Thương mại toàn cầu trong lĩnh vực thủy sản và nuôi trồng thủy sản mang lại cơ hội to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) quan trọng, đặc biệt là cải thiện an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo (SDG 2), cũng như bảo vệ hệ sinh thái biển (SDG 14).

Cơ hội phát triển ngành thủy hải sản tại các quốc gia Nam bán cầu
Ngành thủy hải sản đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu toàn cầu đạt 186 tỷ USD vào năm 2022, tăng 63% so với 114 tỷ USD của năm 2012

Đáng chú ý, thương mại tại các quốc gia Nam bán cầu đã tăng mạnh trong lĩnh vực thủy hải sản, bao gồm: đánh bắt hải sản, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Theo phân tích mới từ Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), doanh thu ngành thủy hải sản tại các quốc gia này đã tăng hơn gấp đôi, từ khoảng 19 tỷ USD vào năm 2012 lên 39 tỷ USD vào năm 2022.

Chile, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Peru, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong nhóm các quốc gia tại vùng Nam bán cầu, chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn cầu vào năm 2022, tăng trưởng 42% so với năm 2012. Đặc biệt, tỷ trọng của các nước này trong phân khúc xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến có giá trị cao hơn nhiều so với sản phẩm chưa chế biến, đạt 53% so với 40%.

Kỷ nguyên mới trong lĩnh vực thủy hải sản

Sự tăng trưởng của thương mại Nam bán cầu trong lĩnh vực thủy hải sản đang đối lập với các mô hình thương mại truyền thống, khi các quốc gia đang phát triển thường chỉ xuất khẩu sang các thị trường phát triển. Điều này đánh dấu một kỷ nguyên mới khi các quốc gia đang phát triển ngày càng gia tăng giao thương lẫn nhau", ông Vivas Eugui David Vivas Eugui, Phụ trách bộ phận kinh tế đại dương và kinh tế tuần hoàn của UNCTAD nói.

Việc gia tăng thương mại với nhau giúp các quốc gia tại vùng Nam bán cầu không chỉ gia tăng giá trị cho sản phẩm, tạo việc làm mà còn cải thiện chất lượng hoặc công nghệ chế biến trước khi xuất khẩu. Ông Vivas Eugui nhận xét, điều này không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa, mà còn củng cố khả năng cạnh tranh quốc tế, bao gồm cả ở các thị trường phát triển.

Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia đang phát triển

Ủy ban phân tích khả năng cạnh tranh lợi thế so sánh của UNCTAD đã đo lường hiệu quả xuất khẩu của một số quốc gia so với thương mại toàn cầu cho thấy, nhiều quốc gia đang phát triển có lợi thế cạnh tranh trong nhiều loại thủy sản và các sản phẩm phụ. Một số ví dụ như: Morocco nổi bật với cá mòi chế biến; Peru thịnh vượng nhờ xuất khẩu cá cơm; Việt Nam ấn tượng với xuất khẩu cá tra, cá basa, tôm thẻ chân trắng và tôm sú được ưa chuộng toàn cầu nhờ chất lượng cao và giá trị kinh tế vượt trội.

Những lợi thế cạnh tranh này giúp các quốc gia đang phát triển tại vùng Nam bán cầu khai thác các thị trường cụ thể, thêm vào đó, thủy sản và nuôi trồng thủy sản còn gắn kết với nền kinh tế sáng tạo, khi nhiều đầu bếp tại các quốc gia đang phát triển thể hiện sự sáng tạo thông qua việc sử dụng các loài hải sản địa phương, chế biến những món ăn đặc sản vùng miền và mang hương vị phong phú.

Rào cản lớn từ biến đổi khí hậu, khai thác quá mức và các biện pháp phi thuế quan

Mặc dù tăng trưởng đầy hứa hẹn, ngành thủy sản biển và nuôi trồng thủy sản trên thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đánh bắt quá mức, các khoản trợ cấp không bền vững và biến đổi khí hậu là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành thủy, hải sản tại các quốc gia vùng Nam bán cầu.

Số lượng các loài sinh vật biển bị khai thác quá mức đã tăng gấp ba kể từ năm 1974. Hiện tại, hơn một phần ba các loài cá đang bị khai thác quá mức, đe dọa đến đa dạng sinh vật biển trên toàn cầu. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm vấn đề này, ảnh hưởng của nhiệt độ biển, tan băng và nước biển dâng bất thường đe dọa hệ sinh thái và sinh kế của những ngư dân phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này.

Các rào cản thương mại, đặc biệt là các biện pháp phi thuế quan (NTMs), cũng là những trở ngại lớn đối với tăng trưởng. NTMs là các quy định và quy tắc ngoài thuế, mà các quốc gia sử dụng để kiểm soát số lượng và loại sản phẩm nhập khẩu vào thị trường của họ, có thể gây tốn kém và không đáp ứng đủ điều kiện với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hệ thống ưu đãi thương mại toàn cầu giữa các nước đang phát triển (GSTP)

GSTP là một hiệp định giữa các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) nhằm thúc đẩy thương mại thông qua các ưu đãi về thuế quan và các rào cản thương mại khác. Năm 2022, các thành viên của GSTP chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước đang phát triển trong lĩnh vực thủy, hải sản, minh chứng cho vai trò quan trọng của hiệp định trong việc thúc đẩy thương mại tại Nam bán cầu.

“Hiệp định này cung cấp một nền tảng độc đáo để giải quyết các thách thức bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các nước đang phát triển,” bà Chantal Line Carpentier, Trưởng Bộ phận thương mại, môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của UNCTAD cho biết.

Để khắc phục các rào cản kinh tế tại các quốc gia Nam bán cầu, UNCTAD kêu gọi tiếp tục phát triển GSTP, để khai mở tiềm năng lớn hơn nữa trong khối liên kết thương mại Nam bán cầu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành thủy hải sản. Điều này có thể làm tăng dòng chảy thương mại, cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững./.