Tồn đọng gần 6.000 container phế liệu nhập khẩu

Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây cho biết, đến cuối tháng 6/2018, chỉ tính riêng các cảng tại TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng đã có gần 6.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh tồn đọng khoảng 4.480 container (riêng cảng Cát Lái là 3.464 container), trong số này có hơn 2.000 container tồn đọng trên 90 ngày. Tại Hải Phòng có khoảng 1.244 container rác tồn đọng, trong đó có 737 container tồn đọng trên 90 ngày.

Phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái. Ảnh: Thu Hòa

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển, theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, là do từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế, gồm 8 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 4 loại phế liệu quặng và 1 loại phế liệu giấy (trong đó có một số mã phế liệu nhựa và giấy trùng với danh mục phế liệu được phép nhập khẩu của Việt Nam).

“Việc này đã tác động tiêu cực, dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu… sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa và giấy”, Báo Quốc tế trích lời ông Thức.

Những hệ lụy đi kèm

Không phủ nhận, mặt tích cực của việc thu gom, tái chế phế liệu là góp phần làm sạch môi trường, tận dụng được các sản phẩm từ rác thải, tiết kiệm nguồn tài nguyên; đồng thời tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, với động cơ vụ lợi của một vài doanh nghiệp và cách làm manh mún của người dân và việc thiếu một quy hoạch tổng thể, khiến việc nhập khẩu phế liệu đang trở thành một nguy cơ.

Có thể thấy rõ nhất là việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, làm chậm lưu thông hàng hóa, giảm dung lượng bãi chứa container, ảnh hưởng đến hoạt động của hải quan cũng như hoạt động của các hãng tàu, làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Về lâu dài, việc nhập khẩu những loại phế liệu không đúng quy định tiềm ẩn những nguy cơ về dịch bệnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, thậm chí với những chất thải độc hại nhập khẩu tác động tới sức khỏe con người.

Đáng báo động, tình trạng nhập khẩu phế thải độc hại đang rất phổ biến, nhưng số vụ bị phát hiện và buộc phải tái xuất lại tương đối ít. Rất dễ hiểu, khi các doanh nghiệp nước ngoài đẩy được phế thải độc hại ra khỏi đất nước họ, thì không dễ gì họ đồng ý tái nhập trở lại. Còn với các doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu trong nước, khi bị truy cứu, buộc phải tái xuất, khắc phục hậu quả, thì họ dùng nhiều chiêu bài hòng trốn tránh trách nhiệm.

Nhìn lại các vụ việc nhập khẩu phế liệu được phát hiện thời gian gần đây, có thể thấy các loại phế liệu công nghiệp, phế liệu là đồ điện tử đa số đã lạc hậu về công nghệ nhưng vẫn còn khả năng tái chế sử dụng. Thực chất, đó là những chất thải mà lẽ ra các nhà sản xuất ở nước ngoài phải bỏ tiền ra xử lý, nhưng họ đã lợi dụng kẽ hở ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam để biến nước ta thành bãi chứa chất thải độc hại. Những hậu quả từ việc rác ngoại xâm nhập vào Việt Nam khó có thể thống kê được. Cái lợi thì hữu hạn, chỉ rơi vào một nhóm người, tổ chức, còn hiểm họa về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người thì vô hạn và việc giải quyết hậu quả cũng phải qua nhiều thế hệ.

Thiếu cơ chế kiểm soát từ xa

Hiện nay, có nhiều chủ hàng hoặc doanh nghiệp nhập khẩu chậm trễ hoặc không đến làm thủ tục thông quan do chưa có giấy xác nhận, hoặc có giấy xác nhận nhưng quá hạn, song vẫn ký hợp đồng mua bán phế liệu, dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến Việt Nam nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu, gây tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng biển, đặc biệt là tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có dấu hiệu gian lận thương mại như: giả mạo giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế (địa chỉ ma), chuyển địa chỉ mà không cập nhật nhưng cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định sau đó bỏ hàng (hàng vô chủ) gây tồn đọng phế liệu tại các cảng biển.

Mặt khác, một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hoá không có phế liệu, nhưng thực tế lại có phế. Phải sau khi dỡ hàng xuống cảng, họ mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng hóa là phế liệu. Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới (nước ngoài), chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ lúc đó mới làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu.

Vì thế, lực lượng chức năng luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm hoặc gian lận nhập phế liệu không đúng hoặc không có giấy phép vẫn nhập về…

Tiến tới cấm nhập khẩu phế liệu

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

“Nghị định sẽ nêu rõ: đối với phế liệu, nghiêm cấm tạm nhập tái xuất, cấm trung chuyển qua các cảng biển của Việt Nam” – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định trên Báo Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, giải quyết tình trạng ùn ứ container phế liệu tại các cảng biển là vấn đề hết sức cấp bách, cần sự chung tay, vào cuộc tích cực của các bộ, ngành. Việc cần làm ngay là Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan các cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với cơ quan môi trường rà soát các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu là phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang lưu giữ trên địa bàn cảng biển thuộc địa bàn quản lý, thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu khẩn trương đến làm thủ tục thông quan khi hàng về cảng; triển khai thông quan nhanh đối với các doanh nghiệp đã có giấy xác nhận và đã có thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra thực tế lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định hiện hành, đảm bảo không phát sinh thủ tục hành chính, không kéo dài thời gian và chi phí lưu kho bãi của doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp với hãng tàu và khách hàng chủ động chuyển các lô hàng phế liệu nhập khẩu về cảng có ít hàng tồn đọng, chưa quá tải trước khi tàu cập các cảnh biển Việt Nam, tránh kéo dài thời gian giải phóng tàu làm phát sinh chi phí cho các bên liên quan.

Về việc xử lý số hàng hóa phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển, mới đây nhất, ngày 17/7/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 4202/TCHQ-PC yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phải kiểm tra thực tế, lấy mẫu phân tích hàng hóa đối với tất cả lô hàng khai báo là phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tổng cục Hải quan lưu ý, trong quá trình làm thủ tục, hải quan địa phương cần chú ý cơ sở pháp lý về quan lý chất thải, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài; bám sát quy trình xử lý khi tiến hành thủ tục nhập cảnh cho các phương tiện vận chuyển phế liệu đã qua sử dụng và giám sát quá trình làm thủ tục, hồ sơ, đối chiếu thông tin, đặc biệt là thu đủ số tiền ký quỹ ít nhất 15 ngày trước khi tiến hành thủ tục thông quan.

Đối với số tiền ký quỹ, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các đơn vị địa phương cần căn cứ vào Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó quy định tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu, việc này còn góp phần gắn trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân.

​Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng; nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng và nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng,

Đối với phế liệu sắt, thép khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng; khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng.

Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc đối tượng trên phải thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Cũng theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan, các đơn vị chức năng địa phương cần tiến hành rà soát, thông báo cho các doanh nghiệp, hãng tàu, đại lý phối hợp để làm việc xác định chủ sở hữu, phân loại theo số lượng, khối lượng, thành phần thời gian, địa điểm lưu trữ; đồng thời xác minh các trường hợp vắng mặt, không xuất hiện ở địa phương hoặc có dấu hiệu lợi dụng để buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ nghiên cứu, trình Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ về việc hạn chế nhập khẩu mặt hàng phế liệu, tiến tới là cấm nhập khẩu phế liệu./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=341248

https://vov.vn/tin-24h/ton-hang-nghin-container-phe-lieu-do-thieu-co-che-phong-ngua-xa-788653.vov

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/907541/yeu-cau-tai-xuat-hang-phe-lieu-co-sai-pham

http://baoquocte.vn/viet-nam-dung-truoc-nguy-co-tro-thanh-bai-rac-cua-the-gioi-74523.html

https://anninhthudo.vn/kinh-doanh/hang-nghin-container-phe-lieu-nam-cang-bien-co-the-khoi-to-doanh-nghiep-nhap-khau/775207.antd