Từ khóa: kinh tế số, thanh niên, việc làm

Summary

Although Vietnam has an abundant youth force, the quality of youth labor is still limited and did not meet employment trends in the digital economy. This article studies the current situation of youth to propose directions for improving the quality of youth labor while promoting the digital economy in Vietnam.

Keywords: digital economy, youth, jobs

GIỚI THIỆU

Việt Nam có nền tảng dân số bền vững, lực lượng lao động thanh niên dồi dào, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, cùng với xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế sâu sắc đang tạo ra và làm biến đổi nhiều ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi chất lượng nguồn cung lao động thanh niên ngày càng cao. Trong khi đó, lao động thanh niên ở Việt Nam vẫn còn hạn chế nhiều mặt về kỹ năng, trình độ và tác phong làm việc. Thực tế đó đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có những những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng lao động thanh niên đáp ứng xu hướng việc làm trong nền kinh tế số cả trước mắt và lâu dài.

THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG THANH NIÊN Ở VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Một là, vai trò của thanh niên được thừa nhận rộng rãi và quan tâm phát huy cao độ.

Ở Việt Nam, thanh niên được xem là “rường cột của nước nhà”, là lực lượng xã hội to lớn xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết định đến tương lai, vận mệnh, sự phát triển bền vững của đất nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp đã tập trung nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng thanh niên mà trọng tâm là giáo dục, đào tạo, giải quyết vấn đề việc làm. Thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp Nhà nước, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên năm 2020. Đồng thời, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên được triển khai như: Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên qua hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm công...

Hai là, số lượng thanh niên ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu nguồn nhân lực và dân số so với các quốc gia

Tính đến năm 2022, nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên (chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động). Nếu so sánh với các quốc gia trên thế giới, thì Việt Nam có tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số và lực lượng lao động tương đối cao, đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với xu hướng già hóa dân số nghiêm trọng, tỷ lệ sinh xuống thấp dẫn đến tỷ lệ thanh niên ngày càng giảm trong cơ cấu nguồn nhân lực. Theo Liên hợp quốc, Việt Nam đang có tình trạng nhân khẩu học thuận lợi hơn so một số nước trong khu vực. Nước ta sẽ đạt đỉnh dân số trong độ tuổi lao động vào năm 2040, trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đạt mức đỉnh vào năm 2015, Thái Lan là năm 2020 (Trần Quang Vinh, 2023).

Ba là, chất lượng thanh niên có sự cải thiện

Sau nhiều năm tập trung phát triển giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực trẻ nói riêng của Việt Nam có sự cải thiện. Tính đến đầu năm 2023, trên 29,3% lao động thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đóng góp tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lao động thanh niên chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%). Theo báo cáo Chỉ số phát triển thanh niên (YDI) năm 2016 của 183 quốc gia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có điểm chỉ số phát triển thanh niên khá cao, từ 0,6 đến 0,672. Năm 2018, Cộng đồng ASEAN đã xây dựng Chỉ số phát triển thanh niên của các nước trong khu vực. Trong đó, Việt Nam đứng thứ tư khu vực về mức độ phát triển thanh niên với giá trị YDI đạt 0,667 (Hà Linh, 2021).

Thách thức, hạn chế

Bên cạnh những kết quả trên, chất lượng thanh niên Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế và thách thức.

Thứ nhất, số lượng thanh niên có xu hướng giảm dần qua từng năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số trong độ tuổi thanh niên có xu hướng giảm liên tục qua từng năm. Tỷ lệ lao động thanh niên trong tổng số lao động cả nước cũng giảm dần. Đây là vấn đề đáng quan tâm trong việc tận dụng “kỷ nguyên dân số vàng” ở Việt Nam khi dân số thanh niên giảm đi, dần đưa đến sự tăng lên của dân số phụ thuộc trong thời gian tới.

Thứ hai, chất lượng thanh niên dù được cải thiện, nhưng còn hạn chế nhiều mặt, chưa đáp ứng kịp xu hướng phát triển kinh tế số

Tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỷ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể (chỉ hơn 3%); một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu, nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, về kỹ năng của lao động, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore (thứ 79). Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu tỷ lệ lao động kỹ năng cao tại Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, khoảng 2 triệu việc làm tại nước ta sẽ bị mất đi tính đến năm 2045 (Nhật Anh, 2022).

Ba là, giải quyết việc làm cho thanh niên còn nhiều thách thức

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2023), tính đến quý III/2023, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 7,86%, cao gấp 3,41 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,30%). Thanh niên đang làm việc hiện nay cũng có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, việc làm không phù hợp với chuyên môn đào tạo còn cao. Một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu, thiếu các kỹ năng làm việc đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Đây là “điểm nghẽn" của lao động trong độ tuổi thanh niên để tham gia vào nền kinh tế số.

Bốn là, định hướng đào tạo nâng cao chất lượng thanh niên còn một số bất cập

Công tác đào tạo, dạy nghề, hướng nghiệp cho thanh niên chưa bám sát thực tiễn và xu hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nên còn tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu về lao động, việc làm. Tâm lý chung của học sinh và phụ huynh đều mong muốn được học đại học, cao đẳng, mà ít khi lựa chọn các trường trung cấp, dạy nghề chuyên nghiệp. Mặt khác, cơ cấu lựa chọn chuyên ngành đào tạo của sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng cũng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội. Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo), số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo chỉ là 56%, số có việc làm liên quan đến ngành đào tạo là 25%; số có việc làm không liên quan đến ngành đào tạo là 19% (Trần Lý, 2022).

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Những năm tới, xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ sẽ chiếm ưu thế, ngược lại, những ngành nghề truyền thống sẽ giảm xuống. Bối cảnh đó đòi hỏi người lao động cần được bổ sung năng lực, kỹ năng phù hợp để thích ứng với sự thay đổi liên tục. Để nâng cao chất lượng lao động, giải quyết tốt việc làm cho thanh niên Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục kiên trì mục tiêu đổi mới giáo dục đào tạo căn bản, toàn diện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thanh niên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số. Bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách về giáo dục, đào tạo cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với việc làm giúp thanh niên có điều kiện được học tập nâng cao kiến thức, tay nghề, kỷ luật lao động, nắm bắt thông tin thị trường, đặc biệt quan tâm đào tạo các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số, như: trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain)... đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, tham gia hoạt động kinh tế số để có cơ hội lựa chọn công việc phù hợp. Khuyến khích việc tổ chức đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động tại các cơ sở sản xuất; chú ý phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đi đôi với đào tạo nghề, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm phù hợp tại chỗ, nhất là việc làm phi nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa, hạn chế gây áp lực lên khu vực thành thị.

Hai là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giải quyết việc làm cho lao thanh niên ở các trình độ, có cơ chế thích hợp để huy động các nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ, phát huy vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, các cơ sở giáo dục - đào tạo, các trung tâm dịch vụ việc làm công, tư nhân tham gia tuyển dụng và sử dụng thanh niên trong các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ... Phát triển đồng bộ thị trường lao động, tăng cường sự công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và ngoài nước.

Ba là, khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động; nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động theo ngành, nghề, xu hướng chuyển dịch kinh tế làm cơ sở, định hướng đào tạo nghề cho nhân lực trẻ; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, cập nhật và phổ biến thông tin thị trường lao động, cung cấp kịp thời những số liệu tin cậy về lao động, việc làm đến các địa phương, cơ sở đào tạo để có căn cứ xây dựng chương trình hướng nghiệp cho thanh niên, giúp họ có điều kiện tiếp cận với thông tin chính xác và những cơ hội tìm kiếm việc làm.

Bốn là, phát huy vai trò của tổ chức đoàn các cấp trong tham gia bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thanh niên. Tổ chức đoàn là nơi tập hợp thanh niên, nắm bắt được tâm lý, xu hướng, nguyện vọng về việc làm, thu nhập của thanh niên, là cầu nối giữa thanh niên với cấp ủy, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, khơi dậy khát vọng, hoài bão, nhiệt huyết, sức trẻ của thanh niên để vượt khó, vươn lên lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, làm giàu chính đáng, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Thường xuyên rèn luyện thanh niên trong tổ chức đoàn về đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, ý thức pháp luật, kỷ luật lao động, năng lực làm chủ, phòng ngừa tệ nạn xã hội. Đa dạng hình thức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; trực tiếp tham gia tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động về dạy nghề, tạo việc làm, dịch vụ việc làm cho thanh niên./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2023), Bản tin Thị trường lao động Việt Nam quý III/2023.

2. Hà Linh (2021), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có điểm chỉ số phát triển thanh niên khá cao, truy cập từ https://tcnn.vn/news/detail/52990/Viet-Nam-thuoc-nhom-quoc-gia-co-diem-chi-so-phat-trien-thanh-nien-kha-cao.html.

3. Ninh Thị Hoàng Lan, Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh nền kinh tế số tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương, số 8, tháng 4 năm 2022.

4. Nhật Anh (2022), Nâng cao kỹ năng nghề trong kỷ nguyên số, truy cập từ https://nhandan.vn/nang-cao-ky-nang-nghe-trong-ky-nguyen-so-post730900.html

5. Trần Lý (2022). Có 56% sinh viên tốt nghiệp làm việc đúng chuyên ngành đào tạo, truy cập từ https://giaoduc.net.vn/co-56-sinh-vien-tot-nghiep-lam-viec-dung-chuyen-nganh-dao-tao-post230229.gd.

6. Trần Quang Vinh (2023), Gỡ nút thắt về chất lượng nhân lực trẻ: Vàng hóa lao động trẻ, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/go-nut-that-ve-chat-luong-nhan-luc-tre-vang-hoa-lao-dong-tre-post853426.vnp.

7. Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn (2023), Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023.

TS. Phùng Mạnh Cường, Nguyễn Ngọc Điểm

ThS. Lê Duy Dũng, Đỗ Văn Phúc

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)