Sản xuất kinh doanh nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, chịu nhiều rủi ro do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, sức mua và thị trường tiêu thụ suy giảm. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn gặp khó trong thu hút vốn đầu tư so với các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, một nguyên nhân khiến ngành này khó thu hút nhà đầu tư tư nhân lại xuất phát từ việc doanh nghiệp bị gây khó với đủ thứ giấy phép.

Tại một hội nghị về nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, cho biết, theo Quyết định 47/2005, ngày 22/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì cứ vận chuyển trên 200kg mật ong hay 1 đàn ong ra khỏi huyện phải có giấy kiểm dịch. Như vậy, với sản lượng 45.000 tấn mật ong hàng năm, sẽ cần tới 225.000 giấy phép.

Giả sử cấp 1 giấy phép hết 1 ngày thì cần 225.000 ngày, tương đương 616 năm và nếu mất 2 ngày cho 1 giấy phép thì sẽ cần 1.232 năm.

Không chỉ vậy, những bất cập về bộ máy, phương tiện kiểm dịch và trình độ chuyên môn, hiểu biết của cán bộ tại các địa phương khiến việc cấp giấy kiểm dịch cho ngành hàng ong vô cùng chậm trễ.
Còn theo báo cáo rà soát về ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong những bộ có nhiều “giấy phép con” nhất.

Trong bối cảnh nông sản sản xuất ra đã gặp khó khăn về tiêu thụ, giá cả, lại gặp rào cản “giấy phép con” khiến người nông dân càng thêm khó.

Trước thực trạng này, ngày 21/10/2014, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Tại văn bản này, Bộ trưởng yêu cầu toàn bộ các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát tất cả các loại giấy phép liên quan đến thủ tục hành chính và loại bỏ những giấy phép không cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như người sản xuất, kinh doanh trong ngành.

Theo đó, các tổng cục, các cục thống kê tất cả các loại giấy phép, giấy chứng nhận đang cấp cho doanh nghiệp, người dân theo thẩm quyền; đề xuất loại bỏ, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép cho phù hợp với điều kiện hiện nay, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh.

Đơn vị chủ trì sẽ là Vụ Pháp chế, Vụ này sẽ phối hợp với Vụ Quản lý Doanh nghiệp rà soát và tổng hợp thẩm định để báo cáo với Bộ trưởng trước ngày 30/11/2014.

Các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ phải kết thúc việc rà soát, thống kê và kiến nghị bỏ các thủ tục không cần thiết trước ngày 20/11/2014 và và báo cáo với Bộ trưởng trước ngày 30/11 tới./.