Số lượng giảm, hiệu quả kinh tế tăng

Nhờ việc đẩy nhanh thực hiện tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp trong thời gian qua, tính đến nay, số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã giảm đi rất nhiều. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn một cách đáng kể.

Báo cáo rà soát của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, từ chỗ năm 2011 còn gần 1.400 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sau khi tích cực thực hiện cổ phần hóa, số DNNN tính đến hết năm 2019 còn khoảng gần 500 doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng.

Xét về lĩnh vực hoạt động, theo khái niệm mới về DNNN nêu tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020, tính đến thời điểm năm 2020, cả nước có khoảng hơn 650 DNNN. Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có khoảng 478 doanh nghiệp.

Tỷ lệ DNNN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu như: Quốc phòng, an ninh (chiếm tỷ lệ 15 %); Nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi (chiếm khoảng 40%); Hoạt động xổ số (13%); Hoạt động công ích (đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước…) (14%); Hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác kết hợp mục tiêu sản xuất kinh doanh và mục tiêu dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế (chiếm 17%).

Về số lượng doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, tính đến nay có khoảng 180 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu hoạt động trong các ngành: Nông lâm nghiệp (khoảng 11%); Hoạt động công ích (đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước…) (43%); Hoạt động sản xuất kinh doanh (bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng...) (46%).

Tổng số gần 200 DNNN hoạt động sản xuất kinh doanh ở cả 2 khối này chủ yếu hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty, hiện diện trong 6 lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế gồm: nông nghiệp, năng lượng, tài chính-ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp chế biến chế tạo.

Cùng với việc giảm mạnh về số lượng, điều đáng chú ý là các doanh nghiệp nhà nước đang cải thiện dần được hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty có kết quả sản xuất kinh doanh khá tích cực, dẫn đầu về hiệu quả hoạt động trong khu vực DNNN giai đoạn 2017-2019.

Số liệu tổng hợp từ các Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, kết quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty theo mô hình công ty mẹ-công ty con do Nhà nước nắm giữ 100% vốn giai đoạn 2017-2019 đã có những kết quả tích cực với xu hướng tăng trưởng là chủ yếu.

Bảng về tổng hợp tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh của TĐKT, TCT, công ty mẹ-con giai đoạn 2017-2019

Theo phân tích của Cục Phát triển doanh nghiệp, phần lớn nguồn lực và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đều xuất phát từ hoạt động các DNNN hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con (trong đó có tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước). Số liệu thống kê cho thấy qua 3 năm trong giai đoạn 2017-2019, tổng tài sản của khối các doanh nghiệp này bình quân đạt 2.735.000 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản của các DNNN trên phạm vi toàn quốc; vốn chủ sở hữu của khối này bình quân đạt 1.240.126 tỷ đồng, chiếm 91% tổng vốn chủ sở hữu của DNNN.

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty như Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí PVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT…) luôn là những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh cao, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2017-2019, hiện diện trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

Người dẫn đầu ngành, kẻ tụt lùi

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, kết quả phân tích thực trạng DNNN theo một số ngành cho thấy không phải tất cả các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đều tăng trưởng một cách hiệu quả. Đáng chú ý trong khi một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty dẫn đầu tăng trưởng trong ngành thì cũng không ít doanh nghiệp vẫn dẫm chân tại chỗ, thậm chí vẫn không cải thiện được tình trạng thua lỗ kéo dài.

Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng có sự hiện diện của 4 Tập đoàn lớn của quốc gia, gồm: Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản VN (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex (Petrolimex) với kết quả sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực này.

Bảng về chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh của 4 doanh nghiệp trong nhóm ngành Năng lượng năm 2019

(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo Tài chính năm 2019)

Qua nghiên cứu, phân tích cho thấy đây đều là những doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động khá hiệu quả và có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước (như PVN/EVN thường là 2 tập đoàn có doanh thu và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách). Các doanh nghiệp này có thị phần lớn trong nền kinh tế.

Trong đó, xét về nguồn phát điện, các nhà máy điện của EVN, PVN, TKV chiếm 87% cơ cấu nguồn đặt; các nhà máy thuộc các thành phần kinh tế khác chiếm 13%; Xét về phân phối xăng dầu, PVOil-công ty con của PVN và Petrolimex là 2 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất, chiếm gần 70%;

Xét về lọc hóa dầu, PVN đáp ứng 70-75% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Ngoài hoạt động khai thác dầu khí, PVN đang tập trung cho công nghiệp lọc hóa dầu với các sản phẩm hóa dầu như: xăng dầu (80% thị phần trong nước), phân bón (80% thị phần), hạt nhựa PP (khoảng 15% thị phần trong nước và xuất khẩu). Đồng thời, PVN cung cấp 70% thị phần LPG để phục vụ cho phát triển điện khí.

Trong lĩnh vực đầu tư vốn và tài chính, ngân hàng, phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư vốn và tài chính, ngân hàng hoạt động hiệu quả, có tác động đối với phát triển kinh tế vĩ mô. Đối với khối 3 ngân hàng thương mại (không tính Agribank do đang triển khai thực hiện cổ phần hóa), tỷ suất ROE đạt cao chiếm thị phần khoảng gần 50% trên thị trường huy động vốn và cho vay vốn. Trong đó, Vietcombank có tỷ suất ROE và lợi nhuận trước thuế cao nhất, đặc biệt ROE đạt mức 29% vào năm 2019.

Bảng về chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trong nhóm ngành Tài chính-ngân hàng năm 2019

(Nguồn: Tổng hợp từ Báo cáo Tài chính năm 2019)

Ở lĩnh vực viễn thông, các DNNN chiếm thị phần tuyệt đối với hơn 90% tỷ trọng tổng thị trường trong lĩnh vực này. Đồng thời, cũng là các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Trong đó, Viettel là doanh nghiệp có các chỉ tiêu tài chính tốt nhất với mức doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách cao nhất; MobiFone là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất với tỷ suất ROA, ROE ở mức cao.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại 3/4 DNNN hoạt động trong lĩnh vực này (trừ TCT Lương thực Miền Bắc đang trong quá trình thực hiện cổ phần hoá); vai trò và vị trí của các DNNN nêu trên còn mờ nhạt. TCT Lâm nghiệp chủ yếu lợi nhuận đến từ chia lãi liên doanh và cho thuê văn phòng tại Hà Nội; TĐ Công nghiệp cao su lợi nhuận do đầu tư khu công nghiệp trên cơ sở đất cao su hết chu kỳ khai thác; các TCT lương thực chiếm thị phần khiêm tốn trong hoạt động xuất nhập khẩu và thực hiện một số nhiệm vụ chính trị.

Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và logistics, các DNNN hoạt động trong lĩnh vực này thường có tỷ suất lợi nhuận không cao nhưng nắm giữ những hạ tầng kinh tế quan trọng của đất nước.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực này, Tổng Công ty Đường sắt có hiệu quả thấp, vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách. Còn các doanh nghiệp hàng không (hàng không, cảng hàng không) cũng có thị phần tương đối lớn tại cả thị trường trong nước và quốc tế nhưng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả tương xứng, đặc biệt một số doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong năm qua do tác động nặng nề kéo dài bởi dịch Covid 19.

Bảng về Chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trong nhóm ngành Kết cấu hạ tầng - logistics năm 2019

Lĩnh vực hàng hải chủ yếu lợi nhuận từ hoạt động cảng biển; vận tải biển vẫn thua lỗ. Đáng chú ý trong khi doanh nghiệp nhà nước đầu ngành là Tổng Công ty hàng hải thua lỗ thường xuyên thì riêng Tổng Công ty Tân Cảng hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực cảng biển và logistics giữ vai trò là nhà khai thác cảng số 1 Việt Nam, Top thứ 20 cảng có sản lượng container lớn nhất thế giới, Top 10 doanh nghiệp hàng đầu VN về logistics.

Về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo: Hiệu quả hoạt động của DNNN trong lĩnh vực này còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp khu vực tư nhân và FDI. Cụ thể như trong ngành điện tử, 95% kim ngạch xuất khẩu lại đến từ khối doanh nghiệp FDI. Đối với công nghiệp hóa chất, Vinachem chủ yếu tập trung hóa chất tiêu dùng, chưa thực sự có nhiều ý nghĩa để thực hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa. Đối với ngành thép, VNSteel khả năng cạnh tranh thấp, chi phí sản xuất cao, năng suất thấp.

Đối với ngành cơ khí, trong lĩnh vực công nghiệp ô tô/xe máy chủ yếu là từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước (THACO) hoặc khối FDI; trong các lĩnh vực cơ khí khác, DNNN đều hoạt động kém, như TCT Cơ khí xây dựng, TCT Máy và Thiết bị CN đều lỗ; TCT Máy và Thiết bị nông nghiệp-VEAM hoạt động hiệu quả không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh mà chủ yếu là từ chia lãi liên doanh; chỉ riêng có Lilama là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có khả năng làm tổng thầu các công trình các công trình quan trọng.

Mạnh dạn có cơ chế giao quyền cho DNNN trong đổi mới sáng tạo

Để củng cố, phát triển các doanh nghiệp nhà nước, ông Trung nhấn mạnh một số đề xuất cơ chế, chính sách, trong đó tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Theo đó, xem xét sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện với các định hướng đột phá, tạo sự chủ động cho các DNNN.

Mạnh dạn trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box).

Tăng cường đầu tư KHCN thông qua hình thức đầu tư mua công nghệ và tham gia mua cổ phần hoặc các dự án của nước ngoài đã có sẵn công nghệ để phát triển và làm chủ công nghệ.

Xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN (như đưa ra các quy hoạch, định hướng chiến lược về DNNN gắn với định hướng phát triển DNNN; ban hành và sửa đổi các quy định pháp lý đối với DNNN, nắm chung về tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện kiểm tra, giám sát).

Tạo cơ chế chính sách để Nhà nước hoặc DNNN tham gia phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới (như: công nghệ môi trường, dữ liệu lớn, AI, năng lượng mới, công nghệ gen, công nghệ vật liệu, công nghiệp an ninh an toàn mạng...) thông qua việc sử dụng nguồn lực của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoặc cùng phối hợp với các DNNN lớn khác.

Căn cứ vào nhiệm vụ tại Nghị Quyết số 12-NQ/TW, thực hiện mục tiêu đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN quy mô lớn, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước trong những lĩnh vực quan trọng, then chốt, mang tính chất mở đường, dẫn dắt, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.