nước thường chỉ là số thu ngân sách của chính quyền trung ương, trong khi, số liệu của Việt Nam bao gồm 4 cấp: trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Về phạm vi, thu ngân sách của Việt Nam bao gồm cả thu từ dầu thô, thu sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trong khi ở nhiều nước, các khoản thu này được xếp vào các nhóm khoản thu “từ vốn” (thu từ bán tài nguyên quốc gia) và không được tính vào nguồn thu từ thuế, phí (ví dụ như Trung Quốc). Hoặc các nước phát triển tính cả huy động bảo hiểm xã hội vào thu NSNN, trong khi của Việt Nam lại loại trừ.

Mặt khác, khi so sánh thuế suất của một số sắc thuế cơ bản, thì các quy định của Việt Nam cũng ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Mức bội chi năm 2018 phù hợp với mục tiêu giai đoạn 2016-2020

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, dự toán số thu NSNN năm 2018 mặc dù đã tính ở mức tích cực (3,7%), nhưng so với nhu cầu chi tiêu vẫn thấp; đặc biệt là nhu cầu bảo đảm nguồn tăng chi đầu tư, thực hiện chế độ, chính sách, chi an ninh, quốc phòng...

Dự toán bội chi NSNN (204 nghìn tỷ) thấp hơn dự toán chi đầu tư phát triển (399,7 nghìn tỷ), nghĩa là ngoài phần vay bội chi, trong cân đối chúng ta đã tiết kiệm và dành thêm một phần từ thu NSNN cho chi đầu tư phát triển.

Đồng thời, để phù hợp với mục tiêu kiểm soát bội chi giai đoạn 2016-2020, Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch tài chính – ngân sách 3 năm quốc gia 2018-2020, trong đó bội chi các năm sẽ giảm dần, năm 2018 là 3,7%GDP,năm 2019 là 3,6% và 2020 là 3,4%, bình quân 5 năm bội chi khoảng 3,9%GDP, đảm bảo mục tiêu theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Do vậy, với mức bội chi dự toán của năm 2018 và kết hợp với các giải pháp siết chặt bảo lãnh, dự kiến dư nợ công đến cuối năm 2018 khoảng 63,9%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 52,5%, dư nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,6%GDP, thì hoàn toàn trong phạm vi giới hạn cho phép.

Trước ý kiến của dại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Tp Hồ Chí Minh đề nghị cắt giảm chi thường xuyên để giảm bội chi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, dự toán chi thường xuyên đã bố trí chặt chẽ, tiết kiệm; đồng thời còn yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tự lo trong dự toán để đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương tăng thêm.

Hơn nữa, hệ thống ngân sách của chúng ta cũng không cho phép chuyển trực tiếp phần tiết kiệm chi của các địa phương về để giảm bội chi NSTW. Tuy nhiên, một cách gián tiếp, dự toán đã thể hiện nguyên tắc này qua việc yêu cầu các địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách, thu sự nghiệp để dành nguồn cải cách tiền lương và xử lý nhu cầu an sinh xã hội, giảm yêu cầu hỗ trợ từ NSTW. Nhưng điều này cũng chỉ áp dụng cơ bản đối với các địa phương nhận trợ cấp cân đối, không áp dụng đối với các địa phương không nhận bổ sung chi thường xuyên từ NSTW như TP. Hồ Chí Minh./.