ThS. Ngô Thị Lan Anh

TS. Trần Minh Nguyệt

Viện nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tóm tắt

Trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva (từ năm 2022 đến nay), việc xây dựng và thực thi chính sách đối ngoại của Brazil phải chịu vô số ảnh hưởng trên nhiều cấp độ, đặc biệt là dưới ảnh hưởng lớn từ 2 nhân tố quan trọng: Mỹ và Trung Quốc. Bài viết sẽ phân tích ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Brazil, từ đó xem xét các lựa chọn chính sách đối ngoại của Tổng thống Lula da Shiva đối với 2 cường quốc này.

Từ khóa: chính sách đối ngoại, Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva

Summary

During the third term of President Luiz Inácio Lula da Silva (from 2022 to present), the formulation and implementation of Brazil’s foreign policy has been subject to numerous influences on many levels, especially under the enormous impact of two crucial factors: The United States and China. This article analyzes the influence of the United States and China in Brazil’s foreign policy formation, thereby examining President Lula da Silva’s foreign policy choices towards these two powers.

Keywords: foreign policy, Brazil, United States, China, President Luiz Inácio Lula da Silva

GIỚI THIỆU

Chiến thắng của ông Luiz Inácio Lula da Silva (Lula) trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil năm 2022 không chỉ là một sự kiện quan trọng đối với Brazil, mà còn tác động đến cả thế giới. Ông Lula, người từng là tổng thống của Brazil từ năm 2003 đến 2010, đã mang lại những thay đổi đáng kể trong chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước này trong thời gian Ông cầm quyền. Với việc tái đắc cử, ông Lula lại một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý nhờ lập trường chính sách đối ngoại khác biệt, không giống như cách tiếp cận đối đầu của một số nhà lãnh đạo trên thế giới. Mặc dù mức độ nổi tiếng trong nước của Ông đã suy yếu do những thách thức về kinh tế và các cáo buộc tham nhũng, tuy nhiên tầm ảnh hưởng của ông với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn rất lớn. Các quyết định của Ông trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao có thể tác động sâu rộng đến cả Brazil và thế giới.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, các quyết định chính sách đối ngoại của Brazil trong nhiệm kỳ ba của Tổng thống Lula đặc biệt quan trọng. Brazil, với lợi thế kinh tế và vi trí địa chiến lược ở Nam Mỹ, trở thành một trong những điểm nóng tranh chấp và canh tranh giữa hai cường quốc lớn này. Trong khi Mỹ tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Mỹ và thúc đẩy các liên minh vùng, Trung Quốc cũng đã tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của mình trong khu vực này, đặc biệt là qua các hoạt động thương mại và đầu tư.

Trong bối cảnh này, Brazil đứng trước lựa chọn duy trì mối quan hệ truyền thống với Mỹ hay tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Là một trong những nhà lãnh đạo nổi bật của Brazil, quyết định của Tổng thống Lula không chỉ ảnh hưởng đến quốc gia này, mà còn có thể gây ra những tác động to lớn đến cả khu vực Nam Mỹ và thậm chí là toàn bộ cộng đồng quốc tế. Quyết định của Tổng thống Lula phản ánh triết lý và chiến lược của Brazil trong việc xây dựng mối quan hệ quốc tế. Sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một quyết định về chính sách đối ngoại, mà còn là một tín hiệu về hướng đi của Brazil trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Do đó, việc nghiên cứu và hiểu rõ về chính sách đối ngoại của Brazil đối với Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ ba của Tổng thống Lula không chỉ là cần thiết, mà còn hết sức quan trọng để hiểu rõ về động lực của các quyết định chính trị trong một thế giới ngày càng đa chiều và đầy biến động.

ẢNH HƯỞNG CỦA MỸ VÀ TRUNG QUỐC TRONG VIỆC HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA BRAZIL

Mỹ và Trung Quốc đều đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Brazil, mỗi quốc gia đều có những tác động và thách thức riêng mà Brazil cần quan tâm và đối phó theo các cách khác nhau. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng leo thang, Tổng thống Lula có thể phải đối mặt với áp lực lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề đối ngoại quan trọng. Trong khi Brazil và Mỹ đã xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài và truyền thống, mối quan hệ giữa Brazil và Trung Quốc cũng ngày càng quan trọng và đa chiều trong những năm gần đây. Điều này đặt ra một loạt các thách thức và cơ hội, đồng thời đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của Tổng thống Lula.

Về ảnh hưởng của Mỹ

Mỹ, với vị thế là cường quốc số một thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của Brazil bởi các lý do sau:

Thứ nhất, Brazil và Mỹ có mối quan hệ lịch sử lâu đời. Sau khi Brazil giành được độc lập vào năm 1822, Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Brazil. Từ đó, hai quốc gia đã xây dựng một mối quan hệ lâu dài dựa trên sự hợp tác và gắn kết (US deparment of sate, 2023).

Thứ hai, Brazil có truyền thống là nước nhận đầu tư nước ngoài lớn và Mỹ là nhà đầu tư FDI có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế của nước này. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ tại Brazil, chiếm 29,1% (khoảng 191,6 tỷ USD) tổng nguồn vốn FDI vào quốc gia này năm 2021. (US deparment of sate, 2023). Bên cạnh đó, Brazil và Mỹ cũng chia sẻ mối quan hệ thương mại bền chặt. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Brazil, sau Trung Quốc. Do đó, chính sách đối ngoại của Brazil thường quan tâm đến việc duy trì và phát triển quan hệ thương mại và đầu tư với Mỹ.

Thứ ba, Mỹ là một trong những đối tác chính trị và quân sự quan trọng của Brazil. Hai quốc gia thường hợp tác trong các lĩnh vực, như: an ninh, phòng thủ, và chống buôn lậu ma túy (Ryan C. Berg và cộng sự, 2022). Do đó, Brazil cũng quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ trong các vấn đề này.

Thứ tư, Mỹ đóng vai trò dẫn đầu trong các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ) và NATO. Các quyết định về chính sách đối ngoại của Mỹ ảnh hưởng đến việc quản lý và hợp tác toàn cầu. Brazil, với tư cách là một cường quốc mới nổi, đang tìm cách khẳng định tiếng nói và quyền biểu quyết của mình trong các vấn đề toàn cầu. Do đó, Mỹ có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Brazil thông qua vai trò của Mỹ trong các cơ quan này (Bruce Jones, Sophia Hart và Diana Paz García, 2023).

Về ảnh hưởng của Trung Quốc

Sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Brazil, cả trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh, tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho Brazil.

Thứ nhất, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil vào năm 2010 và quan hệ song phương giữa hai nước đã sớm được nâng lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, một cột mốc trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở Mỹ Latinh. Tổng khối lượng thương mại song phương năm 2022 đạt 152,8 tỷ USD, tăng gấp 37 lần kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Lula bắt đầu vào năm 2003 (Ryan C. Berg and Carlos Baena, 2023). Tuy nhiên, có những lo ngại rằng xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến tính đa dạng hóa kinh tế của Brail, làm bão hòa thị trường của các đối tác thương mại lân cận của Brazil (Celio Hiratuka, 2022). Do đó, sự phụ thuộc của Brazil vào thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại là một yếu tố quan trọng cần được tính đến trong việc định hình chính sách đối ngoại của Brazil.

Thứ hai, Trung Quốc thường tham gia vào các vấn đề quốc tế thông qua các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc, BRICS. Việc hợp tác và tương tác với Trung Quốc thông qua các nền tảng này có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Brazil, đặc biệt là trong các vấn đề đa phương quan trọng như biến đổi khí hậu và an ninh quốc tế. Do đó, Brazil phải xem xét và phát triển mối quan hệ với Trung Quốc một cách chiến lược và cân nhắc.

Thứ ba, Trung Quốc đang tăng cường tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cả ở khu vực Mỹ La tinh. Việc này có thể ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực, bao gồm Brazil, đặt ra các thách thức và cơ hội mới trong quan hệ đối ngoại. (Diana Roy, 2023). Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh cũng quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh. Họ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng các mối quan hệ này để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị và ủng hộ các chế độ độc tài. Do đó, chính sách đối ngoại của Brazil cũng phải cân nhắc đến những động lực này, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và chiến lược.

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA BRAZIL ĐỐI VỚI MỸ VÀ TRUNG QUỐC TRONG NHIỆM KỲ BA CỦA TỔNG THỐNG LULA DA SILVA

Mục tiêu của chính sách

Đối với Mỹ và Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Lula nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai quốc gia này với Brazil. Mỹ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất của Brazil, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Tổng thống Lula đã áp dụng khái niệm “không liên kết tích cực” trong chính sách đối ngoại với các quốc gia. Cách tiếp cận này thừa nhận một thế giới ngày càng đa cực, Brazil phải ưu tiên lợi ích của chính mình trong khi tham gia với nhiều chủ thể quốc tế khác nhau. Trong bối cảnh các cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn, bao gồm cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, Brazil đang tìm cách duy trì sự trung lập. Mục tiêu chính sách đối ngoại của Tổng thống Lula là cân bằng quan hệ hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tạo điều kiện cho Brazil thúc đẩy lợi ích quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Nội dung và cách thức triển khai chính sách

Đối với Mỹ

Tổng thống Lula đặt một trọng tâm đặc biệt vào quan hệ với Mỹ, một đối tác quan trọng và ảnh hưởng đối với Brazil trên nhiều mặt khác nhau. Mặc dù tiếp tục duy trì quan hệ gần gũi với Mỹ, tuy nhiên chính quyền của Tổng thống Lula cũng thể hiện sự độc lập và cân nhắc trong các quyết định đối với Mỹ, không để bị áp đặt hoặc chi phối một cách quá mức. Ông Lula cho rằng, lợi ích của Brazil không phải lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. Các quyết định được đưa ra dựa trên sự đánh giá cẩn thận về các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội. Chính quyền của Ông tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối tác và không dựa vào bất kỳ quốc gia nào. Cách tiếp cận này giúp Brazil không bị tổn thương quá mức trước những cú sốc bên ngoài hoặc những biến động của nền chính trị toàn cầu. Đây là điểm khác biệt so với chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Bolsonaro. Chính quyền tiền nhiệm Bolsonaro có xu hướng liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ và áp dụng quan điểm bảo thủ hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Trong hơn một năm đầu nhiệm kỳ ba, Tổng thống Lula đã thể hiện khả năng ngoại giao cá nhân, cũng như kinh nghiệm và kỹ năng xây dựng mối quan hệ của ông để thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ một cách hiệu quả. Cuộc gặp tại Nhà Trắng với Tổng thống Biden vào ngày 10/02/2023 là minh chứng cho sự khéo léo ngoại giao này. Cuộc gặp thể hiện rằng Brazil và Mỹ vẫn cam kết đối thoại, bất chấp những khác biệt về một số vấn đề nhất định, đồng thời, cũng gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng, cả hai nước đều coi trọng ngoại giao và tìm cách hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu. Trong cuộc gặp này, Tổng thống Lula và Tổng thống Biden đã trò chuyện thẳng thắn về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm: biến đổi khí hậu, thương mại và ổn định khu vực (Al Jazeera Staff, 2023).

Ngoài cuộc gặp chính thức với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 02/2023, ông Lula đã thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao với Mỹ bao gồm: (i) Tham dự COP27 và cam kết tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Brazil trong hành động vì khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây không chỉ là một tín hiệu quan trọng về cam kết của Brazil trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà còn thể hiện sự chủ động và tương tác tích cực với Mỹ trong các vấn đề toàn cầu; (ii) Bổ nhiệm Mauro Vieira, một nhà ngoại giao có kinh nghiệm và cựu đại sứ tại Washington, làm Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, cho thấy sự chú trọng vào việc có những nhân sự chất lượng và có khả năng thúc đẩy mối quan hệ với Mỹ; (iii) Tìm kiếm hợp tác với Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề khu vực như cuộc khủng hoảng ở Haiti và tình trạng di cư từ Venezuela không chỉ thể hiện tinh thần hợp tác khu vực mà còn có thể tăng cường mối quan hệ giữa Brazil và Mỹ (Gabrielle Trebat và cộng sự, 2022). Những biện pháp này đều nhấn mạnh vào việc tăng cường hợp tác và tương tác tích cực giữa Brazil và Mỹ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khí hậu đến vấn đề khu vực, và từ hợp tác kinh tế đến nhân sự và quan hệ đối tác chiến lược.Top of Form

Đối với Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác chiến lược quan trọng của Brazil trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị và văn hóa. Việc Trung Quốc trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền tổng thống Lula không chỉ phản ánh sự phát triển độc lập và đa chiều trong ngoại giao của Brazil mà còn là một chiến lược tự nhiên trong bối cảnh các thách thức và cơ hội mà Trung Quốc mang lại cho đất nước Nam Mỹ này.

Chuyến thăm cấp nhà nước được nhiều người mong đợi của Tổng thống Lula tới Trung Quốc diễn ra từ ngày 11-14/4/2023 báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong quan hệ đối ngoại của Brazil, đặc biệt là quan hệ đối với Trung Quốc. Dưới thời chính quyền tiền nhiệm Jair Bolsonaro, mối quan hệ giữa Brazil và Trung Quốc thường bị căng thẳng với những phát ngôn công khai chỉ trích chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến thăm của Tổng thống Lula đã đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt, khi quan hệ với Trung Quốc được đặt là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại mới của Brazil. Trong suốt chuyến thăm này, hơn 20 thỏa thuận đã được ký kết giữa hai quốc gia, bao gồm các thỏa thuận về thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học và công nghệ, văn hóa, và nhiều lĩnh vực khác. Việc ký kết các thỏa thuận này không chỉ là một bước quan trọng trong việc mở rộng cơ hội kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp của cả hai quốc gia, mà còn là một minh chứng cho sự thâm nhập sâu rộng của Brazil vào thị trường Trung Quốc và ngược lại. Điều này mang lại những triển vọng hứa hẹn cho việc tăng cường hợp tác song phương và phát triển bền vững giữa Brazil và Trung Quốc trong tương lai (Kandy Wong và Ann Cao, 2023).

Tổng thống Lula đã thể hiện cam kết của Brazil trong việc phát triển quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc thông qua việc tổ chức các chuyến thăm xen kẽ đến hai quốc gia này. Việc duy trì quan hệ tương tác tích cực với cả Mỹ và Trung Quốc không chỉ thể hiện sự chủ động trong ngoại giao của ông Lula ,mà còn khẳng định vai trò của Brazil như một đối tác đáng tin cậy và quan trọng trên thế giới.

KẾT LUẬN

Chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Lula được xây dựng dựa trên sự cân nhắc và tự chủ hiện có trong quan hệ quốc tế của Brazil, đồng thời thể hiện sự linh hoạt và thích ứng của Brazil trước các thách thức và biến đổi toàn cầu. Cách tiếp cận này có thể tạo ra một môi trường ổn định và tích cực cho sự phát triển hòa bình và ổn định toàn cầu./.

Tài liệu tham khảo

1. Al Jazeera Staff (2023), Lula goes to Washington eyeing a ‘new era’ in US-Brazil relations, retrieved from https://www.aljazeera.com/news/2023/2/9/lula-goes-to-washington-eyeing-a-new-era-in-us-brazil-relations.

2. Bruce Jones, Sophia Hart, and Diana Paz García (2023), Autonomy or alignment? The US-Brazil relationship in a changing world order, retrieved from https://www.brookings.edu/articles/autonomy-or-alignment-the-us-brazil-relationship-in-a-changing-world-order/.

3. Celio Hiratuka (2022), Why Brazil Sought Chinese Investments to Diversify Its Manufacturing Economy, retrieved from https://carnegieendowment.org/research/2022/10/why-brazil-sought-chinese-investments-to-diversify-its-manufacturing-economy?lang=en¢er=global.

4. Diana Roy (2023), China’s Growing Influence in Latin America, retrieved from https://www.cfr.org/backgrounder/china-influence-latin-america-argentina-brazil-venezuela-security-energy-bri.

5. Francisco Urdinez (2023), Brazil’s Economic Ties with China Flourish Despite Political Shifts, retrieved from https://www.usip.org/publications/2023/04/brazils-economic-ties-china-flourish-despite-political-shifts.

6. Gabrielle Trebat et al (2022), How Will the Brazil-U.S. Relationship Change Under Lula?, retrieved from https://www.thedialogue.org/analysis/how-will-the-brazil-u-s-relationship-change-under-lula/.

7. Henoch Gabriel Mandelbaum (2023), Lula in China: The End of Brazil’s Flirtation With the Quad Plus, retrieved from https://thediplomat.com/2023/04/lula-in-china-the-end-of-brazils-flirtation-with-the-quad-plus/.

8. Kandy Wong, Ann Cao (2023), China cosies up with Brazil’s Lula on state visit full of deals, diplomacy and South American inroads, retrieved from https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3216961/china-cosies-brazils-lula-state-visit-full-deals-diplomacy-and-south-american-inroads, ngày 29/5/2024.

9. Luiz Augusto de Castro Neves, Tulio Cariello (2022), China’s Growing Presence in Brazil and Latin America, retrieved from https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-981-16-8603-0_8.

10. Ryan C. Berg et al (2022), The Future of U.S.-Brazil Security Cooperation: Opportunities Presented by Brazil’s Major Non-NATO Ally Status, retrieved from https://www.csis.org/analysis/future-us-brazil-security-cooperation-opportunities-presented-brazils-major-non-nato-ally.

11. Ryan C. Berg and Carlos Baena (2023), The Great Balancing Act: Lula in China and the Future of U.S.-Brazil Relations, retrieved from https://www.csis.org/analysis/great-balancing-act-lula-china-and-future-us-brazil-relations.

12. Soledad Quartucci (2023), Brazil Ranks 2nd in attracting the most Foreign Direct Investment (FDI), retrieved from https://latinarepublic.com/2023/11/06/brazil-ranks-2nd-in-attracting-the-most-foreign-direct-investment-fdi/.

13. The White House (2023), Joint Statement Following the Meeting Between President Biden and President Lula, retrieved from https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2023/02/10/joint-statement-following-the-meeting-between-president-biden-and-president-lula/.

14. US deparment of sate (2023), U.S. Relations With Brazil, retrieved from https://www.state.gov/u-s-relations-with-brazil/.


[1] Bài viết thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở 2024 của Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Ngày nhận bài: 27/5/2024; Ngày phản biện: 12/6/2024; Ngày duyệt đăng: 22/8/2024