Tại buổi “Tọa đàm về tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đối với các DNNVV” tổ chức ngày 12/11, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu, ngoài các cơ hội kinh doanh, như: tăng cơ hội xuất khẩu, dung lượng thị trường lớn, đa dạng hóa thị trường ngách... thì khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, các DNNVV Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức lớn, như: cạnh tranh, nguồn nhân lực, văn hóa... Tuy nhiên, hạn chế về vốn vẫn là khó khăn lớn nhất đối với khối doanh nghiệp này.

Cùng quan điểm với nhận định trên, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, hầu hết các DNNVV đều rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính do các điều kiện cho vay quá khắt khe của ngân hàng. Cụ thể: có gần đến 90% DNNVV không đủ điều kiện để vay vốn. Ở một vài địa phương, mặc dù có sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh, thành phố, nhưng DNNVV vẫn chỉ được vay một khoản tiền ít ỏi kèm theo những điều kiện ngặt nghèo.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, năm 2015, nếu Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại đổi mới cơ bản nguyên tắc tín dụng, phương thức cho vay và thanh toán theo hướng thẩm định dự án đầu tư một cách khoa học và khách quan, cùng với những quy định thuân lợi và lãi suất hợp lý thì DNNVV sẽ hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Trần Đình Văn, Giám đốc Công ty Challenge Vision 360 cho biết, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, các DNNVV Việt Nam đã và đang cùng nắm tay nhau vượt khó, nhưng cũng không thể tránh khỏi những khó khăn khi tiếp cận thị trường EU, như: hạn chế về thông tin thị trường, thiếu hiểu biết về mặt bằng pháp lý, sự khác nhau về phong tục tập quán...

Đặc biệt, do điều kiện kinh tế khó khăn nên công tác quản lý của đa số các DNNVV Việt Nam hiện nay chưa được chú trọng. Điều này được chứng minh bằng việc các lãnh đạo DNNVV thường ra quyết định dựa trên kinh nghiệm. Ngoài ra, cũng vì lý do trên mà các DNNVV khó có thể tích hợp khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản phẩm, dẫn đến việc khó cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, ông Văn kiến nghị, cần có nguồn quỹ thành lập giữa Việt Nam – EU, nhằm hỗ trợ vốn cho các DNNVV. Trong đó, lập tổ phân tích và thẩm định các dự án khả thi để tài trợ trực tiếp cho các dự án có tính khả thi chứ không phải dựa trên tài sản thế chấp mà các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn làm.

Ngoài ra, cần có một trung tâm thông tin để trao đổi nhu cầu của trong nước với thị trường EU. Trung tâm này có thể để các doanh nghiệp đầu tư nhằm hỗ trợ thông tin kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó định hướng chiến lược đáp ứng nhu cầu của thị trường EU.

Cũng kiến nghị về giải pháp cho các DNNVV khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, ông Tuyển cho rằng, để cạnh tranh trên thị trường tự do, các DNNVV phải hiểu rằng “quy mô không bằng tốc độ”. Một doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng có chiến lược kinh doanh đúng đắn thì có thể sẽ nhanh chóng trở thành một doanh nghiệp lớn. Do đó, các doanh nghiệp này cần phải xác định chiến lược phát triển của mình dựa trên cơ sở tập trung vào khai thác giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để từ đó xác định sản phẩm, cũng như thị trường mục tiêu cho công ty mình.

Ông Tuyển nhấn mạnh: “các DNNVV cần phải biết lấy ngắn nuôi dài, đặc biệt dám chấp nhận mạo hiểm để tìm các cơ hội kinh doanh, chứ không phải làm liều. ngoài ra, cần tăng cường liên kết và hợp tác với các doanh nghiệp khác hơn nữa để nâng cao sức mạnh doanh nghiệp”./.