Yêu cầu cao về kỹ năng chuyên môn

Nghề freelance là nghề chỉ dành cho những nhân tố thực sự có năng lực. Nhận định này có thể đang “dội gáo nước lạnh” vào những “mầm non” nhen nhóm ý định rẽ hướng, nhưng đó lại là sự thật. Muốn trở thành freelancer không khó, nhưng để trụ vững với nghề có tính tự do cao đòi hỏi bạn cần có năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, thái độ nghiêm túc cùng các mối quan hệ để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.

Không ai kiểm soát

Khi quyết định trở thành một freelancer, bạn sẽ nhận được ưu ái từ môi trường làm việc tự dovề giờ giấc, không gian làm việc và cả quyền quyết định có nhận công việc hay không. Tuy nhiên, mặt trái khi được toàn quyền quyết định là trạng thái không ai kiểm soát. Nếu không đủ kỷ luật, bạn rất dễ rơi vào cái bẫy trì hoãn và dần bị bào mòn năng lực. Vì thế, hãy xác định mục tiêu, định hướng nghề nghiệp và rèn luyện tính kỷ luật trước khi bước chân vào công việc mang tính tự do cao này. Hãy chắc rằng, bạn sẽ không dễ dàng xao nhãng và bỏ cuộc vì không có ai kiểm soát, đốc thúc.

Phải căng não giải đáp bài toán về nguồn lực

Khi làm việc dưới “mái che” của một đơn vị chủ quản, đồng nghĩa với việc bạn đang được bảo hộ khi xảy ra các vấn đề về pháp lý và được cung cấp các nguồn lực để tập trung sản xuất giá trị thặng dư. Khi trở thành một freelancer đồng nghĩa với việc bạn tự chủ về nguồn thu, nhưng đồng thời phải tự giải đáp bài toán về nguồn lực bao gồm:

- Chi phí không gian làm việc như điện, nước, ánh sáng, điều hòa, điện thoại, mạng internet, văn phòng phẩm, thậm chí khăn giấy hay nước uống.

- Chi phí nâng cấp, sửa chữa phương tiện làm việc như máy tính cá nhân, máy tính bảng, máy in, máy fax,…

- Thời gian và chi phí marketing thương hiệu cá nhân, sản phẩm và thực hiệncông tác chăm sóc khách hàng.

- Thời gian và chi phí (phát sinh) để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng, thỏa thuận, bản quyền sản phẩm, thuế thu nhập,…

Không nguồn lực, không nền tảng vững chắc và kiêm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ của các phòng ban cơ bản trong một công ty là trạng thái mà bạn sẽ gặp phải khi bước chân vào lĩnh vực freelance. Hãy chuẩn bị tinh thần và giải pháp để bước đầu tiên của bạn trở nên thuận lợi hơn.

Dễ bị đào thải

Bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong công việc, freelancer đều phải tự mình giải quyết. Những tác động từ thị trường, khách hàng, nguồn cung đầu vào, văn hóa xã hội, pháp luật,…đều ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của freelancer. Vì thế, nghề freelance có tính đào thải khá cao.

Khi trở thành một freelancer, thương hiệu cá nhân là một yếu tố đặc biệt quan trọng để bạn tồn tại với nghề. Một thương hiệu cá nhân tạo được uy tín và tầm ảnh hưởng sẽ mang đến cho freelancer một con đường rộng mở để phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều đó là cả một quá trình làm việc nghiêm túc, kỷ luật gắt gao và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Bào mòn sức lực

Có một câu nói hay về công việc “Hạnh phúc là có một công việc để làm”. Khi lựa chọn sống hết mình với nghề, freelancer thường dễ bị sa đà vào công việc và không cân đối được thời gian cho gia đình và các mối quan hệ xã hội. Tập trung quá nhiều thời gian cho công việc không phải là dấu hiệu khả thi để một freelancer gắn bó lâu dài với nghề. Áp lực không có người chia sẻ công việc dễ dàng bào mòn nguồn năng lượng và ý chí. Vì thế, trở thành một freelancer, cân bằng công việc và cuộc sống là một bài toán cần giải quyết để tiến xa với nghề.

Freelance là một “hot trend” dành cho những nhân tố dám chấp nhận thách thức. Phía sau đặc quyền tự do mà hiếm công ty nào có thể mang đến là những mặt trái “khó xơi”. Do đó, hãy cân nhắc cẩn thận những thách thức trước khi quyết định bước chân vào lĩnh vực freelance đầy thú vị nhưng cũng cam go này.