Ngày 30/6, tại Thái Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Thái Nguyên hoàn toàn có thể tự cân đối ngân sách trước năm 2020/ Ảnh: Chinhphu.vn

Thu ngân sách của Thái Nguyên tăng bình quân 30%/năm

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 18/19 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội đề ra, trong đó có 12/19 chỉ tiêu vượt mang tính bứt phá.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2016, 2017 đạt 14% (cao nhất trong vùng và cao gấp 2 lần mức bình quân chung cả nước).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 68 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Điều đáng mừng là thu ngân sách của Thái Nguyên tăng bình quân 30%/năm. Năm 2017, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 12.600 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 68 triệu đồng, gấp 1,3 lần năm 2015, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

“Tỉnh phấn đấu tự cân đối thu chi trước năm 2020”, ông Vũ Hồng Bắc cho biết.

Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 6.300 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 79.500 tỷ đồng; 130 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD.

Công nghiệp có bước phát triển vượt bậc, năm 2017 đạt trên 571 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7/63 tỉnh thành trong cả nước; giá trị xuất khẩu năm 2017 đạt trên 23,5 tỷ USD, chiếm 11% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Thái Nguyên đang tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp công nghệ cao.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số nội dung: Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 và Kết luận số 26-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, trong đó có tỉnh Thái Nguyên và ưu tiên phân bổ vốn đầu tư cho mục tiêu đã xác định trong Nghị quyết.

Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh nhiệm vụ của hồ Núi Cốc theo hướng ưu tiên phát triển du lịch để hỗ trợ tỉnh xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc thành tuyến du lịch trọng điểm, liên kết các tỉnh. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ thành phố Thái Nguyên đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, kết nối với Khu di tích Tân Trào, Tuyên Quang và các tỉnh trong khu vực.

Mục tiêu tự cân đối ngân sách trước năm 2020 hoàn toàn khả thi

Bày tỏ vui mừng trước quyết tâm của Thái Nguyên về việc tự cân đối được ngân sách trước năm 2020, Thủ tướng tin tưởng mục tiêu này hoàn toàn khả thi và mong Thái Nguyên về đích sớm hơn, chậm nhất là vào năm 2019.

Thủ tướng đánh giá cao quy mô giáo dục đào tạo của Thái Nguyên, là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 của cả nước.

Chỉ ra một số khó khăn, thách thức đối với tỉnh Thái Nguyên, Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần tập trung nhìn nhận một cách nghiêm túc để có tầm nhìn lớn hơn, sâu rộng hơn. Thái Nguyên phải trở thành địa phương mẫu mực về phát triển bền vững, cả kinh tế, xã hội và môi trường. Tỉnh cần phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ và sáng tạo hàng đầu ở phía Bắc và cả nước với sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh. Đặc biệt, tỉnh cần phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch, dịch vụ.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng cần đa dạng hóa nền kinh tế với các trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

“Chè cần phát triển theo hướng này”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, cần đưa chè tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, làm sao thế giới biết đến, sử dụng chè Thái Nguyên.

Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch kinh tế, xã hội theo hướng hiện đại bền vững, có độ mở cao, kết nối với các địa phương và quốc tế.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khu sản xuất công nghệ cao của Samsung, Thủ tướng đề nghị tỉnh phân tích chi tiết ảnh hưởng của Samsung đối với kinh tế trong tỉnh để phát triển khu vực dân doanh địa phương, làm sao kết nối được với mạng lưới sản xuất của Samsung.

Thủ tướng lưu ý tỉnh quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp như nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông, thiết chế công đoàn…

Đánh giá cao kết quả cải cách thủ tục hành chính của Thái Nguyên, Thủ tướng mong muốn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác này, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền đối thoại ở mọi cấp.

Mặt khác, Thái Nguyên cần chuyển bị tốt nguồn nhân lực cho phát triển du lịch du lịch, đây là yếu tố quan trọng.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị cụ thể của Thái Nguyên với tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển./.