Năm 2020, dự kiến, "hụt" thu ngân sách khoảng 140-150 nghìn tỷ đồng
Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán thì phải xem xét, điều chỉnh giảm tương ứng một số khoản chi để đảm bảo cân đối NSNN.
“Tuy nhiên, trong điều kiện cần thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trước tác động của dịch bệnh, thì chúng ta vẫn phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển, các khoản chi chế độ, chính sách cho con người, thậm chí còn tăng chi an sinh xã hội”, người đứng đầu ngành tài chính chỉ rõ.
Điểm cầu Bộ Tài chính tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 10/4
Nhiều chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí được đề xuất
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dự kiến có khoảng 98% doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 740.000 doanh nghiệp) thuộc diện được giãn thuế và tiền thuê đất với tổng mức khoảng 180.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế tạo điều kiện về mặt thủ tục cho các hộ và cá nhân kinh doanh khi kê khai tiền thuế khoán được miễn giảm do ngừng/nghỉ được tính trọn tháng kể cả trong trường hợp ngừng nghỉ không trọn tháng.
Bộ đã thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19; điều chỉnh biểu thuế xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô. Dự kiến việc điều chỉnh này sẽ giúp giảm nghĩa vụ nộp ngân sách của các doanh nghiệp năm 2020 trên 6.000 tỷ đồng.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020 (theo lộ trình ban đầu thì dự kiến áp dụng từ 1/1/2021).
Theo đó, dự kiến áp dụng thuế suất 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp, đồng thời cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Trường hợp thực hiện từ tháng 7/2020, thì dự kiến sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp (chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng).
Bộ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 09 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm nay khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát để thực hiện cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới, chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài...; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư điều chỉnh giảm giá 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
NSNN ưu tiên 16,2 nghìn tỷ đồng phòng chống dịch
Bộ cũng ưu tiên bố trí khoảng 36.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn phải chủ động bố trí nguồn để tăng cường hàng dự trữ quốc gia (chủ yếu là lương thực), hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm không ai bị đói. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bảo đảm quyền lợi của người bảo hiểm bị tác động bởi dịch bệnh.
Bộ trưởng cho biết, ngân sách nhà nước ưu tiên nguồn lực 16,2 nghìn tỷ đồng phòng chống dịch. Trong đó, đã dành khoảng 9,5 nghìn tỷ đồng cả ngân sách Trung ương và địa phương để mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch. Dự kiến, trong thời tới, có thể tiếp tục phải tăng chi thêm để đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch này.
“Dành khoảng 6,7 nghìn tỷ đồng để chi chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; chi tiền ăn cho người bị cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian cách ly”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng công bố.
Các giải pháp đảm bảo nguồn lực chi ngân sách năm 2020
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước khó khăn của hoạt động sản xuất-kinh doanh, thương mại, đầu tư do tác động của đại dịch, dự báo nguồn thu ngân sách năm 2020 sẽ giảm do tăng trưởng kinh tế đạt thấp; giá dầu thô giảm sâu và điều chỉnh chính sách thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh.
Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp hiện rất chậm cũng là một rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự kiến với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý II/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được, thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách Trung ương giảm khoảng 100.000-110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.
Trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến nêu trên (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), thu NSNN sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics… như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng,…
Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn, trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách.
Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng).
Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, kiến nghị các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý.
“Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính rà soát nguồn lực của mình để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp theo quy định”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Đối với cân đối ngân sách trung ương, Bộ trưởng cho biết, sẽ dự kiến dành 34,6 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách trung ương còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020.
“Trong đó, dự kiến dành 20.000 tỷ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14,6 nghìn tỷ đồng tiếp tục sử dụng để dành cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ cân đối ngân sách Trung ương”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết phương án cụ thể.
Sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách trung ương và địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng quan ngại rằng, trong điều kiện thu ngân sách nhà nước khó khăn, lại phải tăng chi để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nên mặc dù quyết tâm rà soát, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhưng khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6%GDP (tức là ở mức 5-5,1%GDP).
“Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch”, ông Đinh Tiến Dũng lo ngại.
Đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB...), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất (dự kiến có thể vay với chi phí thấp khoảng 1 tỷ USD).
Do số bội chi và tỷ lệ bội chi, tổng mức vay nợ hằng năm của ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định, nên trường hợp thực hiện vay thêm từ các tổ chức quốc tế thì trước mắt giảm tương ứng phần vay trong nước để bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Vẫn phải giữ dự toán chi đầu tư phát triển
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá.
Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên.
Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư.
Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách năm 2020.
“Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra; đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp bổ sung khi cần thiết”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh./.
Bình luận