Nâng cao vai trò của chính quyền Hà Nội trong phát triển sinh kế ở lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững
Từ khóa: phát triển sinh kế, chính quyền, bền vững, nông nghiệp, Hà Nội
Summary
Hanoi in recent years has been implementing an inclusive growth model towards long-term sustainability, ensuring harmony between economic growth and social equity with the ultimate goal of human development. The article approaches from the perspective of livelihood development, improving the lives of farmers, focusing on the goal of sustainable poverty reduction in Hanoi's rural areas. From the results of analyzing the effectiveness of Hanoi government's livelihood development policies, the artile proposes solutions to develop livelihoods in the agricultural sector in a sustainable way in the coming time.
Keywords: livelihood development, government, sustainability, agriculture, Hanoi
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thực tiễn phát triển sinh kế người dân ở ngoại thành Hà Nội nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng luôn được chính quyền các cấp quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa của Hà Nội đã và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ (tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội năm 2022 khoảng 53,9%) có tác động không nhỏ đến việc làm và sinh kế của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi, dân số sinh sống ở ngoại thành Hà Nội còn chiếm tỷ trọng lớn, so sánh số lượng dân số khu vực nông thôn năm 2022 cho thấy, Hà Nội có khoảng 4,2 triệu người, cao hơn dân số của tỉnh Hưng Yên khoảng 1,28 triệu; Bắc Ninh 1,46 triệu; Hà Nam 0,88 triệu người (Tổng cục Thống kê, 2022). Đồng thời, khoảng cách về thu nhập giữa cư dân thành thị và nông thôn của Hà Nội hiện nay còn khá lớn. Đời sống của người dân một số địa phương ở xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai… vẫn còn rất nhiều khó khăn (Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội, 2022). Do đó, vấn đề đặt ra có tính cấp bách là cần nâng cao vai trò của chính quyền các cấp để đảm bảo phát triển sinh kế theo hướng bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN SINH KẾ CHO NGƯỜI DÂN TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP Ở NGOẠI THÀNH HÀ NỘI
Chính quyền Hà Nội trong vai trò phát triển sinh kế
Thành phố đã triển khai các quy hoạch, chính sách về lĩnh vực nông nghiệp thúc đẩy sản xuất ngày càng hiện đại, đạt hiệu quả cao, từ đó đảm bảo sinh kế người lao động trong ngành này. Một số chính sách Thành phố tập trung gồm:
Chính sách ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Với chủ trương phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, Thành phố đã có những chính sách khuyến khích các chủ thể ứng dụng công nghệ cao, đem lại năng suất và thu nhập cao hơn. Năm 2022, Thành phố đã hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh cho 19 trang trại với kinh phí 352 triệu đồng. Hiện đã có 281 mô hình sinh kế trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo Quyết định 3215/QĐ-UBND, ngày 14/4/2019 của UBND Thành phố, trong đó:
(i) Đối với sinh kế trong chăn nuôi: có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất mạnh mẽ nhất, như đưa các giống mới chất lượng cao vào sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học, cây thảo dược để phục vụ chăn nuôi theo hướng sinh học, hữu cơ; sử dụng các trang thiết bị hiện đại, tự động hóa (hệ thống máng ăn, máng uống...).
(ii) Đối với sinh kế trong trồng trọt: đã sử dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới, nhà kính; áp dụng các phương pháp bảo quản tăng giá trị sản phẩm và kéo dài thời gian bảo quản cho sản phẩm quả; hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ, an toàn trong quá trình canh tác...
(iii) Đối với sinh kế nuôi thủy sản: đã sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước vào nuôi trồng thủy sản và các mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc vào nuôi trồng thủy sản; nuôi cá sông trong ao nước tĩnh; có hệ thống cung cấp ô xy tự động hoặc bán tự động...
Tuy nhiên, số lượng các mô hình sản xuất được đánh giá có ứng dụng công nghệ cao toàn phần theo Quyết định số 3215/QĐ-UBND còn nhiều hạn chế; đặc biệt ứng dụng chuyển đổi số, xúc tiến thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý và điều hành sản xuất.
Chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản
Sinh kế của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp có bền vững phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ nông sản được sản xuất ra. Một trong các yếu tố đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là chất lượng sản phẩm ngày càng cao, an toàn và được nhiều người biết đến. Nhằm tạo niềm tin với khách hàng, Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ về chất lượng nông sản, như: triển khai Kế hoạch số 196/KH-UBND, ngày 18/10/2018 về nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020; xây dựng 5-10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến; hỗ trợ 100% số hộ dân trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ về tập huấn về kỹ thuật, nhận thức về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ...; thực hiện đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020” giúp trên 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất. Thành phố triển khai Kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 03/01/2018 về kế hoạch duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm trên địa bàn Thành phố và đưa vào sử dụng phần mềm sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”, hoàn thành “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, Thành phố tăng cường hỗ trợ thúc đẩy xúc tiến thương mại điện tử, chuyển đổi số, tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo ATTP, có giấy chứng nhận sản phẩm OCOP của các trang trại, HTX với các doanh nghiệp (DN)… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cho phát triển sinh kế người dân bền vững hơn. Đến năm 2022, có 518 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao (Nam Giang, 2023).
Chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Để phát triển lâu dài các sinh kế trong nông nghiệp, Hà Nội đã thực hiện gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, cụ thể:
- Đối với sinh kế nuôi trồng thủy sản. Thành phố ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 25/2/2022 về thực hiện chiến lược phát triển thủy sản TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 20/2/2023 về việc tăng cường công tác phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023… để tập trung công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản, chọn lọc các giống cho năng suất cao, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá các sản phẩm an toàn đến thị trường.
- Đối với các mô hình sinh kế trong lĩnh vực chăn nuôi. Thành phố xây dựng định hướng vùng chăn nuôi, quy hoạch mạng lưới cơ sở giết mổ để đảm bảo môi trường và cung cấp thực phẩm sạch. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về trang thiết bị, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, vốn tín dụng để chăn nuôi... góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều nông hộ, HTX và trang trại. Đặc biệt, Hà Nội đã có những chính sách, như: Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, ngày 7/7/2020 về ban hành Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP. Hà Nội; Quyết định số 761/QĐ-UBND, ngày 17/02/2020 về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố… giúp định hướng phát triển sinh kế người dân gắn với bảo vệ môi trường.
Như vậy, phần lớn các loại hình sinh kế trong nông nghiệp ngoại thành Hà Nội đã có ý thức khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên và quan tâm bảo vệ môi trường, chủ động đầu tư xây dựng cơ sở chuồng trại, xây dựng bể lắng, bể biogas xử lý chất thải..., tuy nhiên, việc xử lý nước thải, chất thải chưa triệt để còn để thoát ra môi trường bên ngoài nhất là số trang trại chăn nuôi ở gần khu dân cư, hệ thống cống tiêu thoát không bảo đảm làm ảnh hướng đến môi trường sinh thái...
* Các chính sách liên kết sản xuất và thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp
Thành phố đã hỗ trợ tư vấn và kết nối liên kết giữa các sinh kế với các đơn vị, DN chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị và tăng khả năng tiêu thụ nông sản, như: Quyết định số 390/QĐ-UBND, ngày 17/01/2019 về việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp thành phố; các chính sách ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm… Hiện nay, toàn Thành phố có khoảng 294 trang trại đã liên kết sản xuất phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm, trong đó chủ yếu các trang trại chăn nuôi (lợn, gia cầm) đã có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do trình độ năng lực của các chủ trang trại, của ban quản lý HTX và chủ hộ còn hạn chế, chưa tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nên số lượng trang trại liên kết còn chiếm tỷ lệ chưa cao.
Ngoài ra các chính sách trên, Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế người dân trong lĩnh vực ngày càng bền vững hơn, như: chính sách đào tạo nghề cho người lao động, chính sách về vốn tín dụng…
Việc thực hiện các chính sách phát triển sinh kế của chính quyền cấp huyện thuộc TP. Hà Nội
Chính quyền các huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai một số nhiệm vụ để phát triển sinh kế trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững hơn như sau:
(i) UBND các huyện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng chuyển đổi, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, xây dựng các công trình thủy lợi để tạo nguồn nước cho phát triển sản xuất, đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển sản xuất lâu dài của trang trại, HTX và gia trại.
(ii) Chỉ đạo UBND các xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động sinh kế của người dân như triển khai các kế hoạch sản xuất nông nghiệp; tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với từng loại cây trồng; phát động phong trào diệt chuột bảo vệ mùa màng. Tổ chức định hướng, hướng dẫn các trang trại, HTX, gia trại lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả.
(iii) UBND các huyện thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Rà soát các tiêu chí xây dựng NTM theo các mức độ để xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể thực hiện đảm bảo mục tiêu hoàn thành xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
(iv) Chính quyền huyện tổ chức thành công nhiều lớp tập huấn cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh nông nghiệp về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, bảo quản chế biến, hỗ trợ thông tin thị trường giúp họ định hướng tốt trong việc đầu tư sản xuất. Thực hiện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện. Chính quyền huyện khuyến khích các DN tham gia liên kết đầu tư tạo được mối liên kết sản xuất - tiêu thụ khép kín, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng thị trường hàng hóa, xuất khẩu. Hàng năm, ngoài nguồn ngân sách được hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố, hàng năm ngân sách huyện cũng hỗ trợ sản xuất, phát triển sinh kế trong nông nghiệp.
Ngoài ra, chính quyền các huyện đã tổ chức nhiều chính sách khác để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, người dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có sinh kế phát triển ổn định, như: tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm mô hình làm trang trại, HTX, gia trại giỏi trong và ngoài huyện để học tập nhân rộng; khuyến khích phát triển các mô hình sinh kế nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, nông trại giáo dục và tổ chức lớp đào tạo nghề, tạo thêm việc làm cho người dân ngoại thành,...
Một số kết quả đạt được trong phát triển sinh kế
Giai đoạn 2011 - 2020, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước) (UBND TP. Hà Nội, 2021). Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá hiện hành) đạt khoảng 1.068 nghìn tỷ đồng (tương đương 46,1 tỷ USD), chỉ tăng 2,92% so với năm trước. Năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 203.027 lao động tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021). Mặc dù đại dịch Covid-19 xuất đã gây ảnh hưởng nặng nề tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như đời sống của nhân dân, dẫn đến mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm gần đây[1] nhưng là mức tăng khá cao so với cả nước và các thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân đầu người ở ngoại thành vẫn duy trì được mức tăng, năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, tăng so với năm 2021 (54,07 triệu đồng/người/năm). Một số huyện có thu nhập cao, như: huyện Thạch Thất đạt 91 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng đạt 73 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 72 triệu đồng/người/năm... Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đến hết năm 2022, Thành phố còn lại 2.134 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,095%, số hộ nghèo ở ngoại thành là 2.128 hộ chiếm 0,17% dân cư khu vực này (Tổng cục Thống kê, 2023).
Cơ cấu kinh tế của TP. Hà Nội tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp và xây dựng. Ngành nông nghiệp duy trì được mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 2016-2020 đạt 2,53%; giai đoạn 2021-2022 đạt trên 3% (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, 2023). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ngày càng tăng, năm 2022 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 15.409 tỷ đồng, tăng 1,17 lần so với năm 2015 (Tổng cục Thống kê, 2023). Điều kiện này giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội.
Một số hạn chế và nguyên nhân tồn tại hạn chế đó
- Các chính sách thúc đẩy phát triển sinh kế trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu đồng bộ và cụ thể nên khó triển khai, chưa tạo sự hấp dẫn thu hút DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tham gia chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể xây dựng loại hình nhà màng, nhà lưới và lắp đặt các thiết bị chăn nuôi, trồng trọt; hợp đồng thuê thầu đất do cấp huyện tổ chức có thời gian thuê đất ngắn (5 năm)... do vậy các chủ trang trại, HTX và DN chưa thực sự mạnh dạn đầu tư sản xuất lâu dài dẫn đến phát triển manh mún, nhỏ lẻ.
- Nhận thức của các cấp, các ngành chưa rõ ràng, đầy đủ về phát triển sinh kế bền vững, trong đó nhận thức về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong các lĩnh vực của sinh kế chưa được đề cao. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất ở một số nơi chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức.
- Số cán bộ tham gia các công việc về quản lý an toàn thực phẩm ở cấp huyện phải kiêm nhiệm, cán bộ phụ trách lĩnh vực chăn nuôi thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật ở cấp xã chưa rõ ràng, cụ thể. Số cán bộ phụ trách ít, địa bàn xã rộng, mật độ chăn nuôi cao, diện tích trồng trọt nhiều, trong khi chế độ thấp hiệu quả phát triển sinh kế người dân trong nông nghiệp chưa cao.
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Để phát triển sinh kế bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp cho người dân khu vực ngoại thành Hà Nội, trong thời gian tới, chính quyền Thành phố và cấp huyện cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, cần sớm hoàn thiện quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiến tới quy hoạch các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa phương và sự phát triển sinh kế của dân cư.
Hai là, để nâng cao năng lực quản trị, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ. Đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ tốt nhất người dân và DN.
Ba là, tổ chức đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Chính quyền các cấp ngày càng quan tâm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bộ máy chính có xu hướng tinh gọn nhưng năng lực điều hành, quản trị được đảm bảo.
Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế trong lĩnh vực nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội, như: chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách đào tạo nghề cho người dân, chính sách thu hút DN tham gia sản xuất nông nghiệp…/.
NCS. Nguyễn Công Nam - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
PGS.TS. Nguyễn Thị Nguyệt - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền - Học viện Chính sách phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 34, tháng 12/2023
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Nam Giang (2023), Hà Nội trao chứng nhận cho 518 sản phẩm OCOP, truy cập từ https://bnews.vn/ha-noi-trao-chung-nhan-cho-518-san-pham-ocop/294923.html.
2. Nguyên Phương (2023), Hà Nội: Mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp khoảng 3,0%, truy cập từ https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-muc-tieu-tang-truong-nganh-nong-nghiep-khoang-30-127757.html.
3. Nguyệt Minh (2021), Hợp tác xã Cuối Quý: Chung sức nâng tầm sản phẩm OCOP của Hà Nội, truy cập từ http://tapchimoitruong.vn/bao-ve-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-54/mo-hinh-diem-ap-dung-tien-bo-khoa-hoc-ky-thuat-vao-san-xuat-gop-phan-tao-suc-bat-cho-nong-nghiep-huu-co-ha-noi-25804.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (2020), Báo cáo thực trạng phát triển mô hình kinh tế trang trại, Hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch giáo dục, trải nghiệm trên địa bàn TP. Hà Nội.
5. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội (2023), Báo cáo số 1282/SNN-VPDDPNTM ngày 12/5/2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phục vụ sơ kết 03 năm thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.
6. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê thành phố Hà Nội năm 2022, Nxb Thống kê.
7. UBND thành phố Hà Nội (2022), Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
8. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội (2022), Báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
[1] GRDP năm 2015 tăng 7,39%; năm 2016 tăng 7,16%; năm 2017 tăng 7,39%; năm 2018 tăng 7,25%; năm 2019 tăng 7,72%, năm 2020 tăng 4,18%.
Bình luận