UBND TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất dừng triển khai dự án tuyến buýt nhanh BRT số 1, thay vào đó sớm triển khai tuyến buýt chất lượng cao thay thế.

Thông tin từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất với UBND Thàn phố dừng triển khai thi công tuyến buýt nhanh BRT số 1 (lộ trình Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) với vốn đầu tư dự kiến 144 triệu USD.

Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Thành phố cho hay, lượng khách đi xe buýt trên tuyến Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ thấp hơn dự báo rất nhiều. Cụ thể, lượng khách chỉ khoảng 17.700 người/ngày, trong khi dự báo là hơn 24.700 người/ngày.

Bên cạnh đó, tính toán của Sở cho thấy, số lượng hành khách không nhiều hơn so với các tuyến buýt thường hiện nay, thậm chí thấp hơn một số tuyến, trong khi kinh phí đầu tư buýt nhanh BRT rất lớn.

Trong khi đó, nếu mở tuyến buýt chất lượng cao, Thành phố không cần đầu tư hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng suốt tuyến, thiết bị soát vé, nhà chờ, kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện BRT… Ngoài ra, còn thực hiện được dự án, tranh thủ nguồn vốn ODA, tránh được rủi ro.

Trước đó, UBND Thành phố đã giao UCCI làm chủ đầu tư việc nghiên cứu và thực hiện tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh dài 23 km (lộ trình Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 144 triệu USD.

Theo dự kiến, đến cuối năm 2018 Saigon BRT Số 1 sẽ đưa vào sử dụng, tức thời điểm tuyến Metro Số 1 cũng hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm.

Xe buýt nhanh Saigon BRT là dự án trọng điểm của thành phố nhằm quy hoạch lại hệ thống giao thông công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm ủn tắc và tai nạn giao thông.

Ngược chiều đánh giá với Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, tại Hà Nội, vào các khung giờ cao điểm, buýt nhanh có dấu hiệu quá tải. Cụ thể, báo cáo của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, 8 tháng kể từ ngày BRT Hà Nội chính thực vận hành đã thực hiện được hơn 82.000 lượt xe, vận chuyển trên 3,2 triệu lượt khách.

Mỗi ngày bình quân có 13.000 lượt hành khách đi buýt nhanh, trung bình 70 khách/lượt xe. Ngày cao điểm có 18.000 hành khách, 120 hành khách/xe. Vào các khung giờ cao điểm, buýt nhanh có dấu hiệu quá tải.

Sau 8 tháng hoạt động, buýt nhanh BRT đã đạt thành công bước đầu, tỷ lệ chạy đúng giờ đạt gần 99%, thu hút được nhiều đối tượng hành khách như: cán bộ công chức, người cao tuổi, trẻ em.

Ngày 28/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn xe buýt nhanh BRT và nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác vì việc buýt nhanh một mình một đường là chưa hợp lý./.