TS. Phạm Thị Tính

Viện Nghiên cứu Con người

Tóm tắt

Nghiên cứu tiến hành khảo sát thực trạng tiếp cận việc làm của người khuyết tật (NKT) tại TP. Hà Nội thông qua khảo sát 303 NKT trong độ tuổi lao động đang sinh sống tại 21 quận/huyện trên địa bàn Thành phố. Kết quả nghiên cứu cho thấy, TP. Hà Nội đang nỗ lực thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho NKT trên địa bàn thành phố tiếp cận với các cơ hội việc làm, hòa nhập cộng đồng và phát triển toàn diện. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận việc làm của NKT ở Hà Nội, giúp NKT hòa nhập cuộc sống ngày càng tốt hơn, để cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ khóa: người khuyết tật, quyền của người khuyết tật, việc làm

Summary

The study surveyed the current situation of access to employment for people with disabilities in Hanoi through a survey of 303 people with disabilities of working age living in 21 districts in the City. The research results show that Hanoi is trying to effectively implement support policies and create conditions for people with disabilities in the City to access employment opportunities, integrate into the community, and develop comprehensively. Based on the research results, the author proposes several solutions to ensure the right to access employment for people with disabilities in Hanoi, helping people with disabilities integrate into life better and better to step into the era of national development.

Keywords: people with disabilities, rights of people with disabilities, employment

GIỚI THIỆU

Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên vươn mình phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hướng tới xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trong hành trình ấy, mọi người dân đều có quyền được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển và đóng góp cho đất nước. Hà Nội, trái tim của cả nước, với vị thế là Thủ đô, mang trên mình trọng trách to lớn trong việc kiến tạo một xã hội văn minh, hiện đại và nhân văn, trong đó, NKT là một bộ phận không thể tách rời. NKT ở Hà Nội đã được đảm bảo khá tốt các điều kiện để làm việc, như: tiếp cận thông tin việc làm, chế độ an sinh xã hội và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, NKT vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm. Bài viết chia sẻ kết quả nghiên cứu của đề tài “Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của NKT trên địa bàn Hà Nội” trên các chiều cạnh: bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, chính sách an sinh xã hội, cơ hội thăng tiến và phục hồi chức năng của NKT.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Quyền làm việc là một quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948) và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (1966). Bảo đảm quyền này, tức là tạo điều kiện cho mọi người, bao gồm cả NKT có cơ hội được làm việc, là nền tảng cho sự phát triển bền vững và công bằng xã hội, bởi việc làm không chỉ mang lại thu nhập, giúp người lao động cải thiện đời sống mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Luật Việc làm năm 2013 của Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc làm trong phát triển kinh tế - xã hội.

NKT là một bộ phận quan trọng của xã hội, việc tạo điều kiện cho họ tham gia vào lực lượng lao động góp phần phát triển kinh tế bền vững và xây dựng một xã hội bao trùm, nơi mọi người đều có cơ hội đóng góp và hưởng lợi từ sự phát triển. Sự tham gia của NKT không chỉ tăng cường tính đa dạng và sáng tạo trong môi trường làm việc mà còn thể hiện sự công bằng và nhân văn của xã hội.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng số liệu khảo sát tiến hành từ tháng 7-12/2023, với sự tham gia trả lời tự nguyện bằng bảng hỏi của 303 NKT trong độ tuổi lao động, đang sinh sống tại 21 quận/huyện của TP. Hà Nội. Kết quả được phân tích bằng phần mềm SPSS 22. Đặc điểm của mẫu khảo sát được thống kê như trong Bảng.

Bảng: Đặc điểm mẫu khảo sát

Tiêu chí

Số lượng

Tỷ lệ %

Tiêu chí

Số lượng

Tỷ lệ %

Dạng khuyết tật (KT)

KT vận động

70

23,1

Khu vực sinh sống

Huyện ngoại thành

143

47,2

KT nghe nói

54

17,8

Quận nội thành

160

52,8

KT nhìn

50

16,5

Tuổi

15-24

96

31,7

KT thần kinh tâm thần

35

11,6

25-34

106

35,0

KT trí tuệ

35

11,6

35-44

60

19,8

KT khác

59

19,5

45-60

41

13,5

Giới tính

Nam

160

52,8

Tình trạng hôn nhân

Chưa kết hôn

219

72,3

Nữ

143

47,2

Đã kết hôn

74

24,4

Trình độ học vấn

Không biết đọc, biết viết

61

20,1

Ly thân, ly hôn

10

3,3

Tiểu học

32

10,6

Trình độ CMKT

Chưa từng học nghề

159

52,5

Trung học cơ sở

79

26,1

Công nhân kỹ thuật không có bằng cấp CC

29

9,6

Trung học phổ thông

75

24,8

Có chứng chỉ kỹ năng nghề

115

38,0

Trung cấp

11

3,6

Phương thức giáo dục

Không đi học

41

13,5

Cao đẳng

30

9,9

Chuyên biệt

32

10,6

Đại học

15

5,0

Bán hòa nhập

16

5,3

Hòa nhập

214

70,6

Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2023

THỰC TRẠNG TIẾP CẬN VIỆC LÀM CỦA NKT TP. HÀ NỘI

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin việc làm

Quyền tiếp cận thông tin việc làm là yếu tố quan trọng giúp NKT hòa nhập xã hội và phát triển bản thân. Luật pháp Việt Nam luôn đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi công dân trong việc tiếp cận thông tin, không phân biệt đối xử với NKT (Khoản 1, Điều 3 Luật Tiếp cận Thông tin năm 2016; Điều 25 Hiến pháp 2013). Quyền này cũng được khẳng định trong Luật NKT năm 2010 và Công ước Quốc tế về Quyền của NKT (CRPD) (United Nations, 2006).

Tại Hà Nội, NKT có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin việc làm. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội sở hữu cơ sở hạ tầng thông tin phát triển, bao gồm cả nền tảng số và các kênh truyền thống. Tiếp cận thông tin việc làm giúp NKT nắm bắt được các cơ hội việc làm phù hợp với khả năng và nhu cầu của bản thân. Đồng thời, giúp họ chủ động tìm kiếm việc làm, đưa ra quyết định và lựa chọn con đường phát triển sự nghiệp, cũng như tăng cường sự tự tin, khẳng định bản thân và vượt qua sự phụ thuộc. NKT tại Hà Nội tiếp cận thông tin việc làm thông qua rất nhiều kênh khác nhau (Hình 1).

Hình 1: Các nguồn thông tin để NKT ở Hà Nội tìm kiếm việc làm (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2023

Kênh thông tin được NKT sử dụng nhiều nhất là qua bạn bè, người thân (54%); tiếp đó là qua mạng xã hội (46%); qua trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm của các hội, nhóm NKT (38,8%); qua cơ sở dịch vụ việc làm (15,6%). Tìm kiếm việc làm qua các đoàn thể xã hội, đăng thông tin tìm việc trên các báo in/đăng tờ rơi dán ở bảng tin công cộng cho tỷ lệ khá thấp, với tương ứng 3,5% và 2,4% (Hình 2). Kết quả trên cho thấy, dù công nghệ thông tin phát triển mạnh, nhưng phương pháp tìm việc được NKT sử dụng nhiều nhất tại Hà Nội vẫn là phương pháp truyền thống, mà cụ thể, kênh tiếp xúc thông qua người thân, bạn bè vẫn là kênh phổ biến nhất. Điều này cho thấy tầm quan trọng của mạng lưới quan hệ xã hội trong quá trình tìm việc. Tuy nhiên, NKT cũng tận dụng các công cụ tìm việc hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội để tiếp cận thông tin tuyển dụng rộng rãi; và đăng ký tìm việc qua các Trung tâm giới thiệu việc làm của Hội, nhóm… mà họ là thành viên.

Hình 2: Trải nghiệm của NKT Hà Nội khi tham gia ứng tuyển (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2023

Khi đi phỏng vấn tuyển dụng, NKT đã có những trải nghiệm khá tích cực. Cụ thể, 37,3% NKT cho biết, “Họ [nhà tuyển dụng] hỏi tôi về tình trạng khuyết tật và hỏi tôi có thể làm việc gì (tôi cảm thấy sự chia sẻ)”. Điều này có nghĩa là, đa số người lao động khuyết tật tham gia ứng tuyển cảm thấy mình không bị phân biệt đối xử, được chia sẻ, được đối xử bình đẳng. 36,6% NKT cho biết “được trao đổi nhiều vấn đề bằng lời nói/ngôn ngữ ký hiệu…”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhìn chung NKT có trải nghiệm khá tích cực khi đi nộp hồ sơ và phỏng vấn tuyển dụng. Tuy vậy, vẫn có một tỷ lệ nhỏ NKT cho biết rằng, nhà tuyển dụng nhận họ một cách miễn cưỡng hay chỉ hỏi han một cách qua loa.

Bảo đảm quyền ký kết hợp đồng lao động, có việc làm thường xuyên

Quyền ký kết hợp đồng lao động được ghi nhận tại Điều 18, Bộ luật Lao động năm 2019, và hình thức ký kết được quy định tại Điều 14, Bộ luật Lao động 2019. Hợp đồng lao động rõ ràng, minh bạch giúp NKT hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, đảm bảo được trả lương công bằng, hưởng các chế độ bảo hiểm và phúc lợi xã hội theo quy định. Điều này không chỉ giúp NKT ổn định cuộc sống, mà còn tạo động lực để họ gắn bó và cống hiến lâu dài cho công việc.

Bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội là quyền lợi của người lao động. Đặc biệt đối với NKT, khi họ được khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, đảm bảo sức khỏe và khả năng làm việc của NKT. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ còn giúp NKT biết về tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có thể chủ động điều chỉnh chế độ làm việc và sinh hoạt phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc. Do đó, các chế độ hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm, khám sức khỏe định kỳ là những yếu tố quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tham gia và phát triển trong môi trường làm việc (Hình 3).

Hình 3: Bảo đảm quyền tại nơi làm việc (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2023

Có đến 81,5% NKT cho biết được ký hợp đồng lao động. Số người lao động khuyết tật trong mẫu khảo sát có đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội xấp xỉ ngang nhau, đều trên 80%. Đây là một tín hiệu tích cực đối với cả người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng tìm hiểu xem liệu rằng, NKT có việc làm thường xuyên không bởi quyền có việc làm thường xuyên được ghi nhận trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nhằm tạo sinh kế ổn định cho nhóm lao động yếu thế trong các chương trình giảm nghèo bền vững. Trong kế hoạch Hành động quốc gia để thực hiện. Chương trình SDG 2030, các Mục tiêu 1.1, 4.1, 4.3, 4.5, 4.8, 6.2, 8.5, 10.2, 11.2 và 11.7 là những nội dung liên quan đến quyền của NKT. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, 70,3% NKT cho biết họ có việc làm thường xuyên và 26,7% là lúc có việc làm lúc không.

Bảo đảm quyền có điều kiện, môi trường làm việc an toàn, vệ sinh lao động

Quyền có điều kiện và môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, trang thiết bị phù hợp, tiền công, chế độ phúc lợi, cơ hội thăng tiến, tham gia các tổ chức Công đoàn, Hội/nhóm NKT… được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 35, Hiến pháp 2013; Khoản 3 Điều 33, Luật NKT 2010; Khoản 1 Điều 134, Điều 159, Khoản 3 Điều 90 Bộ Luật Lao động 2019; Khoản 1 Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Điều 27 CRPD 2010.

Có 73,3% NKT tham gia khảo sát cho biết, nơi làm việc của họ có lối đi cho người đi xe lăn; 54,2% NKT cho biết, có xe thuận tiện từ nơi ở đến nơi làm việc; 80,9% có trang thiết bị làm việc phù hợp/có dụng cụ trợ giúp. Tuy nhiên, vẫn còn 15,9% trả lời rằng, nơi họ làm việc chưa có lối đi cho xe lăn; 28,7% cho biết, chưa có xe thuận tiện từ nơi ở đến nơi làm việc (Hình 4). Điều này cho thấy, có nơi NKT di chuyển chưa thuận tiện từ nơi ở đến nơi làm việc.

Hình 4: Bảo đảm quyền hỗ trợ/cải thiện trang thiết bị làm việc (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Số liệu khảo sát của đề tài, 2023

Sự phân biệt đối xử ở bất kỳ đâu/điều kiện, hoàn cảnh, môi trường nào và với bất kỳ đối tượng nào đều là một rào cản vô hình, ngăn trở việc tiếp cận cơ hội việc làm bình đẳng. Điều này không chỉ khiến người lao động phải đối mặt với khó khăn về kinh tế, mà còn gây tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần, làm giảm lòng tự trọng, sự tự tin và niềm tin vào khả năng của bản thân. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với NKT còn có thể đẩy họ vào tình trạng tự cô lập, tự gạt mình ra bên lề, thậm chí gây ra những tổn thương về tâm lý nghiêm trọng. Về phía xã hội, phân biệt đối xử với người lao động khuyết tật trong lao động đồng nghĩa với việc bỏ lỡ nguồn nhân lực quý giá, những cá nhân có khả năng đóng góp tích cực cho sự phát triển. Hơn thế, còn có thể làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, tạo ra những khoảng cách và rào cản ngăn NKT hòa nhập đầy đủ vào cộng đồng.

Hình 5: Bảo đảm môi trường làm việc của NKT (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài, 2023

Kết quả khảo sát về môi trường làm việc của NKT cho thấy, đa số NKT (84,5%) đồng ý rằng, phòng/xưởng làm việc của họ sạch sẽ và thoáng đãng. Điều này cho thấy các cơ sở làm việc đã quan tâm đến việc tạo ra môi trường làm việc thoải mái cho NKT. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ (8,6%) không đồng ý với nhận định, cho thấy vẫn còn một số nơi làm việc cần cải thiện về vấn đề này. Phần lớn NKT (85,8%) cảm thấy đồng nghiệp của họ vui vẻ, cởi mở và sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Đây là một yếu tố quan trọng tạo nên môi trường làm việc tích cực và thân thiện, giúp NKT hòa nhập tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhỏ (8,6%) không đồng ý, cho thấy vẫn còn một số trường hợp NKT gặp khó khăn trong việc hòa nhập với đồng nghiệp. Có 80,2% NKT đồng ý rằng, chủ cơ sở đã tạo điều kiện cho họ có nơi nghỉ trưa và nghỉ giữa giờ. Điều này cho thấy sự quan tâm của chủ cơ sở đến sức khỏe và nhu cầu nghỉ ngơi của NKT. Tuy nhiên, vẫn còn 11,2% không đồng ý với nhận định này, cho thấy vẫn còn một số nơi làm việc chưa đảm bảo điều kiện nghỉ ngơi cho NKT (Hình 5).

Có thể thấy, môi trường làm việc của NKT đã có những cải thiện đáng kể, thể hiện qua sự hài lòng của người lao động khi được hỏi về độ sạch sẽ, thoáng đãng của nơi làm việc, sự thân thiện của đồng nghiệp và điều kiện nghỉ ngơi. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm hơn nữa để đảm bảo môi trường làm việc tốt hơn cho NKT, đặc biệt là việc tạo điều kiện nghỉ ngơi và hỗ trợ NKT hòa nhập với đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, người lao động khuyết tật trong mẫu khảo sát cũng trả lời các thắc mắc của nhóm nghiên cứu về những quy định trong luật lao động liên quan đến làm việc tăng ca hoặc làm việc ca đêm; các quy định về làm thêm giờ; làm việc theo sự phân công không căn cứ vào khả năng, chuyên môn.

Hình 6: Bảo đảm quyền liên quan đến môi trường làm việc (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài, 2023

Kết quả cho thấy, có đến 81,6% NKT cho biết họ được làm việc phù hợp với khả năng/chuyên môn; 80,9% trả lời được làm việc/nghỉ ngơi linh hoạt theo giờ, phù hợp với sức khỏe; và 73% số người được hỏi trả lời họ không bị bắt buộc phải làm tăng ca hay làm ca đêm, điều này chỉ thực hiện nếu họ tự nguyện đăng ký (Hình 6).

Có thể thấy, khi NKT được tham gia vào lực lượng lao động, được bảo đảm về điều kiện làm việc phù hợp, được làm việc trong môi trường cởi mở, thân thiện, an toàn vệ sinh lao động…, sẽ giúp họ thoải mái về tinh thần và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định giá trị bản thân và xóa bỏ định kiến xã hội về khả năng của mình. Điều này cũng giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phong phú, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển và cống hiến.

Bảo đảm người lao động có cơ hội phát triển và thăng tiến trong công việc

Theo quy định của pháp luật, mọi người lao động đều bình đẳng về cơ hội thăng tiến, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao tay nghề, làm việc có chế độ lương, thưởng rõ ràng.

Hình 7: Bảo đảm quyền thăng tiến của NKT tại nơi làm việc (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài, 2023

Kết quả khảo sát cho thấy, các cơ hội mà người lao động khuyết tật có thể tiếp cận, trong đó có: chế độ lương/thưởng rõ ràng: 79,5%; 75,3% có cơ hội học tập/bồi dưỡng để nâng cao tay nghề, và 76,6% có cơ hội thăng tiến trong công việc (được đề bạt/lên chức…) (Hình 7). Điều này cho thấy một tín hiệu tích cực về việc người lao động khuyết tật đang được tạo điều kiện để tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tỷ lệ cao NKT tại Hà Nội cho biết có cơ hội thăng tiến trong công việc cho thấy, môi trường làm việc ngày càng trở nên công bằng và hòa nhập hơn. Điều này thể hiện sự tiến bộ trong nhận thức của xã hội về NKT và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Việc tạo điều kiện cho NKT tiếp cận các cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp góp phần tăng cường sự tham gia của họ vào lực lượng lao động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của xã hội.

Hình 8: Bảo đảm các chính sách an sinh xã hội (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Kết quả khảo sát của đề tài, 2023

Việc tham gia các hội, nhóm, công đoàn giúp NKT có tiếng nói tập thể mạnh mẽ hơn trong việc đàm phán các điều khoản lao động, đảm bảo các quyền lợi về lương, thưởng, bảo hiểm và an toàn lao động. Hơn nữa, công đoàn còn là nơi hỗ trợ NKT về mặt pháp lý và tinh thần, giúp họ giải quyết các khó khăn và vướng mắc trong quá trình làm việc. Chính vì vậy, việc tham gia các hội, nhóm và tổ chức công đoàn không chỉ giúp NKT bảo vệ quyền lợi, mà còn tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng, thân thiện và hỗ trợ, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của họ.

Kết quả khảo sát về các chế độ an sinh xã hội dành cho người lao động khuyết tật cho thấy, đa số NKT cho biết họ đã được đảm bảo an sinh xã hội. Được hưởng chế độ thai sản theo quy định (77,6%), tham gia tổ chức Hội/nhóm của NKT (77,5%), khám/kiểm tra sức khỏe định kỳ (75,6%) và Tham gia tổ chức công đoàn (68%) (Hình 8). Điều này cho thấy, các cơ sở làm việc đã tuân thủ pháp luật và đảm bảo quyền lợi của NKT nữ, tạo điều kiện cho NKT tham gia các hoạt động xã hội và kết nối với cộng đồng, quan tâm đến sức khỏe của người lao động và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tật.

Có thể thấy, các chế độ an sinh xã hội cho NKT tại nơi làm việc đã được quan tâm và thực hiện ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần được cải thiện, như tham gia công đoàn và đảm bảo chế độ thai sản cho NKT nữ. Cần có sự chung tay của cả xã hội, từ phía nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho NKT hòa nhập.

Bảo đảm quyền phục hồi chức năng nghề nghiệp, duy trì việc làm và trở lại làm việc

Quyền phục hồi chức năng được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 33, Điều 25 Luật NKT 2010; Điều 4 Công ước 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của NKT năm 1983. Phục hồi chức năng không chỉ là quyền mà còn là một nhu cầu thiết yếu của NKT, giúp NKT cải thiện chức năng cơ thể, tăng cường khả năng vận động và tự lập; giảm các hạn chế do khuyết tật gây ra; nâng cao chất lượng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và tham gia vào các hoạt động xã hội.

Để tìm hiểu việc bảo đảm quyền phục hồi chức năng nghiên cứu đưa ra câu hỏi “Một năm qua anh/chị có sử dụng dịch vụ phục hồi chức năng không?” Kết quả thu được, chỉ có 85 người trong số 303 người được hỏi (28,1%) trả lời có sử dụng dịch vụ phục hồi chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp (Hình 9).

Hình 9: Tỷ lệ NKT tham gia phục hồi chức năng trong quá trình làm việc 1 năm vừa qua (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Khảo sát của đề tài, 2023

Trong số những người phải tham gia phục hồi chức năng, có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm NKT với các dạng tật khác nhau. Trong đó, NKT nhìn có tỷ lệ tham gia cao nhất (88%), tiếp theo là NKT nghe nói (25,9%) và NKT thần kinh, tâm thần (28,6%). Trong khi đó, NKT vận động (15,7%) và NKT khác (10,2%) có tỷ lệ tham gia thấp hơn. Đáng chú ý, không có NKT trí tuệ nào tham gia phục hồi chức năng (PHCN). Sự chênh lệch này có thể do nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nhận thức về tầm quan trọng của phục hồi chức năng, khả năng tiếp cận dịch vụ, khả năng tài chính cũng như sự khác biệt về nhu cầu và đặc điểm của từng dạng tật.

NKT thực hiện PHCN ở đa dạng các cơ sở. Phổ biến nhất là Trung tâm phục hồi chức năng bệnh viện quận/huyện chiếm tỷ lệ cao nhất (56,5%). Đây là nơi PHCN cơ bản, dễ tiếp cận với người dân nói chung và NKT nói riêng. Tiếp đến là Trung tâm PHCN bệnh viện Trung ương (40%) là nơi tập trung các chuyên gia và trang thiết bị hiện đại hơn, thường điều trị các trường hợp nặng hoặc cần chuyên môn cao. Ít phổ biến hơn là Trạm y tế xã/phường (22,4%) có thể do hạn chế về cơ sở vật chất và nhân lực chuyên môn PHCN. Có nhân viên y tế đến nhà hướng dẫn (20%) là hình thức PHCN tại nhà, phù hợp với những NKT khó khăn trong việc di chuyển. Cơ sở PHCN y tế tư nhân (9,4%) và cơ sở PHCN bệnh viện quốc tế (4,7%) có thể do chi phí cao hơn so với các cơ sở công lập (Hình 10).

Hình 10: Nơi phục hồi chức năng của NKT (%)

Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật ở Hà Nội cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nguồn: Kết quả nghiên cứu của đề tài, 2023

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết quả khảo sát NKT trong độ tuổi lao động đang sinh sống và làm việc tại TP. Hà Nội cho thấy những tín hiệu rất đáng mừng. Việc NKT được đảm bảo khá tốt các quyền liên quan đến tiếp cận thông tin việc làm, ký kết hợp đồng lao động, đảm bảo các quyền có điều kiện, môi trường làm việc thân thiện, có cơ hội thăng tiến và tham gia phục hồi chức năng để cải thiện sức khỏe cho thấy, TP. Hà Nội đang nỗ lực thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng và phát triển toàn diện. Những kết quả này thể hiện sự nỗ lực của TP. Hà Nội trong việc thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền của NKT, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và bao trùm. Tuy vậy, TP. Hà Nội vẫn cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đảm bảo mọi NKT đều có cơ hội phát triển bình đẳng và sống một cuộc sống đầy đủ, ý nghĩa.

Trước thực tiễn trên, để bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của NKT ở Hà Nội, giúp NKT hòa nhập cuộc sống tốt hơn để cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, lồng ghép với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cần liên kết chặt chẽ các chính sách hỗ trợ NKT vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. Việc này không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng của NKT, mà còn khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự phát triển xã hội bền vững. Cần đảm bảo tính đồng bộ với các chính sách khác, thống nhất trong triển khai và bền vững trong hiệu quả. Đồng thời, cần đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề cho NKT, hỗ trợ họ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, qua đó tạo điều kiện cho NKT tham gia vào thị trường lao động và đóng góp vào sự phát triển chung.

Thứ hai, tăng cường dụng công nghệ, chuyển đổi số: Tận dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ hỗ trợ NKT, bao gồm: xây dựng cổng thông tin điện tử về việc làm, ứng dụng công nghệ hỗ trợ trong đào tạo nghề. Khuyến khích và hỗ trợ NKT tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin trong học tập, làm việc và hòa nhập cộng đồng. Tạo điều kiện cho họ tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số; hỗ trợ NKT kinh doanh trực tuyến, làm việc từ xa, tiếp cận các khóa học trực tuyến... Phát triển các mô hình dịch vụ hỗ trợ NKT dựa trên nền tảng công nghệ số, như: ứng dụng di động cung cấp thông tin, dịch vụ hỗ trợ, nền tảng kết nối NKT với các nhà tuyển dụng, các chương trình đào tạo trực tuyến...

Thứ ba, đào tạo nghề và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho NKT. Tổ chức các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, dài hạn, phù hợp với nhu cầu, khả năng của từng nhóm đối tượng NKT. Trang bị cho NKT kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí cho NKT. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho NKT, kết nối NKT với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Xây dựng cơ sở dữ liệu việc làm dành cho NKT, cung cấp thông tin về các vị trí tuyển dụng phù hợp. Hỗ trợ NKT khởi nghiệp, tự tạo việc làm.

Thứ tư, cải thiện môi trường làm việc và quan tâm hơn đến một số nhóm NKT đặc thù. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị bố trí việc làm phù hợp với khả năng, điều kiện sức khỏe của NKT. Hỗ trợ doanh nghiệp cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, lắp đặt ramp, thang máy, nhà vệ sinh dành cho NKT. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ hỗ trợ, tạo điều kiện cho NKT làm việc từ xa. Xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NKT. NKT nặng, đặc biệt nặng thường gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển, giao tiếp và tự chăm sóc bản thân. Phụ nữ khuyết tật còn phải đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình, chăm sóc con cái. Do đó, cần quan tâm đến các nhu cầu đặc thù của nhóm này để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn, hòa nhập cuộc sống.

Thứ năm, vẫn rất cần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với NKT, đây là một quá trình lâu dài, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, thái độ của cộng đồng đối với NKT, góp phần xây dựng một xã hội hòa nhập, nhân văn và phát triển bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Thị Tính (2023), Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội, Đề tài cấp Bộ, Viện Nghiên cứu Con người.

2. Quốc hội (2010), Luật số 51/2010/QH12, ngày 17/6/2010 về Người khuyết tật.

3. Quốc Hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

4. Quốc hội (2016), Luật số 104/2016/QH13, ngày 06/4/2016 về Tiếp cận thông tin.

5. Quốc hội (2019), Bộ luật số 45/2019/QH14, ngày 22/11/2019 về Lao động.

6. Tổng cục Thống kê (2024), Thông cáo báo chí về kết quả điều tra Người khuyết tật năm 2023, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2024/11/thong-cao-bao-chi-ve-ket-qua-dieu-tra-nguoi-khuyet-tat-nam-2023/.

7. United Nations (2006), Convention on the Rights of Persons with Disabilities and Optional Protocol (CRPD), retrieved from https://www.un.org/disabilities/documents/convention/convoptprot-e.pdf.

8. United Nations (2015). Transforming our world: the 2030 Agenda for Sustainable Development, retrieved from https://sdgs.un.org/2030agenda.


[1] Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp bộ “Bảo đảm quyền tiếp cận việc làm của người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội” do TS. Phạm Thị Tính làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người chủ trì, thực hiện 2023-2024.

Ngày nhận bài: 21/11/2024; Ngày phản biện: 25/11/2024; Ngày duyệt đăng: 29/11/2024