Năm 2024, giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 6,3 nghìn tỷ USD
Báo cáo Kinh tế số 2024 (Digital Economy Report 2024) do Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa phát hành đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về sự phát triển của nền kinh tế số trên toàn cầu. Báo cáo năm nay đặc biệt nhấn mạnh những thay đổi quan trọng trong môi trường kỹ thuật số, với trọng tâm là thúc đẩy kinh tế số tại các quốc gia đang phát triển. Với dữ liệu từ hơn 200 quốc gia, báo cáo phân tích các xu hướng, thách thức và cơ hội mà nền kinh tế số mang lại cho chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hơn 1,5 tỷ người mới tiếp cận thương mại điện tử trong vòng 3 năm qua |
Sự gia tăng của thương mại điện tử và chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Một trong những điểm nhấn chính của báo cáo là sự bùng nổ của thương mại điện tử. Năm 2024, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu ước đạt 6,3 nghìn tỷ USD, tăng 17% so với năm 2023. Đáng chú ý, trong khi các quốc gia phát triển chiếm 55% thị phần thương mại điện tử toàn cầu, còn các nền kinh tế đang phát triển chiếm 45% (năm 2022, thị phần là 37%).
Sự phát triển này được thúc đẩy bởi sự gia tăng của người tiêu dùng trực tuyến, với hơn 1,5 tỷ người mới tiếp cận thương mại điện tử trong vòng 3 năm qua, phần lớn đến từ các quốc gia châu Á và châu Phi.
Báo cáo tập trung vào quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tại các quốc gia đang phát triển, khoảng 60% DNNVV đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật số vào quy trình kinh doanh của mình, tăng 15% so với năm 2022.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản, với 40% doanh nghiệp báo cáo rằng, họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Ở châu Phi, tỷ lệ DNNVV tiếp cận công nghệ số chỉ đạt 25%, cho thấy sự chênh lệch lớn về khả năng chuyển đổi số giữa các khu vực.
4 tỷ thông tin cá nhân bị lộ
Báo cáo Kinh tế số 2024 nêu rõ nhiều rủi ro và thách thức đang đe dọa sự phát triển của kinh tế số. Các vụ vi phạm dữ liệu đã tăng 30% so với năm trước, với hơn 4 tỷ thông tin cá nhân bị lộ, trong khi chỉ 35% quốc gia có khung pháp lý đầy đủ về bảo mật dữ liệu. Bất bình đẳng kỹ thuật số cũng là một vấn đề lớn, khi chỉ 50% dân số toàn cầu có quyền truy cập internet băng thông rộng, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia phát triển là 90%, nhưng ở các nước đang phát triển chỉ đạt 30%.
Sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ lớn ngày càng tăng, khi họ kiểm soát phần lớn dữ liệu và nền tảng số, làm hạn chế sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, chỉ 40% lực lượng lao động toàn cầu được trang bị kỹ năng số cần thiết, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp và tụt hậu ở các quốc gia thiếu chương trình đào tạo phù hợp. Cuối cùng, sự thiếu hụt các quy định pháp lý và chính sách công kịp thời làm tăng nguy cơ không kiểm soát được các thách thức trong nền kinh tế số, từ đó đe dọa sự phát triển bền vững và công bằng của nền kinh tế toàn cầu.
Cơ hội từ công nghệ mới và vai trò của chính phủ
Báo cáo cũng nhấn mạnh tiềm năng của các công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và Internet vạn vật (IoT) trong việc thúc đẩy nền kinh tế số. Theo dự báo, thị trường AI toàn cầu sẽ đạt 900 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 35%. Công nghệ blockchain cũng đang được ứng dụng rộng rãi, với 10% giao dịch tài chính toàn cầu dự kiến sẽ được thực hiện qua blockchain vào năm 2026. Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng, nếu không được quản lý cẩn thận, những công nghệ này có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng, khi mà 75% giá trị thị trường AI đang tập trung ở các quốc gia phát triển.
Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế số. Báo cáo khuyến nghị rằng, các quốc gia cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số, đặc biệt là ở các khu vực kém phát triển. Hiện tại, chỉ có 50% dân số thế giới tiếp cận được với internet băng thông rộng, với sự chênh lệch lớn giữa các nước phát triển (90%) và các nước đang phát triển (30%).
Để tận dụng tối đa cơ hội từ kinh tế số, các quốc gia cần xây dựng chiến lược quốc gia về kinh tế số, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động, đặc biệt là trong các ngành nghề truyền thống.
Báo cáo Kinh tế số 2024 mang đến một bức tranh toàn diện về sự phát triển và chuyển đổi của nền kinh tế số trên toàn cầu. Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp và sự xuất hiện của các công nghệ mới, nền kinh tế số đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, các quốc gia và doanh nghiệp cần có chiến lược toàn diện và chủ động đối mặt với những thay đổi liên tục của kỷ nguyên kỹ thuật số./.
Bình luận