Một kênh thông tin mới

Đầu tháng 12/2015, Sàn giao dịch vận tải VinaTrucking chính thức đi vào hoạt động. Mục đích của việc hình thành Sàn giao dịch vận tải là tạo môi trường để các đơn vị kinh doanh vận tải đăng tải, giới thiệu năng lực của mình và nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng để vận chuyển; các chủ hàng đăng tải nhu cầu vận tải, tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị vận tải đáp ứng nhu cầu và có giá cước thấp nhất. Thông qua hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, người làm tổ chức vận tải sẽ phát hiện các quy luật của các luồng hàng đi, hàng về trên các hành lang vận tải để có tỷ lệ hàng 2 chiều cao nhất. Từ đó, mang lại hiệu quả cho các đơn vị kinh doanh vận tải.

Sau 4 tháng đi vào hoạt động, Sàn giao dịch vận tải đã thu hút nhiều đơn vị vận tải, chủ hàng tham gia đăng ký thành viên. Thực tế cũng cho thấy, có nhiều hợp đồng vận tải đã được ký kết thành công thông qua kênh thông tin từ Sàn giao dịch vận tải VinaTrucking... Cụ thể là, tính đến ngày 27/04/2016 đã có 473 thành viên tham gia, trong đó có 326 thành viên là chủ xe, 97 thành viên là chủ hàng và 50 thành viên vãng lai. Đã có 96 chuyến hàng và 426 chuyến xe được đăng ký trên sàn. Tổng số giao dịch trên sàn là 219, trong đó số lượng giao dịch thành công là 36 giao dịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì sàn giao dịch vận tải cũng đang có những bất cập nhất định. Cụ thể là, đang dần xuất hiện tình trạng khan hàng hóa trên sàn, điều này đã tạo ra sự chênh lệch đáng kể giữa số lượng xe tìm hàng và hàng hóa cần vận chuyển. Nguyên nhân chính là do sàn giao dịch mới được thành lập nên chưa tạo được sự tin tưởng giữa các thành viên tham gia, khiến xe và hàng chưa gặp được nhau. Điều này cũng được lãnh đạo sàn khẳng định.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đã tham gia sàn giao dich nhưng nguồn hàng vẫn đang rất hạn hẹp

“Nguyên nhân do đây là kênh thông tin mới nên nhiều chủ hàng, chủ xe còn chưa tin tưởng những đối tác trên sàn, do đó lượng giao dịch còn hạn chế. Thông qua sàn, chủ xe - chủ hàng đăng thông tin lên với mục đích chính để khảo giá vận chuyển. Còn nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vận tải, doanh nghiệp vận tải chưa biết về sàn giao dịch vận tải”, ông Tạ Công Thuận Tổng giám đốc Sàn giao dịch Vận tải VinaTrucking cho biết (Tiến Mạnh, 2016).

Cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng

Tại buổi làm việc giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam với các đơn vị vận tải về hoạt động triển khai sàn giao dịch vận tải thí điểm và tích hợp các dự liệu lên sàn giao dịch vận tải ngày 21/04/2016, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, để giải quyết bất cập liên quan đến vấn đề mất cân đối hàng hóa, doanh nghiệp quản lý sàn cần có bộ phận kết nối, chủ động đi tìm nguồn hàng để đưa lên sàn giao dịch. Đặc biệt, thời gian đầu cần phải có biện pháp để thu hút các đơn vị hàng hóa tham gia.

Theo ông Tô Nam Toàn Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ - Bộ Giao thông Vận tải, mục đích của sàn giao dịch vận tải là nhằm cung cấp dịch vụ và quản lý vận tải. Do vậy, để tăng nguồn hàng, các sàn cần phải chủ động phân tích dự liệu về nguồn hàng, số lượng, khối lượng, giá cả, lộ trình vận chuyển… gửi đến cho doanh nghiệp, chủ hàng. Đơn cử như việc gửi thông tin cho các doanh nghiệp vận tải đang có đơn hàng với khối lượng như thế này, cần vận chuyển tới đâu để họ ghép đơn hàng hoặc doanh nghiệp vận tải này đang rộng hàng chiều đi hoặc chiều về, phải có thông tin cụ thể để chủ hàng, doanh nghiệp vận tải nắm được như thế mới thu hút họ tham gia vào sàn (Xuân Nguyên, 2016).

Bên cạnh đó, để có thể kết nối giữa các bên tham gia, theo ông Toàn, các sàn phải cung cấp cho các chủ xe, chủ hàng thông tin, đơn hàng chi tiết, biết được chiều nào rộng, đơn hàng như thế nào, khối lượng cần vận chuyển… như vậy, các sàn phải có sự kết nối để khách hàng có thể xem được tất cả thông tin ở các sàn. Về góc độ quản lý nhà nước, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị điều phối và trung tâm kết nối các giao dịch cần để quản lý cần phải có thông tin tổng hợp, yêu cầu các sàn phải cung cấp thông tin tổng hợp, thông tin chung.

Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch vận tải, mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn số 2490/BGTVT-VT, ngày 10/03/2016 về việc phối hợp chỉ đạo để khai thác sàn giao dịch vận tải góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động vận tải hàng hóa. Cụ thể là, để phát huy hiệu quả của Sàn giao dịch vận tải VinaTrucking, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, quảng bá thông tin về ý nghĩa, tác dụng của sàn giao dịch vận tải.

Đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có nhu cầu vận tải, nhất là các khối lượng hàng hóa cần vận tải đường dài triển khai đăng tải nhu cầu vận tải và thực hiện các giao dịch vận chuyển hàng hóa thông qua sàn giao dịch vận tải VinaTrucking; thông qua trang điện tử (website) với tên miền là Trucking.vn. Trường hợp có nhu cầu, chủ hàng có thể tổ chức đấu thầu khối lượng, vận chuyển với sự giúp đỡ trên sàn giao dịch vận tải để tìm được đơn vị vận tải đáp ứng nhu cầu với chi phí giá cước vận tải hợp lý nhất... Thực tế cũng cho thấy, hiện đã có nhiều địa phương tích cực thực hiện chủ trương này, điển hình như các tỉnh: Long An, Bình Phước, Cao Bằng...

Tham khảo từ:

1. Tiến Mạnh (2016). Sàn giao dịch vận tải khan hàng, truy cập từ http://www.baogiaothong.vn/san-giao-dich-van-tai-khan-hang-d148546.html

2. Xuân Nguyên (2016). Phát triển Sàn giao dịch vận tải: Doanh nghiệp cần chủ động trong tìm kiếm nguồn hàng, truy cập từ http://www.mt.gov.vn/vn/tin-tuc/42037/phat-trien-san-giao-dich-van-tai--doanh-nghiep-can-chu-dong-trong-tim-kiem-nguon-hang.aspx