Nhiều dự án trọng điểm đang chậm tiến độ vì… thiếu vốn

Nhu cầu vốn đầu tư trong 5 năm 2016-2020 gần 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngành chưa giải ngân hết vốn xây dựng cơ bản 2016, trong chuẩn bị đầu tư còn có nhiều vấn đề, nhất là các dự án BOT.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ Giao thông vận tải dự kiến được phân bổ 75.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 - 2020: 5.000 tỷ đồng dành riêng cho công tác giải phóng mặt bằng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; 70.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia.

Tuy nhiên, khả năng sử dụng toàn bộ số vốn 70.000 tỷ đồng cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 2017 - 2020 là rất khó khả thi trong điều kiện hiện nay (huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước đang gặp nhiều vướng mắc).

Muốn đẩy mạnh huy động vốn để đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam cần thiết phải có điều chỉnh về cơ chế chính sách phù hợp; nhưng việc này cần có thời gian, cân nhắc, không thể thực hiện trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước có rất nhiều khó khăn, thậm chí phải giãn tiến độ nhiều dự án do không cân đối được nguồn vốn như đã báo cáo ở trên thì việc triển khai nhiều dự án quan trọng, cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến chỉ đạo trong giai đoạn này sẽ không thực hiện được, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, khu vực.

Sớm xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công tư

Với lý do nêu trên, để hài hòa nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay, Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 trong đó dành một phần vốn cho các dự án giao thông quan trọng, cấp bách khác.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, với phương án này, sẽ dành khoảng 41.414 tỷ đồng làm vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam để đầu tư thêm 573 km cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, tính cả 131 km các đoạn đã hoàn thành (Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) và 182 km đang triển khai đầu tư (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành), thì đến năm 2020 có khả năng hoàn thành 886 km cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; còn lại 799km cao tốc Bắc - Nam sẽ được giải phóng mặt bằng trước để tiếp tục huy động vốn để đầu tư giai đoạn sau năm 2020.

Song song đó, dành khoảng 7.000 tỷ đồng để triển khai các dự án cấp thiết nhất nhằm từng bước cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và dành khoảng 21.586 tỷ đồng để triển khai một số dự án cần thiết, cấp bách, có tính kết nối, lan tỏa vùng miền, có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Chia sẻ những khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư qua hình thức PPP, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cho biết, để có thể tháo gỡ các khó khăn, tiếp tục kêu gọi đầu tư tư nhân theo hình thức PPP một cách minh bạch, hiệu quả.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đang rất khó khăn như hiện nay, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về hình thức đầu tư PPP có tính đến đặc thù của hình thức đầu tư này, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam; Tổng kết và sớm xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công tư...

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ ban hành tiêu chí về thành lập trạm thu phí đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trên nguyên tắc phải tham vấn các bên liên quan và tiến hành đánh giá độc lập về tác động mức giá; Dừng quy hoạch trạm thu phí; ban hành quyết định về thu phí tự động không dừng và xây dựng lộ trình tiến tới áp dụng toàn bộ thu phí tự động

“Hiện nay, nguồn vốn tín dụng dài hạn trong nước đang rất khó khăn và quy mô không lớn. Kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận chia sẻ một số rủi ro đối với các nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư và nguồn vốn tín dụng nước ngoài thông qua việc cung cấp bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh trách nhiệm của Chính phủ đối với các dự án quan trọng quốc gia. Trước mắt, cho phép bảo lãnh cho 2 dự án thí điểm là đường cao tốc Dầu Giây đi Phan Thiết và Tân Vạn đi Nhơn Trạch. Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá độc lập hiệu quả cũng như tác động của việc bảo lãnh đối với nợ công làm cơ sở hoàn thiện chính sách”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề xuất.

Thủ tướng chỉ rõ, phải dựa vào dân, nguồn lực xã hội để phát triển giao thông vận tải

Gỡ vướng từ thể chế

“Thể chế còn vướng mắc nhiều thứ nên chúng ta chưa huy động vốn xã hội được. Tôi biết có nhà đầu tư tâm huyết, rất muốn làm, nhưng vì thể chế của chúng ta nên họ nản lòng”, Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần là tìm mọi biện pháp phát triển ngành giao thông vận tải để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Không vì khó khăn về kinh phí mà để đây tiếp tục là nút thắt.

Thủ tướng chỉ rõ, phải dựa vào dân, nguồn lực xã hội để phát triển giao thông vận tải. Vì vậy, cần xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách. Nhà nước chỉ có thể cung cấp vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa cơ sở hạ tầng giao thông thành công.

“Hồi trước mua máy bay, Thủ tướng phải bảo lãnh. Bây giờ tư nhân mua máy bay có ai bảo lãnh mà đội bay thêm được bao nhiêu”, Thủ tướng nêu ví dụ về xã hội hóa, dựa vào nguồn lực từ người dân để phát triển. Đó là lối ra khi mà nguồn vốn Nhà nước bố trí được để phát triển giao thông vận tải chỉ mới đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu.

Thứ ba, phải tháo gỡ mọi thể chế, sửa sớm, bãi bỏ các thể chế cản trở, là rào cản để tiến hành PPP và các giải pháp thu hút nguồn vốn khác. Bộ Giao thông vận tải phải chủ động đề xuất cơ chế, tìm nguồn và hướng xử lý.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã ban hành năm 2013, Nghị quyết 13 của Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó quan tâm thúc đẩy vận tải đa phương thức.

Chú trọng bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng công trình giao thông, không để tình trạng “một trận mưa mà công trình đã xuống cấp”, để làm sao với định mức, đơn giá đó thì chất lượng giao thông phải tốt hơn.

Thứ năm là sử dụng vốn Nhà nước. Thủ tướng cho rằng, với nguồn vốn ít ỏi thì nhà nước làm vốn mồi là chính và phải sắp xếp thứ tự ưu tiên để tăng hiệu quả sử dụng. Các cấp, các ngành, địa phương phải tìm nguồn bổ sung trong quá trình điều hành, kể cả hình thức như cổ phần hóa, chuyển nhượng hạ tầng. Đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn.

Thứ sáu, phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng Giao thông vận tải, trưởng các đơn vị trong việc quyết định những chủ trương phát triển giao thông.

Thứ bảy, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giao thông vận tải, trong điều hành bay, trạm thu phí không dừng, vật liệu mới, phương pháp thi công cầu lớn…

Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giao thông vận tải.

Thứ chín, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, chủ động xây dựng, trình Thủ tướng một số cơ chế đặc thù trong phát triển đường cao tốc, đẩy mạnh hợp tác PPP và một số công việc có liên quan.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý gấp một số vấn đề nóng. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phải trực tiếp bàn với Bộ Tài chính xung quanh vấn đề phạt vi phạm giao thông, có biện pháp mạnh mẽ hơn trong chống “cát tặc”, xử lý vấn đề đường ngang dân sinh qua đường sắt.

Thủ tướng lưu ý Bộ Giao thông vận tải tập trung làm 1 km đường mẫu, từ đó có thể tính được cụ thể chi phí đầu tư, để xem “định mức làm sao, bao nhiêu cát, bao nhiêu xi măng, nếu làm đường nhựa thì như thế nào”…

Yêu cầu các bộ, ngành liên quan chung tay, chung sức tháo gỡ nút thắt về giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành hoàn thành việc sửa một số Nghị định trong tháng 4/2017./.