Các rào cản hạn chế sức bật của doanh nghiệp ngành xây dựng và chiến lược ứng phó
4 bài toán lớn cần được giải
Từ góc nhìn của doanh nghiệp xây dựng, top 5 khó khăn lớn nhất trong năm 2024 được bao quát qua bốn bài toán lớn đặt ra cho các doanh nghiệp, đó là: (1) Nợ đọng – thiếu vốn, (2) Thiếu nguồn việc, (3) Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và (4) Chi phí.
Nguồn: Vietnam Report |
Bài toán nợ đọng – thiếu vốn
Nợ đọng không phải là câu chuyện mới đối với lĩnh vực xây dựng. Hai năm trở lại đây, trong bối cảnh thị trường bất động sản nguội lạnh, dòng tiền của chủ đầu tư gặp khó, vấn đề này trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Với đặc thù ngành xây dựng là làm trước rồi mới được thanh toán, chỉ được tạm ứng ban đầu một phần, còn lại là vay ngân hàng, rủi ro nợ xấu từ khách hàng với các doanh nghiệp xây dựng hiện hữu khi việc thanh toán cho nhà thầu không đảm bảo tiến độ, thậm chí không thanh toán đang diễn ra. Trong khi đó, đặc điểm của các doanh nghiệp xây dựng là đến 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một hợp đồng bị nợ đọng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Trên thực tế, hầu hết nhà thầu đã từng hoặc đang tồn tại các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu và áp lực từ nợ đọng có thể khiến doanh nghiệp xây dựng kiệt sức, mất khả năng phục hồi. Theo phản hồi của các doanh nghiệp ngành xây dựng trong báo cáo khảo sát mới đây của Vietnam Report, tình trạng nợ đọng chủ yếu đến từ việc hợp đồng xây dựng đang thiếu chặt chẽ, thiếu cơ sở cho việc thanh quyết toán và giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công. Do đó, hoàn thiện chế tài xử lý chủ đầu tư chậm thanh toán nợ đọng là kiến nghị hàng đầu của doanh nghiệp xây dựng đối với Chính phủ với 72,2% số doanh nghiệp lựa chọn. Doanh nghiệp xây dựng mong muốn có cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư để cân bằng lợi ích, quyền lợi giữa hai bên.
Bên cạnh đó, vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp chưa tích cực, thì khả năng phục hồi và phát triển sẽ bị hạn chế. Đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế và từng doanh nghiệp, khi niềm tin từ thị trường trái phiếu, chứng khoán dù đã phục hồi, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Áp lực dòng tiền kinh doanh lớn và tình trạng nợ đọng càng làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu vốn. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, có tới 55,6% số doanh nghiệp xây dựng chia sẻ gặp khó khăn về vốn lưu động. Tín dụng ngân hàng được nới rộng, mặt bằng lãi suất giảm nhưng các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ vẫn khó khăn trong việc vay vốn khi các điều kiện về khả năng tài chính của chính doanh nghiệp không đủ đáp ứng yêu cầu của phía ngân hàng.
Bài toán thiếu nguồn việc
Sức cầu yếu và tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án còn chậm đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn việc của các doanh nghiệp xây dựng. Chẳng hạn, trong mảng nhà ở thương mại, so sánh từ năm 2020 trở lại đây, số dự án nhà ở thương mại được cấp giấy phép xây dựng sụt giảm mạnh với chỉ 67 dự án trong năm 2023 (trong khi con số này trong các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt tương ứng là 743, 239 và 136 dự án). Xét trong quý gần nhất - quý IV/2023, theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, chỉ có 18,9% doanh nghiệp xây dựng hoạt động từ 90% đến 100% năng lực và 2,7% doanh nghiệp hoạt động trên 100% năng lực thực tế. Do đó, không ít doanh nghiệp xây dựng bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu nguồn việc có thể tiếp tục diễn ra trong năm nay.
Nguồn: Bộ Xây dựng |
Bài toán cạnh tranh giữa các doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã khiến cho thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Thậm chí, tình trạng cạnh tranh phá giá đã xảy ra. Không những thế, thị trường xây dựng trong nước kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI đang đổ về Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh đến từ các nhà thầu ngoại khi nhiều chủ đầu tư FDI dành sự ưu tiên cho các nhà thầu đến từ quốc gia của họ.
Bài toán chi phí
Dù giá nguyên vật liệu, vật liệu xây dựng đã hạ nhiệt so với thời kỳ bão giá cách đây một năm, song việc biến động giá vẫn là nỗi lo thường trực đối với các doanh nghiệp xây dựng. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, đa phần doanh nghiệp xây dựng dự đoán giá các nguyên vật liệu sẽ tăng trong năm 2024 dù tỷ lệ tăng không quá “nóng”.
Đáng chú ý, đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống đơn giá, định mức thấp hơn rất nhiều so với thực tế được nhấn mạnh là một trong những khó khăn hàng đầu. Dự án đầu tư công thường có đơn giá lạc hậu, bất cập, chưa sát thực tế khi nhiều nơi chỉ bằng hơn 30% giá thị trường. Hơn nữa, các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện thủ tục đầu tư vẫn cồng kềnh, nhưng chưa có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn. Dự toán các gói thầu có vốn Nhà nước xây dựng trên hệ thống đơn giá, định mức như trên, khiến các nhà thầu dù có được hợp đồng khó có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ khi gặp biến động giá lớn như giai đoạn 2020 – 2022. Trước thực trạng này, ngày 9/1/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 02/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Hơn nữa, dự kiến trong quý I/2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 định mức theo thẩm quyền; Bộ Giao thông Vận tải ban hành mới và điều chỉnh bổ sung 547 định mức dự toán công trình. Đây là động thái tích cực được các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng sẽ từng bước cập nhật hệ thống đơn giá định mức phù hợp với thực tế, qua đó tháo gỡ dần khó khăn cho doanh nghiệp.
Chiến lược vượt qua khó khăn, đẩy nhanh quá trình phục hồi
Giữa khó khăn, các doanh nghiệp đã bắt đầu công cuộc tái thiết, điều chỉnh chiến lược để thoát ra khỏi cơn khủng hoảng nặng nề nhất một thập niên qua của thị trường xây dựng, duy trì hoạt động kinh doanh và tính cạnh tranh.
Nguồn: Vietnam Report, khảo sát các doanh nghiệp xây dựng, tháng 2/2024 |
Hiểu rõ khó khăn mấu chốt liên quan đến chi phí, nợ đọng và nguồn vốn, các doanh nghiệp xây dựng đang có các động thái để cải thiện năng lực quản trị rủi ro, đặc biệt là quản trị tài chính. Đây là chiến lược có tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn là chiến lược trọng tâm trong năm 2024 cao nhất (72,2%). Quản lý tài chính hiệu quả từ lâu đã được thừa nhận là “mạch máu” của các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái. Bối cảnh thị trường biến động, nhiều khó khăn buộc các doanh nghiệp xây dựng phải dự báo tốt hơn bất kỳ nhu cầu tiền mặt nào cần thiết cho các hoạt động vận hành, dự đoán chính xác các yêu cầu về vốn lưu động của dự án ở giai đoạn trước đấu thầu và giám sát chặt chẽ dòng tiền của dự án trong quá trình sản xuất vật chất.
Đáng chú ý, trong số các chiến lược ưu tiên năm nay có sự xuất hiện của chiến lược đa dạng hóa hoạt động kinh doanh với sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn so với kết quả khảo sát năm 2023. Trong bối cảnh nguồn việc hạn chế, để tránh phụ thuộc vào chu kỳ khó khăn của ngành bất động sản, chiến lược đa dạng hóa kinh doanh trở thành một trong những chiến lược được chú trọng của nhiều doanh nghiệp. Khó khăn trong tìm kiếm những đơn hàng xây dựng các nhà ở thương mại trong giai đoạn hiện nay buộc không ít doanh nghiệp lấn sâu để tìm kiếm các công trình đầu tư cho hạ tầng, công trình đầu tư công và xây dựng nhà xưởng hay thậm chí là gia nhập thị trường mới, gia nhập lĩnh vực kinh doanh mới. Đa dạng hóa hoạt động kinh doanh tạo ra thuận lợi khi doanh nghiệp có thể triển khai các hướng đi linh hoạt hơn, bổ trợ nhau, do đó, khả năng ứng phó với thị trường tốt hơn và có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, đây không phải là công thức thành công chung cho tất cả doanh nghiệp, bởi chiến lược này còn phụ thuộc vào năng lực của người lãnh đạo và bộ máy của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chuẩn bị và cân nhắc kỹ lưỡng điều kiện năng lực nhân sự, năng lực tài chính, năng lực quản trị... của bản thân để có thể ứng phó, thích nghi với sự khác biệt khi bước chân vào một môi trường, lĩnh vực mới.
Sự không chắc chắn hay biến động không phải là một điều lạ đối với nền kinh tế vốn được đặc trưng bởi các chu kỳ kinh doanh và giai đoạn khó khăn đóng vai trò là chất xúc tác cho những thay đổi trong cách thức tổ chức và đổi mới, tái tạo lại bản thân của các doanh nghiệp xây dựng. Đây cũng là cơ hội để những doanh nghiệp bền bỉ khẳng định mình. Trong giai đoạn đang được kỳ vọng là thời kỳ chuyển giao dần sang phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế, với những chiến lược củng cố sức mạnh nội tại, đồng thời ứng phó linh hoạt phù hợp với nhịp biến động của thị trường, doanh nghiệp trong ngành tin tưởng sẽ xây dựng nền móng cho sự hồi sức, vượt qua sóng cả và bứt phá vươn lên./.
Bình luận