Sớm hình thành cụm liên kết ngành

Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, thì ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò hết sức quan trọng và là bài toán căn cơ để giải quyết tình trạng nhập siêu của Việt Nam, đồng thời tạo ra sức hút đầu tư quốc tế.

Bởi đây là những ngành sản xuất các sản phẩm đầu vào gồm các sản phẩm, hàng hóa trung gian và các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất. Nói cách khác, các doanh nghiệp trong ngành này sẽ đảm nhiệm các công việc từ sản xuất nguyên vật liệu đến gia công chế tạo các sản phẩm, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán sản phẩm... để cung cấp cho ngành công nghiệp lắp ráp các sản phẩm cuối cùng là tư liệu, công cụ sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng.

Chính vì vậy, việc hình thành những cụm liên kết ngành sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh hơn.

Tại Hội thảo “Giải pháp tài chính và hạ tầng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ” do Hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (Hansiba) tổ chức ngày 28/8, theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ kế hoạch xây dựng các cụm liên kết ngành đối với một số sản phẩm chủ lực quốc gia có lợi thế để xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đang trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó sẽ ưu tiên đối với những doanh nghiệp tham gia vào các cụm liên kết ngành, cũng như những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tham gia vào chuỗi liên kết sản phẩm trong và ngoài nước.

Cụ thể là, việc hỗ trợ sẽ tập trung vào một số công tác như: đào tạo nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, cung cấp các thông tin liên quan đến thị trường, cũng như hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh...

Ngoài ra, thông qua chương trình phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản phẩm có thể tiếp cận với các ngân hàng để giải quyết những khó khăn về vốn. Bởi thực tế cho thấy, vẫn còn rất nhiều các doanh nghiệp đang còn vướng mắc trong các thủ tục, hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Cùng quan điểm này, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, trong thời gian tới cần xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, đồng bộ để sản xuất ra các sản phẩm có chi phí thấp, khả năng cạnh tranh cao đối với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Cần thay đổi tư duy để phát triển

Có thể thấy, trong thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang được hưởng rất nhiều những hỗ trợ từ những chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, những đóng góp của ngành này vào chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia còn rất nhiều hạn chế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: thời điểm xuất phát muộn, thiếu vốn và nguồn công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao.... Song theo nhiều chuyên gia thì đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy đối với cả những người làm chính sách cũng nhưng những doanh nghiệp trong ngành.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, trong việc quy hoạch, xây dựng chính sách phát triển đối với ngành công nghiệp phụ trợ cần có sự thay đổi về tư duy phát triển. Đối với những địa phương như Hà Nội, với đầy đủ các điều kiện để phát triển công nghiệp hỗ trợ (lao động có trình độ, sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, tiếp cận được nhiều nguồn vốn....).

Song, để phát triển thì không nên dừng ở việc cung cấp sản phẩm đối với thị trường nội địa, mà cần có tầm nhìn xa hơn, đó là việc cung cấp sản phẩm có thể phải tham gia chuỗi sản phẩm toàn cầu, có như vậy mới có sự phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp cũng vậy, nếu không tham gia vào chuỗi sản phẩm thì không sớm thì muộn doanh nghiệp đó sẽ thất bại.

Để chứng minh cho thực tế này, ông Thăng đưa ra ví dụ đối hai 2 “ông lớn” trước kia là Hanel và Viettronics. Đây là 2 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong việc sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã không thể giữ được vị thế của mình, thậm trí không còn được thị trường nhắc tới. Nguyên nhân chính đó là, các doanh nghiệp này không tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu, nên khi hội nhập quốc tế một cách toàn diện, thì đã không còn đứng vững được trên thị trường./.