Chỉ có hơn 200 doanh nghiệp khoa học công nghệ

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến tháng 11/2015, cả nước mới chỉ có khoảng 204 doanh nghiệp khoa học, công nghệ đã được cấp chứng nhận, trong đó, Hà Nội có 30 doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh có 23, Thanh Hóa 9, Bình Dương 6, Quảng Ninh và Hải Phòng có 5…

Điều đáng nói là trong số 204 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận thì đã có 5 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng sản xuất và có 3 doanh nghiệp đã thu hồi giấy chứng nhận (do chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang địa bàn khác và không hoạt động thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ).

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đạt được doanh thu, lợi nhuận cao từ các sản phẩm khoa học công nghệ vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, như: giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ chế biến sau thu hoạch, giống vật nuôi…

Có thể thấy, với con số hơn 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong cả nước, rõ ràng mục tiêu phát triển hơn 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 1244/QĐ-TTg, ngày 25/07/2011 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã bị “phá sản”, dù các chính sách, công cụ hỗ trợ, ưu đãi không phải thiếu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là, các chính sách còn “đá” nhau của các cơ quan quản lý nhà nước. Bằng chứng là đến giờ các cơ quan quản lý vẫn chưa coi Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ là Giấy đăng ký hoạt động khoa học công nghệ. Đó là chưa kể việc tiếp cận các ưu đãi vẫn yêu cầu doanh nghiệp khoa học công nghệ phải có Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà lắm với việc phát triển khoa học công nghệ. Bởi, phần lớn các doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp và còn chưa hoàn toàn tin tưởng vào tính hiệu quả của sản phẩm khoa học công nghệ mình làm ra, nên hoạt động nghiên cứu chỉ giới hạn trong một chừng mực nhất định.

Cần trợ lực hơn nữa!

Thực tế cho thấy, bất cập trong những chính sách về khoa học công nghệ là một trong những rào cản khiến số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn hạn chế. Chính vì vậy, ông Nguyễn Duy Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Thương mại Điện tử RNG cho rằng, Chính phủ cần phải thay đổi cơ chế chính sách, tạo hành lang luật pháp thật rõ ràng để doanh nghiệp có thể để tiếp cận thông tin… (Ánh Tuyết, 2015).

Cũng nhận định về vấn đề này, PGS, TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore cho biết, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi cụ thể về đầu tư khoa học công nghệ để doanh nghiệp nhận được những lợi ích trực tiếp. Có như vậy, doanh nghiệp mới có động lực để đầu tư cho khoa học công nghệ.

“Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận được các thông tin về công nghệ. Bởi, các doanh nghiệp nhỏ có hạn chế là không hiểu hết các thông tin về khoa học công nghệ. Ví dụ ở Singapore nếu bỏ ra 1 USD đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ, Nhà nước sẽ miễn thuế khoảng 30 cent nếu họ có lãi và hỗ trợ họ trong tổng đầu tư. Tức là cần có cơ chế khuyến khích đầu tư khoa học công nghệ. Việt Nam cũng nên học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore. Họ có những viện chuyên tìm hiểu các công nghệ tiên tiến trên thế giới rồi chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Kinh phí hoạt động cho các viện được nhà nước hỗ trợ này là dựa trên lợi ích đem lại cho doanh nghiệp. Đây chính là kết cấu công tư hợp tác với nhau”, PGS, TS. Vũ Minh Khương chỉ rõ (Vân Anh, 2015).

Ngoài ra, xác định nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm triển khai các giải pháp nhằm hình thành chuỗi giá trị hàng hóa các sản phẩm sáng tạo trong nước, để kết nối các doanh nghiệp sáng tạo và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm khoa học và công nghệ. Tiến đến hỗ trợ đầu tư, thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ có đối tượng hướng tới là những người có thu nhập thấp, công nghệ ứng dụng tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn./.

Tham khảo từ các nguồn:

1. Ánh Tuyết (2015). Khởi nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp khoa học công nghệ còn khó khăn, truy cập từ http://vietq.vn/khoi-nghiep-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-nhieu-kho-khan-cho-d73713.html

2. Vân Anh (2015). Đầu tư khoa học công nghệ cần tạo động lực cho doanh nghiệp, truy cập từ http://vov.vn/kinh-te/dau-tu-khoa-hoc-cong-nghe-can-tao-dong-luc-cho-doanh-nghiep-459790.vov