Theo báo cáo của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 02/2015, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 6.899 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 45.825 tỷ đồng, tăng 0,47% về số doanh nghiệp và tăng 44,6% về số vốn đăng ký so với tháng 01 năm 2015.

Tính chung 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới là 13.766 doanh nghiệp, tăng 26,6% và số vốn đăng ký là 77.526 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, xu hướng thanh lọc diễn ra mạnh mẽ từ năm 2013 đến nay đã sàng lọc lại những doanh nghiệp thực sự có chất lượng, không chỉ linh hoạt để tồn tại qua giai đoạn khó khăn nhất mà còn tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới để mở rộng quy mô hoạt động. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2015, có 3.665 lượt doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm là 106.574 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 2 tháng là 184.100 tỷ đồng.

Cùng với đó, số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm là 197.158 lao động, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Tây Nguyên là vùng duy nhất trên cả nước có số doanh nghiệp thành lập mới giảm (44,7%) so với cùng kỳ năm 2014; các vùng còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới tăng, trong đó vùng Đồng bằng Sông Hồng là vùng có tỷ lệ tăng (41,9%) lớn nhất trong cả nước về số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

Trong 2 tháng đầu năm, duy nhất có lĩnh vực Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là giảm, còn các ngành, lĩnh vực khác thì có sự gia tăng về doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm 2014, như: Nghệ thuật, vui chơi, giải trí; Kinh doanh bất động sản; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản...

Tuy doanh nghiệp thành lập mới tăng, song số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh của cả nước trong 2 tháng năm 2015 cũng lại tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, với 2.055 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy rằng, nhờ có sức đề kháng và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn, những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thường có độ ổn định và sức chống chọi với khó khăn cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 14.040 doanh nghiệp, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 4.794 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 9.246 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Như vậy, mặc dù bức tranh doanh nghiệp đã có những điểm sáng, song vẫn còn trong giai đoạn khó khăn. Theo đó, để sớm có sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết những hạn chế nội tại, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành./.