Gian nan tìm vốn

Theo Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí, giá trị sản xuất công nghiệp của Ngành trong những năm gần đây đã có mức tăng trưởng đáng kể. Năm 2013, giá trị xuất khẩu đạt trên 13 tỷ USD, gấp 6 lần năm 2006.

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng hiện có của các doanh nghiệp này và mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu thị trường trong nước.

Một trong những nguyên nhân khiến ngành cơ khí trong nước chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng, đó chính là tình trạng khó khăn khi tiếp cận vốn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi cho các dự án cơ khí trọng điểm.

Tại Hội thảo “Cơ khí trọng điểm - Những rào cản cần được tháo gỡ” diễn ra ngày 18/12, theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho biết, con đường tìm đến nguồn vốn của các doanh nghiệp cơ khí cực kỳ gian nan.

Ông Thụ dẫn chứng, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo “Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm” đã chấp thuận cho 11 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg, ngày 16/01/2009 về các cơ chế, chính sách, danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có 3 dự án được ngân hàng đồng ý cho ký hợp đồng tín dụng với số vốn 374 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng, tương đương 16% hợp đồng tín dụng đã ký.

Cùng khó khăn trên, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), Phan Tử Giang bày tỏ, năm 2009, công ty này bắt tay vào 2 dự án giàn khoan đầu tiên, đúng lúc Quyết định 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm của Chính phủ được ban hành. Công ty đã rất háo hức khi nghĩ rằng sẽ được hưởng 2 chính sách tín dụng trên. Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án trị giá hơn 500 triệu USD là chế tạo giàn khoan và xây dựng căn cứ chế tạo vẫn chưa nhận được hỗ trợ vốn từ Nhà nước.

Để doanh nghiệp cơ khí phát triển

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, ông Ryu Hang Ha, Tổng giám đốc Doosan Vina cho biết, với những vướng mắc về nguồn vốn, Việt Nam nên áp dụng cơ chế ưu đãi về tài chính, lãi suất giá rẻ đối với chủ đầu tư có sử dụng sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đồng thời, tạo sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan có mối liên hệ mật thiết với doanh nghiệp, như: hải quan, thuế, ngân hàng...

Cùng với đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển, khi cấp phép cho các dự án nhiệt điện, lọc hóa dầu, xử lý hóa chất… nên đưa ra các điều khoản mang tính nghĩa vụ bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa phần nguyên vật tư chính và phần xây dựng, hoặc các doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn khi tham gia đấu thầu sẽ được áp dụng điểm ưu tiên. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu và khả năng trúng thầu được cao hơn.

Bên cạnh đó, theo quy định của chương trình các sản phẩm cơ khí trọng điểm, nếu trong nước sản xuất được phải được giao thầu trong nước hoặc chỉ định thầu ký hợp đồng với các nhà cung cấp trong nước về phần sản phẩm đó.

Ngoài ra, theo ông Phan Tử Giang, Chính phủ cần điều chỉnh lại chính sách thuế hợp lý hơn để khuyến khích khách hàng trong nước sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước. Các chính sách về thuế cho sản phẩm cơ khí trọng điểm cần phải đồng bộ hơn. Trong đó, thuế nhà thầu phụ đối với sản phẩm và dịch vụ đi kèm sản phẩm mà các doanh nghiệp nội địa chưa làm được thì cần phải được xem xét theo lộ trình.

Tổng hợp từ:

http://www.baohaiquan.vn/pages/nganh-co-khi-con-duong-tim-von-rat-gian-nan.aspx

http://baodientu.chinhphu.vn/Kinh-te/Tim-giai-phap-go-kho-cho-nganh-Co-khi/216189.vgp

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/du-an-co-khi-trong-diem-phai-vay-von-ngoai-chiu-lai-suat-21-3122535.html