Doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức tốt về pháp luật

Trong năm 2011, nhằm đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp, Bộ Tư pháp tiến hành khảo sát tại 4 bộ (Tài chính, Công thương; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền Thông); 12 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hà Nội…) và 4 tổ chức đại diện cho doanh nghiệp với gần 8.000 phiếu gửi tới đối tượng là công chức nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ pháp lý và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, ở cấp bộ chương trình phổ biến các luật và nghị định hướng dẫn thi hành đạt được chất lượng cao, còn các doanh nghiệp và người dân nắm vững pháp luật lại rất thấp. Nhu cầu hỗ trợ của hai đối tượng này cũng rất cao.

Theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 90% doanh nghiệp nhỏ không biết đến dự thảo luật để góp ý cũng như rất khó khăn trong việc tiếp cận các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Việc đa số doanh nghiệp nhỏ không biết các dự thảo văn bản luật có nhiều nguyên nhân. Trước hết là họ không quan tâm, cho nên cũng không có động cơ để tìm hiểu, nắm bắt.

Điều này rất khác so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là họ thường chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, đề phòng hơn với quy định có thể xảy ra, ảnh hưởng tới họ. Ví dụ họ sẵn sàng bỏ tiền tham dự những cuộc tọa đàm về dự thảo mới. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam thì rất ít, thậm chí hội thảo tuyên truyền miễn phí chưa chắc đã đến.
Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung, qua nhiều năm tiếp xúc tôi thấy đó là đặc tính. Doanh nghiệp Việt Nam quá mải mê làm ăn, mải lo điều hành kinh doanh hàng ngày nên thiếu tầm nhìn rộng về khuôn khổ luật pháp.

Chương trình 585: Cầu nối giữa doanh nghiệp tiếp cận chính sách

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tư pháp đã xây dựng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, ngày 05/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014.

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được ban hành nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, giai đoạn 2010-2014, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai trên toàn quốc, trong đó tập trung thí điểm tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Bình, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Nai và một số tỉnh.

Sau 4 năm, việc triển khai các hoạt động của Chương trình 585 đồng bộ, hiệu quả, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Chương trình 585 đã điều tra, khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp tại các Bộ, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các địa phương và trực tiếp tại doanh nghiệp; bước đầu thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, việc triển khai một số hoạt động của Chương trình 585 còn chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao; các hoạt động còn dài trải, chưa có trọng tâm; công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện các hoạt động chưa hiệu quả.

Trên những thành công của Chương trình Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình 585 theo hướng rà soát, thu hẹp các hoạt động dàn trải, không hiệu quả; hướng trọng tâm đến việc hỗ trợ trực tiếp, thiết thực nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các cam kết trong hội nhập quốc tế.

Đồng thời xây dựng Danh mục nội dung các hoạt động tiếp tục triển khai trên cơ sở kế thừa các dự án đang thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn 2010-2014, bảo đảm không chồng chéo với các chương trình, dự án khác./.