Điều là một loại cây trồng chiếm diện tích lớn tại 3 huyện phía Nam Lâm Đồng (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên). Cùng với việc chuyển đổi vườn điều sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, hiện nay, các địa phương cũng đang tập trung triển khai tái canh và thâm canh vườn điều để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tại huyện Đạ Huoai, tính đến cuối năm 2014, tổng diện tích điều hiện có gần 8.150ha, tập trung tại các xã: Đoàn Kết, Đạ P’Loa, Đạ M’ri, Hà Lâm, xã Phước Lộc, Madaguôi, Đạ Oai, Đạ Tồn. Ông Cấn Kim Khôi, Phó Phòng Nông nghiệp, Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, cho biết: “Hiện tại, cây điều là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện. Để nâng cao thu nhập, thời gian qua, huyện Đạ Huoai đã tích cực vận động nông dân tỉa cành, tạo tán, đầu tư thâm canh cây điều... Qua 3 năm liên tục vận động, năng suất điều của huyện đã có chuyển biến rõ nét. Nếu như năm 2013 năng suất đạt 8,16 tạ/ha thì năm 2014 đạt 8,24 tạ/ha và dự kiến năm 2015 sẽ đạt 8,4 tạ/ha.

Theo kế hoạch, trong năm 2015 - 2016, huyện Đạ Huoai sẽ triển khai ghép cải tạo vườn điều. Theo đó, TTNN huyện Đạ Huoai sẽ triển khai 29 điểm trình diễn kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều tại 10 xã, thị trấn với tổng diện tích khoảng 15ha. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch ghép cải tạo điều trong 2 năm 2015 và 2016 là gần 677 triệu đồng. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ gần 413 triệu đồng; còn lại do người dân đối ứng. Tuy nhiên, một trong những trở ngại hiện nay là công tác bình tuyển cây giống đầu dòng và xây dựng vườn nhân chồi (Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng đang xúc tiến). Vụ ghép cải tạo vườn điều năm 2015 chưa thể có các vườn nhân chồi hoặc cây đầu dòng có đủ khả năng cung cấp số lượng lớn mắt ghép, phục vụ ghép cải tạo đại trà. Do vậy, nguồn giống để khai thác mắt ghép trong năm nay chủ yếu là từ các cây điều giống được các nông hộ khẳng định trội hơn hẳn các cây khác và từ 8 năm tuổi trở lên, năng suất cao và ổn định tối thiểu trong 3 năm liên tục gần đây. Với việc ghép cải tạo vườn điều, mục tiêu được đặt ra là sẽ nâng cao năng suất lên 2 tấn/ha (từ năm 2017) và đạt 3 tấn/ha (đến năm 2020). Hiện, Sở Nông nghiệp, Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đang xây dựng Đề án tái canh, thâm canh tăng năng suất vườn điều tại 3 huyện phía Nam giai đoạn 2016 - 2020. Đề án này sẽ giúp cho 3 huyện phía Nam triển khai có hiệu quả việc cải tạo vườn điều.

Xã Đoàn Kết - huyện Đạ Huoai là một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của Huyện. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước về chương trình chuyển đổi giống cây trồng năng suất cao, xã Đoàn Kết đã ưu tiên phát triển diện tích điều ghép chất lượng cao. Trong 5 năm, xã đã phát triển 396 ha điều ghép, diện tích điều hạt kém năng suất chỉ chiếm vài chục ha. Để cây điều cho năng suất, sản lượng cao. Ban chỉ đạo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của xã đã chú trọng đến công tác tỉa cành tạo tán, bón phân vườn điều sau thu hoạch. Xem đây là giải pháp cần thiết và hiệu quả để nâng cao thu nhập kinh tế từ vườn điều ghép.

Được biết, Hội Nông dân xã Đoàn Kết đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tỉa cành tạo tán vườn điều. Ông Phan Văn Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Cứ vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch, sau khi những vườn điều đã thu hoạch xong, các chi hội nông dân đã vận động nông dân nhanh chóng tỉa cành tạo tán vườn điều. Năm nay, thời tiết rất thuận lợi cho cây điều thu hoạch kéo dài, cho nên, đến đầu tháng 5 dương lịch, bà con nông dân mới bắt đầu thực hiện việc tỉa cành tạo tán vườn điều.

Theo chân Ông Phan Văn Nhị, chúng tôi đi thăm vườn điều của hộ anh Đinh Hướng Tình và chị Cao Thị Nhàn - thôn 1, xã Đoàn Kết, một trong những vườn điều thực hiện theo quy trình hướng dẫn của Trung tâm Nông nghiệp huyện là tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, cành không có khả năng cho trái hay bị rợp nắng, thiếu quang hợp.

Vụ điều năm 2015, gia đình anh Tình chị Nhàn thực hiện tỉa cành tạo tán 5 sào điều, dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Nông nghiệp huyện về các kỹ thuật phun xịt thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh sâu hại điều, kích thích ra hoa, đậu trái, chống rụng trái non, bón phân cân đối để đạt năng suất cao. Kết quả cho thấy, chỉ 5 sào điều, anh thu hoạch 1,7 tấn trái, năng suất tăng gấp đôi so với vụ trước. Cũng bằng phương pháp trên, anh Tình đem áp dụng cho vườn điều hạt có độ tuổi từ 10 năm trở lên. Kết quả 2 ha điều hạt, cho thu hoạch 4,5 tấn, so với các vườn điều khác tại địa phương, thì năng suất điều của gia đình anh tăng 1,5 lần. Ở xã Đoàn Kết còn có các hộ anh K’Minh thôn 4, hộ ông Hồ Nhay ở thôn 1, hộ chị Ka Phên ở thôn 3 đều thực hiện việc tỉa cành tạo tán và bón phân cho vườn điều sau khi thu hoạch. Nên năng suất cây điều mấy năm nay đều đạt cao (bình quân đạt 1,2 tấn/ha).

Ông Phan Văn Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Các chi hội nông dân thường xuyên vận động hội viên thực hiện tỉa cành, tạo tán và bón phân cho vườn điều sau thu hoạch. Năm 2014, tỷ lệ tỉa cành tạo tán đạt trên 90%. Nhờ vậy, nên năng suất cây điều ở xã Đoàn Kết mấy năm nay luôn ổn định, năng suất bình quân đạt trên 1,1 tấn/ha. Năm nay, một số hộ thực hiện vườn điều mẫu theo sự hướng dẫn của Trung tâm Nông nghiệp huyện thâm canh cây điều ghép, thì năng suất đạt cao hơn.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện về chương trình tỉa cành tạo tán, bón phân cho vườn điều đợt 1/2015, theo chương trình cải tạo vườn điều cho năng suất cao, xã Đoàn Kết phấn đấu sẽ đạt 90% diện tích điều được tỉa cành tạo tán, bón phân. Để đạt được chỉ tiêu trên, Ban chỉ đạo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của xã Đoàn Kết đã họp ban chỉ đạo, phân công cho các thành viên, nhất là các đoàn thể quần chúng bám sát địa bàn để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên của mình tổ chức hưởng ứng ngày ra quân toàn dân tỉa cành tạo tán và bón phân vườn điều sau thu hoạch do huyện phát động. Đồng thời thành lập đoàn kiểm tra về tiến độ và hiệu quả của việc tỉa cành tạo tán vườn điều. Xem đây là chỉ tiêu thi đua để bình chọn đơn vị vững mạnh của năm 2015./.