Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vào chiều tối ngày hôm nay (01/10) về giải pháp để xử lý triệt để tình trạng hàng nghìn container đang tồn đọng tại các cảng biển gây nhiều hệ luỵ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, theo thống kê đến ngày 06/09/2018, số container tồn đọng quá 90 ngày (coi như vô chủ) có khoảng trên 4.900 container, chiếm 32% số container còn tồn đọng.

Tình trạng hàng nghìn container đang tồn đọng tại các cảng biển gây nhiều hệ luỵ

Vì vậy, hướng xử lý có thể phân làm 2 loại. Thứ nhất là những lô hàng phế liệu do các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu, sản xuất. Có 116 tổ chức cá nhân, chiếm 42%. Cơ quan hải quan yêu cầu khẩn trương làm thủ tục thông quan theo quy định.

Trường hợp các lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu bảo đảm môi trường thì sẽ được xử lý theo 2 hướng: Buộc tái xuất hoặc tiêu huỷ và chi phí xử lý do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chi trả.

Đối với các lô hàng phế liệu do 158 tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có giấy xác nhận, chiếm 58%, thì cơ quan hải quan tiếp tục xác minh các tổ chức nhập khẩu và xử lý như các tổ chức buôn lậu phế liệu theo hướng xử lý như trên.

Đối với các lô hàng phế liệu nhập khẩu vô chủ thì xác minh các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện xử lý như chất thải nguy hại hoặc tái chế. Quá trình này phải thực hiện theo các quy định của Chính phủ, trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản và thời hạn sau 5 tháng thì xử lý theo quy trình này.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân của tình trạng hàng nghìn container đang tồn đọng tại các cảng biển do từ đầu năm 2018, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu, khiến nguồn phế liệu tràn sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mặt khác pháp luật về nhập khẩu phế liệu chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế phòng vệ từ xa khiến lượng phế liệu nhập về Việt Nam thời gian qua gia tăng đột biến và ùn ứ tại các cảng.

Trước đó, trong Thông báo số 281/TB-VPCP, ngày 07/08/2018 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan, thu hồi giấp phép của các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm.

Đồng thời, rà soát lại toàn bộ giấy phép nhập khẩu phế liệu còn hạn ngạch. Trong thời gian tới, không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu đối với hoạt động ủy thác nhập khẩu; chỉ xem xét cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất./.