Đây là một trong các nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho tỉnh Quảng Nam tại lễ kỷ niệm “20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997-2017) và 42 năm giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2017)” được tổ chức tại TP. Tam Kỳ, Quảng Nam vào tối 24/03/2017.

Dấu ấn sau hành trình 20 năm

Theo ông Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, từ một trong các tỉnh nghèo nhất nước, đến nay Quảng Nam đã đứng vào tốp các tỉnh phát triển khá, có quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; diện mạo của tỉnh đã có bước thay đổi lớn về phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh, văn hóa, đối ngoại được mở rộng, tăng cường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; thu ngân sách tăng cao; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt; tạo tiền đề, động lực phát triển cho những năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam

Sau hành trình 20 năm phát triển, Quảng Nam để lại nhiều dấn ấn. Cụ thể, như: Kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh, quy mô nền kinh tế tăng khá. Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 14,73% so với năm 2015; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2016 đạt 10,9%/năm; quy mô nền kinh tế đạt gần 69 nghìn tỷ đồng, gấp 27 lần năm 1997; dẫn đầu trong 5 tỉnh trọng điểm miền Trung, đứng thứ 3 so với 14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung, trong tốp 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ, tạo tiền đề cơ bản để phát triển thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Công nghiệp, xây dựng đóng góp vào nền kinh tế ngày càng tăng, chuyển dịch trong nội bộ ngành thay đổi đáng kể. Vai trò của ngành công nghiệp tăng lên và đóng góp đến 43% GRDP năm 2016 và đạt 84 nghìn tỷ đồng (giá so sánh 2010) gấp 84 lần so với năm 1997, bình quân tăng 25%/năm. Riêng năm 2016 có khoảng 16,5 nghìn cơ sở công nghiệp (trong đó có 767 doanh nghiệp, gấp 15 lần; 15,7 nghìn cơ sở cá thể, gấp gần 1,6 lần năm 1997.

Đáng chú ý, trong 20 năm qua, Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Nhờ đó, diện mạo đô thị, nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc. Về phát triển các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực rất lớn của khu vực doanh nghiệp cho đầu tư phát triển. Tính đến đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh có trên 3,8 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động (gấp gần 12 lần so với năm 1997), có khoảng 126 nghìn lao động đang làm việc (gần 7 lần); tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp vào địa bàn Tỉnh 20 năm đạt khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 32% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tính đến cuối năm 2016 có 129 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,98 tỷ USD, gấp trên 31 lần so với đến cuối 1997.

Cùng với các thành tựu về phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều khởi sắc. 20 năm sau ngày tái lập, chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh ngày càng nâng cao; hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư mở rộng, nâng cấp; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020

Tại buổi lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh, với chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển quả là không dài so với lịch sử của vùng đất Quảng Nam, nhưng những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, tạo tiền đề để tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Đó là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, quyết liệt, ý chí không cam chịu đói nghèo, tụt hậu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhờ phát huy truyền thống anh hùng, bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực để chung sức xây dựng quê hương. Đặc biệt, từ một tỉnh nghèo, mọi hoạt động hàng năm phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, đến nay tỉnh đã vươn lên mạnh mẽ thoát nghèo và trở thành một tỉnh khá, chủ động được nguồn ngân sách. Nếu như ở thời điểm tái lập tỉnh, tổng thu ngân sách của tỉnh mới chỉ đạt 135 tỷ đồng, đến năm 2016 tăng lên 6000 tỷ đồng và đặc biệt đến hết năm 2016 tổng thu ngân sách của tỉnh đã lên tới trên 20 nghìn tỷ đồng.

Chưa kể, Quảng Nam lại có vị trí địa lý cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế một cách toàn diện từ công nghiệp, nông – lâm nghiệp, thủy sản tới các ngành du lịch, dịch vụ. Trong đó, công nghiệp – dịch vụ đang vươn lên chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh với trên 80% đóng góp vào ngân sách địa phương hàng năm. Đặc biệt, Quảng Nam không chỉ là một địa bàn đặc biệt của Việt Nam mà còn của thế giới, là nơi có 2 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới, đó là: Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

Phát biểu tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng trước những thành quả ban đầu mà Quảng Nam đã đạt được. Thủ tướng nhấn mạnh: “chúng ta vô cùng tự hào vì những thành quả vượt bậc mà tỉnh Quảng Nam đạt được trong 20 năm qua, cùng với việc bảo tồn không gian sống của những giá trị di sản làm nên huyền thoại về một trung tâm giao thương phồn vinh nhất ở Đàng Trong ở những thế kỷ trước. Quảng Nam đang từng bước trở thành một điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, sẽ trở thành một tỉnh giàu có, toàn diện ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và của cả nước”.

Đặc biệt, khi kết thúc năm 2016, tỉnh Quảng Nam tiếp tục vươn lên mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế - xã hội, GDP bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/người/năm cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách năm 2016 đạt gần 21 nghìn tỷ đồng gấp 170 lần so với thời kỳ tái lập, đứng thứ 10/63 tỉnh thành phố và là một trong số ít địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương; Công nghiệp – Dịch vụ cũng có bước phát triển ngoạn mục đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuyên Phúc bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đạt được, qua đó Thủ tướng giao tỉnh tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa những kết quả đã đạt được để Quảng Nam vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để làm nền tảng cho 20 năm tiếp theo, trong đó du lịch được coi là ngành thế mạnh của tỉnh nhưng chưa phát huy hết được tiềm năng. Bên cạnh việc phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ, cần phải tập trung khai thác những lợi thế to lớn của các ngành du lịch, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt là phải tập trung cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn tại địa bàn, tiếp tục chăm lo hơn nữa đối với gia đình có công, gia đình chính sách và người nghèo.

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Nam. Đây là phần thưởng xứng đáng mà Đảng và Nhà nước trao tặng nhằm ghi nhận cho những nỗ lực và thành quả đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội./.