Từ khóa: khởi nghiệp, thể chế thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông nghiệp

Summary

The article focuses on assessing the impact of institutions promoting startup in Vietnamese agriculture in the period 2015-2022. Thereby, providing more relevant practical arguments to have a basis for proposing solutions to improve institutions to promote startup in Vietnamese agriculture in the following years.

Keywords: startup, institutions on promoting startup in agriculture, agriculture

ĐẶT VẤN ĐỀ

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt đưa đến sự phát triển kinh tế đột phá của các quốc gia. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới”.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đã và đang tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế, với những hướng đi mới, những cách làm sáng tạo. Song, hoạt động khởi nghiệp cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh, nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, thì việc tạo lập môi trường thể chế thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp là thực sự cần thiết và phải đi trước một bước.

CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT CỦA NHÀ NƯỚC VỀ THÚC ĐẨY KHỞI NGHIỆP TRONG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp nói chung và thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp nói riêng.

Những chính sách quy định chung

Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Cụ thể hóa Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), với mục tiêu: Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, xác định những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 939/QĐ- TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939). Tiếp đến, ngày 30/10/2017, Thủ tướng ký Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Ngày 12/6/2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành đã chính thức xác lập địa vị pháp lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tiếp sau Luật này là hàng loạt các văn bản pháp lý liên quan đến khởi nghiệp, như: Luật số 04/2017/QH14, ngày 12/6/2017 - Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18/02/2020; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ- TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Những văn bản pháp lý nêu trên được áp dụng chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở tất cả các lĩnh vực trên cả nước. Đối với lĩnh vực nông nghiệp còn có thêm một số chính sách đặc thù.

Những chính sách đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp

Ngày 9/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ; Thông tư số 53/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Nghị định số 01/2012/QĐ-TTg, ngày 9/01/2012 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Hòa chung với không khí khởi nghiệp quốc gia, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030”; Quyết định số 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020- 2025” đáp ứng xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân ngày càng mạnh mẽ.

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA THỂ CHẾ NHẰM THÚC ĐẨY KHỞI NGHIỆP TRONG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Thành tựu đạt được

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã phần nào được hưởng lợi từ chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia của Đảng, cũng như từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp do Nhà nước ban hành. Nhờ đó, năm 2022, có 1.959 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được thành lập mới [6]. Quy mô của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được thành lập mới ngày càng mở rộng đã góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng gia tăng, đóng góp nhiều hơn vào ngân sách chung của cả nước. Một bộ phận người dân, đăc biệt là các thanh niên nông thôn dám nghĩ, dám làm đã khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thành công.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của Nhà nước chú trọng đến việc hỗ trợ tài chính, thương mại hóa, cơ sở vật chất, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đào tạo… Đơn cử như Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (AHBI) thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động đã đã có hơn 100 startup được ươm tạo tại AHBI, với hơn 500 sản phẩm được tạo ra bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, có khoảng 70% doanh nghiệp còn đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp đứng vững trên thương trường. Một số sản phẩm khởi nghiệp điển hình, như: thuốc bảo vệ thực vật sinh học với hoạt chất chiết xuất từ hạt Neem của Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Hóa Sinh; Máy hơ ngải cứu TCS; Chế phẩm, phân bón vi sinh Biomi… Cụ thể, các startup được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí trong đào tạo, tập huấn về quản trị kinh doanh, tiếp thị, bán hàng, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh khác nhau. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm của các startup ươm tạo tại Trung tâm đều có mặt tại các các kênh phân phối, như: Tiki, Lazada, Sendo, Co-op mart… [4].

Là đầu mối quản lý nhà nước về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát động và thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các nguồn lực trong khu vực công, khu vực tư nhân và các đối tác trong và ngoài nước chung tay hình thành, thử nghiệm và thực thi các sáng kiến đổi mới sáng tạo mở, tập hợp và công bố các bài toán, thách thức của doanh nghiệp, của ngành, lĩnh vực và của quốc gia. Đó là định hướng phù hợp để thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam, đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy phát triển thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích chủ động tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp thường xuyên nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, tổ chức trung gian hỗ trợ và trường đại học, viện nghiên cứu trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Ở bất kỳ địa phương nào, chúng ta cũng có thể bắt gặp những dự án khởi nghiệp bằng nông nghiệp, nhiều bạn trẻ đang có công việc ổn định ở các lĩnh vực khác cũng quyết định dấn thân làm nông nghiệp với những ý tưởng sáng tạo độc đáo và mới mẻ. Không những thế, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng chuyển hướng đầu tư, cho thấy nông nghiệp đang thực sự hấp dẫn, không hẳn là một trào lưu đầu tư nhất thời.

Nhiều sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức, chất lượng các hoạt động ngày càng được nâng cao. Các sự kiện khởi nghiệp đã có sự tham gia nhiệt tình và đồng hành của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Nhiều cuộc thi với rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, chương trình đào tạo về khởi nghiệp trong nông nghiệp được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp góp phần kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong cả nước và các quốc gia trong khu vực. Điển hình là cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh. Trải qua 9 năm, Cuộc thi đã đào tạo, hướng dẫn, tư vấn, nâng đỡ và cho ra đời thế hệ những “doanh nông trẻ” trên khắp các tỉnh, thành của cả nước. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 400 lớp tập huấn với khoảng 30.000 lượt thành viên tham dự, cùng hơn 50 lượt chuyên gia tham gia chia sẻ, hướng dẫn. Đồng thời, có 1.000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước tham gia. Đến nay, đã trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp rộng khắp, năng động và sáng tạo, sản xuất ra những sản phẩm mới từ tài nguyên bản địa, sản vật quê hương [5].

Ngoài ra, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đang dần lan tỏa đến các địa phương trong toàn quốc, đưa rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp trở thành các mô hình kinh doanh thành công. Hoạt động hỗ trợ liên kết mạng lưới, cụm công ty, cụm ngành để phổ biến công nghệ và hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một số tồn tại, hạn chế

(i) Chưa có nhiều chính sách đặc thù đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, còn thiếu những chính sách để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, như: chính sách hỗ trợ vốn, chính sách khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách khuyến khích các chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo trong trường học, chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ... Trong khi đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp, xúc tiến, quảng bá hay khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết. Đa phần là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được khởi nghiệp theo phương thức truyền thống là tự lập. Việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao nên sức cạnh tranh của các sản phẩm còn thấp. Mặt khác, doanh nghiệp do mới thành lập nên chưa thu hút được các nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư, chưa biết tìm nguồn hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp mình.

(ii) Nội dung nhiều chương trình trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp còn dàn trải, chưa tập trung và chưa gắn kết với nhau làm cho các doanh nghiệp chưa tiếp cận hay nhận được sự hỗ trợ một cách thuận lợi. Hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước chưa được ban hành. Vì vậy, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ các quỹ có nguồn gốc ngân sách gần như chưa thể triển khai. Chính sách tín dụng khó tiếp cận do hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ban đầu đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, tài sản để thế chấp vay ngân hàng hầu như không có. Bên cạnh đó, bản chất của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là rủi ro cao nên các kênh huy động vốn truyền thống qua các ngân hàng thương mại rất khó khăn và cũng chưa có chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình đào tạo tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

(iii) Cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương cũng chưa hiệu quả, thiếu các thông tin liên quan để kết nối các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà khởi nghiệp. Ngoài ra, hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp từ Trung ương đến địa phương chưa được hình thành đầy đủ, nhất quán. Vai trò của hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương vẫn còn mờ nhạt; hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp và Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ bảo lãnh tín dụng còn chưa tương xứng với mục tiêu. Công tác nắm bắt nhu cầu và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại các địa phương còn yếu cũng như chưa chủ động xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

(iv) Một số chính sách hiện hành cũng chưa đủ mạnh để thúc đẩy việc kết nối triển khai và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ vẫn còn chưa đạt được hiệu quả cao. Số ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được hỗ trợ và triển khai trong thực tế còn hạn chế, chất lượng chưa cao, đồng thời việc xác định doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

(v) Chất lượng nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa đạt ở mức cao. Kỹ năng và năng lực làm việc chưa hoàn toàn phù hợp với lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp và lao động tại doanh nghiệp sau khi được đào tạo chưa thể hiện được hiệu quả làm việc. Cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp khởi nghiệp có trình độ khá, tuy nhiên kỹ năng quản lý và trình độ nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết.

NHŨNG GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Một, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Tháo gỡ một số vấn đề đang là điểm nghẽn trong việc huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, ban hành các quy định về việc tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành thị trường quyền sử dụng đất để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận thay vì việc phân bổ của cơ quan nhà nước.

Hai là, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với mục tiêu dài hạn, có lộ trình cụ thể ở cấp quốc gia và từng địa phương để các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp yên tâm đầu tư phát triển. Có cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có điều kiện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là, quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các trường đại học, các viện nghiên cứu, chuyên gia tư vấn vườn ươm khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong giai đoạn đầu, vốn đầu tư của Nhà nước đóng vai trò “vốn mồi” có tác động lan tỏa việc huy động các nguồn vốn khác. Trong dài hạn, Nhà nước sẽ từng bước thoái vốn chuyển các quỹ đầu tư cho khu vực tư nhân.

Bốn là, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh hiện đại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó góp phần hình thành đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, năng lực và đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Năm là, có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp thành công để nhân rộng ở các địa phương, các nhà trường nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhóm thanh niên, sinh viên, chủ trang trại, doanh nghiệp.../.

TS. Tạ Thị Đoàn

Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2015), Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2018), Kế hoạch số 15 - KH/TWĐTN-TNNT, ngày 22/02/2018 về Hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp năm 2018.

4. Minh Tiến (2023), Hỗ trợ hơn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, truy cập từ https://tiasang.com.vn/dien-dan/ho-tro-hon-100-doanh-nghiep-khoi-nghiep-trong-nong-nghiep/.

5. Thanh Hiền (2023), Hỗ trợ "doanh nông trẻ" khởi nghiệp, truy cập từ https://hanoimoi.vn/ho-tro-doanh-nong-tre-khoi-nghiep-623135.html.

6. Tổng cục Thống kê (2022), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022.