Thực hiện Quyết định số 1782 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012- 2015, Tập đoàn đã nỗ lực và tập trung thực hiện đầu tư các công trình phục vụ ngành nghề kinh doanh chính, không còn tình trạng đầu tư dàn trải. EVN đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển trong giai đoạn 2011-2015 của toàn Tập đoàn là 501.470 tỷ đồng (bình quân trên 100.000 tỷ đồng/năm).

Trong 3 năm 2011-2013, EVN đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Công tác điều hành sản xuất đã bám sát tình hình phụ tải và diễn biến thủy văn để huy động nguồn hợp lý nhất, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, các nguồn giá thành thấp (thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí chạy khí) đã được huy động tối đa, các nguồn giá thành cao (chạy dầu) được huy động thấp.

Tổng giá trị khối lượng đầu tư xây dựng của EVN đạt 236.664 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đạt 227.379 tỷ đồng, không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Về việc thoái vốn, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho biết tính đến hết năm 2013, đã giảm vốn tại 7 công ty cổ phần, thoái vốn lần 1 tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình và thoái vốn toàn bộ tại Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2014, EVN tiếp tục thực hiện thoái vốn thành công tại Công ty cổ phần bất động sản Sài Gòn Vina và Công ty cổ phần bất động sản Điện lực miền Trung. Hiện đang thực hiện các bước thoái vốn, giảm vốn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực.

EVN đang từng bước thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, trong đó đã thành lập 3 tổng công ty phát điện và đang trong giai đoạn chuẩn bị tiến hành cổ phần hóa. Đến năm 2017, hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, theo đó, 5 tổng công ty phân phối sẽ mua điện trực tiếp từ các nhà máy và thuê đường dây của EVN.

Đến năm 2022, hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Ông Phạm Lê Thanh nhấn mạnh, đây là lộ trình tái cơ cấu trong ngắn hạn mà EVN đã và đang thực hiện.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ thực tế, ngành điện là ngành kinh doanh nhưng đang phải thực hiện các chính sách xã hội quá lớn. Thời gian qua, EVN đã đầu tư hàng loạt các dự án đưa điện lưới quốc gia ra các đảo Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn với chi phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng phục vụ chủ yếu cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, các dự án này đều vì mục tiêu chính trị, xã hội.

Trong khi đó, đầu tư điện là một ngành đầu tư lớn và dài hạn nhưng EVN chủ yếu tự huy động vốn vay trong nước và nước ngoài, rủi ro rất lớn. Vì vậy, nếu không có cơ chế đặc biệt thì sau khi tái cơ cấu, việc huy động vốn cho các dự án điện vẫn tiếp tục khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, khả năng duy trì tính ổn định là rất khó.

Ý kiến một số chuyên gia cho rằng: “Trong tiến trình tái cơ cấu của EVN, riêng giá điện cần xác định rõ mục tiêu hướng tới là không còn bao cấp mà chỉ hỗ trợ cho hộ nghèo. Bởi, nếu tiếp tục duy trì giá điện bao cấp thì các ngành sản xuất thép, ximăng... với công nghệ lạc hậu sẽ tiêu tốn điện gấp 1,3-1,5 lần so với Thái Lan.

Đây là điều hoàn toàn bất hợp lý và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, vấn đề cần đặt ra ở đây là phải có cơ chế đối với giá điện”.

Do vậy, một ngành đầu tư rất lớn và dài hạn như EVN, nếu không có cơ chế đặc biệt thì sau khi tái cơ cấu, việc huy động vốn cho các dự án điện vẫn tiếp tục khó khăn.

Ngoài ra, ngành điện còn là ngành sản xuất mà sản phẩm không dự trữ được, vẫn phải phụ thuộc vào thiên nhiên (thủy điện chiếm khoảng 40% cơ cấu nguồn điện). “Đây là những vấn đề vẫn còn tồn tại, làm cho quá trình tái cơ cấu EVN thêm khó khăn”./.

Nguồn tham khảo:

http://nangluongvietnam.vn/news/vn/dien-luc-viet-nam/tai-co-cau-evn-phai-gan-voi-mo-hinh-hien-tai.html

http://baocongthuong.com.vn/doanh-nghiep/59217/tai-co-cau-evn-khong-con-tinh-trang-dau-tu-dan-trai.htm#.U-sS4qMrpcU