Những năm tháng “đoạn trường”

Giữa năm 2004, Hy Lạp chi tới 9 tỷ Euro để tổ chức Olympic, biến Thế vận hồi mùa hè 2004 trở thành kỳ Olympic "đắt đỏ nhất" tại thời điểm đó.

Olympic Athen được coi là nguyên nhân trực tiếp đẩy Hy Lạp vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài cho đến tận bây giờ. Lạm chi cho Olympic đã làm tăng nợ công và thâm hụt ngân sách của nước này.

Tháng 12/2009, hãng đánh giá tín dụng Fitch đã phải hạ xếp hạng của Hy Lạp từ A- xuống BBB+. Đây cũng là lần đầu tiên trong một thập niên nước này rơi khỏi hạng A.

Động thái này diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp thời đó – ông George Papaconstantinou cảnh báo thâm hụt nước này có thể lên tới 12,5% GDP năm 2009, cao hơn rất nhiều so với dự đoán.

Các tuần sau đó, lần lượt các hãng xếp hạng khác đã hạ bậc tín nhiệm Hy Lạp, do lo ngại nước này đang mất đà phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chính.

Đầu tháng 3/2012, các chủ nợ tư nhân đồng ý hoán đổi 85% nợ cho Hy Lạp, giúp cắt giảm khoảng 100 tỷ Euro khỏi nghĩa vụ nợ của quốc gia này. Ngay lập tức, ngày 9/3, Fitch và Moody’s đồng loạt hạ xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống vỡ nợ. Trước đó, vào ngày 28/2, Athens cũng bị Standard & Poor’s xem là đã vỡ nợ một phần.

Ngày 1/7/2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát đi thông báo xác nhận Hy Lạp không trả nợ đúng hạn.

Điều này cũng có nghĩa Athens chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ sau nhiều năm chính phủ Hy Lạp đầu tư tràn lan cho các dự án đồ sộ và không hiệu quả, vay nợ, trốn thuế, gian lận về đất đai, tham nhũng, chi tiêu phúc lợi quá tay…

Có thể nói, Hy Lạp đã tồn tại chủ yếu dựa trên các khoản vay từ khu vực đồng Euro từ năm 2010, khi đất nước này mất đi quyền tiếp cận thị trường với các quỹ .

Ngọn núi nợ trị giá 320 tỷ Euro đã kéo nền kinh tế Hy Lạp lún sâu vào các cuộc khủng hoảng chính trị, đình công, biểu tình…

Cuộc khủng hoảng đã lật đổ 4 đời chính phủ, buộc Thủ tướng hiện tại, Alexis Tsipras, phải vượt qua những thay đổi khó khăn để cân bằng ngân sách.

Tiền lương đã giảm gần 20% kể từ năm 2010, với lương hưu và các khoản trợ cấp phúc lợi khác giảm 70% trong cùng thời kỳ. Quy mô của khu vực công đã giảm 26%.

Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức rất cao vào khoảng 20%, với tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ ở mức báo động 43%, làm cho hàng ngàn thanh niên Hy Lạp buộc phải rời nước ra nước ngoài.

Nỗ lực giải cứu Hy Lạp

Không thể đứng nhìn Hy Lạp ngập trong nợ công, EU đã phải ra tay giúp đỡ nước này bằng những gói cứu trợ trực tiếp.

Ngày 11/04/2010, các bộ trưởng tài chính EU đã thông qua cơ chế để các nước thành viên cho Hy Lạp vay khẩn cấp 30 tỷ Euro với lãi suất 5,0% trong thời hạn 3 năm, thấp hơn lãi suất hiện hành 7% trên thị trường.

Tháng 5/2010, bộ ba Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp gói cứu trợ đầu tiên cho Hy Lạp trị giá 110 tỷ Euro, do lo ngại nền kinh tế mong manh của nước này có thể đẩy cả khu vực vào vùng nguy hiểm.

Tháng 10/2011, sau các cuộc đàm phán xuyên đêm, lãnh đạo các nước châu Âu đã đồng ý giảm nợ cho Hy Lạp do nước này vẫn tiếp tục gặp rắc rối tài chính. Các nhà đầu tư cá nhân sẽ chỉ được nhận 50% giá trị số trái phiếu Hy Lạp họ đang giữ.

Tháng 4/2014, nhà đầu tư chào mừng Hy Lạp quay lại thị trường trái phiếu sau 4 năm vắng bóng. Nhu cầu trái phiếu kỳ hạn 5 năm của nước này đã khiến nhiều người gọi đây là "điểm bắt đầu của sự kết thúc" cho hoạt động cứu trợ Hy Lạp, dù nhận định đó có vẻ còn quá sớm.

Tháng 2/2015, nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone (Eurogroup) đã chấp thuận gia hạn nợ thêm 4 tháng cho Hy Lạp, sau khi Chính phủ mới của nước này nộp đề xuất cải tổ ngay trước hạn chót.

Các biện pháp này gồm kiểm soát chi tiêu công, giảm tham nhũng và trốn thuế. Hy Lạp sau đó được yêu cầu thanh toán cho các chủ nợ khác nhau trong giai đoạn tháng 4 - tháng 6/2015. Tuy nhiên, không một hạn chót nào được đáp ứng.

Vào tháng 2/2015, gói cứu trợ tiếp theo trị giá 7,2 tỷ Euro nằm trong chương trình vay 240 tỷ Euro mà các chủ nợ dành cho Hy Lạp hết hiệu lực.

Sau đó, ngày 2/5/2017, Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy gói cứu trợ tài chính thứ 3 trị giá 86 tỷ Euro cho quốc gia này.

Sau quá trình 8 năm vật lộn với khủng hoảng nợ công, sáng 22/6/2018, các bộ trưởng tài chính EU đã nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ Euro dành cho nước này vào ngày 20/8/2018.

Hy Lạp một lần nữa trở thành một quốc gia bình thường

Chính phủ Hy Lạp cho biết đất nước đang “chuyển mình” sau khi các quốc gia thành viên khu vực đồng Euro đạt được thỏa thuận làm cho món nợ khổng lồ của Hy Lạp dễ quản lý hơn, kết thúc chương trình cứu trợ 8 năm.

“Tôi phải nói rằng chính phủ Hy Lạp rất hài lòng với thỏa thuận này”, Bộ trưởng Tài chính, Euclid Tsakalotos, cho biết hôm thứ Sáu (22/6). “Nhưng đồng thời, Chính phủ này sẽ không quên những gì người Hy Lạp đã phải trải qua trong tám năm qua.”

Phát ngôn viên Chính phủ, Dimitris Tzanakopoulos, ca ngợi “một quyết định lịch sử” có nghĩa là “người Hy Lạp có thể mỉm cười lần nữa”. Thị trường tài chính tăng điểm, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của quốc gia giảm 0,2 điểm và chỉ số chứng khoán chính tăng 1,6%.

Kế hoạch này cho phép Hy Lạp mở rộng và trì hoãn việc trả nợ một phần khoản nợ của mình thêm 10 năm nữa và cung cấp cho Athens khoản tín dụng mới trị giá 15 tỷ Euro. Tsakalotos cho biết nó đã đánh dấu “kết thúc của cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Tôi nghĩ Hy Lạp đang bước sang một trang mới”.

Ông nói thêm rằng, Chính phủ “phải đảm bảo rằng người dân Hy Lạp nhanh chóng nhìn thấy kết quả cụ thể. Họ cần phải cảm thấy sự thay đổi trong chính túi tiền của mình”.

Thủ tướng Alexis Tsipras, đã nói trong một cuộc họp của các nghị sĩ: “Hy Lạp một lần nữa trở thành một quốc gia bình thường, lấy lại độc lập chính trị và tài chính của mình”.

Các bộ trưởng tài chính của 19 quốc gia thuộc khu vực đồng Euro cần hoàn tất thỏa thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế cho phép nó xuất hiện một cách an toàn từ đợt cứu trợ thứ ba và cũng là cuối cùng vào ngày 20/8.

Hy Lạp đã nhận được 275 tỷ Euro hỗ trợ tài chính từ các chủ nợ quốc tế trong 8 năm qua và một khoản gấp đôi trong thời gian gần bị bay ra khỏi khu vực đồng Euro, Ủy viên EU, Pierre Moscovici, nói thêm: “Đã có rất nhiều hy sinh. Nhưng cuối cùng Hy Lạp đã có khả năng di chuyển trên chính đôi chân của mình”./.

Nguồn tham khảo:

https://www.theguardian.com/world/2018/jun/22/eurozone-greece-financial-crisis-deal

https://kinhdoanh.vnexpress.net/photo/quoc-te/chang-duong-dua-hy-lap-den-canh-vo-no-3241925.html