Ông Hồ Sĩ Quảng nuôi ước mơ thành kỹ sư nông nghiệp để phục vụ quê hương, thế nhưng giấc mơ đó không thể trở thành hiện thực vì hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ hết sức khó khăn, mẹ thì mất sớm, nhà lại đông con, có đến 8 anh chị em. Vậy nên, ông trải qua một tuổi thơ với nhiều dấu ấn khắc khổ, phải ở nhà phụ giúp bố nuôi các em ăn học. Do đó việc “chinh phục vùng Rộc Dứa” thành một cánh đồng là giấc mơ từ thuở thiếu thời của ông.

Ông Hồ Sĩ Quảng

Với tính cách sôi nổi, yêu thích văn nghệ và tham gia tích cực các hoạt động của địa phương nên ông Quảng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên, rồi sau đó là xóm trưởng. Làm cán bộ ở địa phương một thời gian dài, ông xin nghỉ để đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Hơn 10 năm vật lộn mưu sinh ở Hungary, ông Hồ Sĩ Quảng trở về địa phương và được bà con kinh trọng, nể phục bởi lối sống nhân văn. Với số vốn tích lũy được sau 10 năm lao động ở nước ngoài, ông đã giúp đỡ cho nhiều gia đình vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế và bản thân ông cũng tiếp tục gắn bó với ruộng đồng.

Ông Quảng tâm sự: “Quê hương và ruộng đồng cứ đau đáu trong tôi suốt chặng đường mưu sinh nơi xứ người. Ở Hungary có những ngày nhàn rỗi tôi đi đến các tỉnh lẻ chơi để tham quan, tìm hiểu cách người ta làm nông, bởi nông nghiệp là đam mê của tôi”. Thật may mắn, năm 2013, xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, ông Quảng làm đơn xin nhận vùng đầm hoang Rộc Dứa. Lúc đầu, khi nêu ý tưởng đó, ai cũng cho ông là gàn, bởi vùng Rộc Dứa nổi tiếng xưa nay cứ mưa xuống là ngập lụt.

Mất hơn một năm trời, vợ chồng ông Quảng mới cải tạo xong vùng Rộc Dứa, ông mạnh dạn xây dựng hệ thống tưới tiêu, đầu tư máy móc, bắt tay với các công ty giống để họ về kiểm tra độ PH nhằm cải tạo đất. Từ đây, giấc mơ làm nông nghiệp theo phương pháp mới mà ông từng ấp ủ, từng nghiên cứu và khăn gói đi nhiều nơi để học hỏi bước đầu được thực hiện.

Thành công nhờ vào hướng đi mới, khi chúng tôi đến nhà ông Quảng ở xóm Đông Trung, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An để thực hiện bài viết này, thấy ông đang hướng dẫn cho nhân công làm giá thể bắc mạ.

Với khuôn mặt hiền lành, chân chất của người nông dân và thôn qua cách trò chuyện cho thấy ông Quảng là người hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực, nhất là về nông nghiệp. Vụ mùa trồng lúa đầu tiên, ông thu lãi hơn 400 triệu đồng. Tiếp theo, vụ hè thu năm 2015 lãi 600 triệu đồng. Trước nay, nông dân nơi đây cho rằng trồng lúa không có lãi, chưa nói gặp lúc sâu bệnh, hạn hán, lũ lụt còn có thể mất trắng. Vì vậy, một vụ lúa có thể thu lãi hơn 400 triệu đồng quả là hiếm có.

Lý giải về điều này, ông Quảng cho biết đã nghiên cứu và thực nghiệm thành công làm giá thể bắc mạ theo công nghệ mới. Ông còn mời cả kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn. Chính mô hình sản xuất lúa theo quy trình đồng bộ, khép kín đã giúp ông thành công.

Giấc mơ có một cánh đồng để thỏa nguyện niềm đam mê của ông Hồ Sĩ Quảng đã trở thành hiện thực, nhưng ông không dừng lại ở đó. Vào đầu năm 2014, sau khi HTX nông nghiệp Thọ Thành giải thể, ông Quảng suy nghĩ rất nhiều và đứng ra xin UBND xã thành lập HTX mới để phục vụ bà con.

Ngày 7/9/2015, HTX mới do ông Hồ Sĩ Quảng làm chủ nhiệm được thành lập. HTX có hơn 40 xã viên đang làm dịch vụ nông nghiệp trọn gói cho dân, cung cấp các loại giống, vật tư, kỹ thuật nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tín dụng nội bộ. Sắp tới, HTX sẽ mở xưởng may để tạo công ăn việc làm cho thanh niên./.