Tuy Đức có 6 xã, 75 thôn, bon, bản, với tổng diện tích tự nhiên là 112.924,94 ha. Hiện nay, toàn huyện có trên 54.000 người, với 21 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 43% dân số toàn huyện. Huyện có trên 40 km đường biên giới với huyện Orang, tỉnh Mondulkiri, vương quốc Campuchia.

Huyện có thế mạnh về nông, lâm nghiệp, dịch vụ du lịch, thủy điện nhỏ và quặng bôxít...

Trên cơ sở thế mạnh đó, Huyện cũng đã có những định hướng phù hợp. Kết thúc năm 2017, toàn huyện có 17/18 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt trên 1.946,32 tỷ đồng (giá hiện hành ước đạt 2.861,54/2.855,64 tỷ đồng), tăng 10,38% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 100,02% kế hoạch đề ra.

Trong đó, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.586,72 tỷ đồng, bằng 99,18% so với kế hoạch, tăng 8,29% so với cùng kỳ năm trước; Công nghiệp - xây dựng đạt 160,86 tỷ đồng, vượt 5,44% so với kế hoạch; Dịch vụ đạt 198,74 tỷ đồng, vượt 2,7% so với kế hoạch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 150,38 tỷ đồng, vượt 191% dự toán HĐND huyện giao…

Ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch huyện Tuy Đức (thứ 2 bên phải qua) trong một dịp đi kiểm tra thực tế tại địa phương

Trong năm qua, huyện cũng tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành, các công trình thủy lợi được chú trọng đầu tư, công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm.

Nhờ đó, ngành nông nghiệp có nhiều chuyển biến, năng suất nhiều loại cây trồng tăng. Năm 2017, quy mô sản xuất nông nghiệp tăng lên rõ rệt, giá trị sản xuất tăng 10,38%.

Tổng diện tích gieo trồng và chăm sóc trong năm toàn huyện được 39.318,5 ha; đạt 100,02% kế hoạch với sản lượng lương thực có hạt đạt trên 4.150 tấn, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia súc, gia cầm vẫn duy trì tốt lượng đàn với khoảng 6.637 con gia súc và 362.172 con gia cầm.

Trong năm 2017, do làm tốt công tác phòng ngừa, địa bàn không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra đối với vật nuôi. Không chỉ bảo đảm về diện tích, sản lượng mà chất lượng sản phẩm ngành nông nghiệp huyện cũng từng bước được nâng cao.

Cùng với đó, các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an ninh trật tự tiếp tục được quan tâm, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể, là huyện vùng biên với địa bàn rộng, dân di cư tự do lớn, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Trung ương và tỉnh, huyện Tuy Đức cũng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai các dự án ổn định dân di cư tự do trên địa bàn, tăng cường các giải pháp an sinh cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với phương châm phát triển gắn với an ninh quốc phòng vùng biên, huyện cũng đã chú trọng làm tốt công tác phối hợp trong quan hệ ngoại giao chính trị, kinh tế, ngoại giao nhân dân với huyện Orang, tỉnh Mondulkiri (Campuchia).

Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, mục tiêu của huyện là xây dựng nền sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.

Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất gắn với thị trường. Chú trọng triển khai các dự án quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch vùng nguyên liệu chuyên canh phục vụ công nghiệp chế biến...

Để mời gọi các nhà đầu tư vào địa bàn, huyện sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng thân thiện, tích cực, giảm phiền hà và thời gian cho người dân, doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, huyện sẽ tập trung chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm. Tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

"Huyện sẽ xây dựng cơ chế phù hợp trong khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao, nhất là các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển...", ông Long nhấn mạnh./.