Buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Á-Phi 2015 đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập một Hội nghị tại Bandung (Indonesia), một hội nghị tập hợp các quốc gia đang phát triển đứng lên chống lại Chủ nghĩa thực dân, hình thành phong trào không liên kết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trong số các nhà lãnh đạo tham gia có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến 2 nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau bên lề hội nghị, cho thấy dấu hiệu ấm lên trong quan hệ giữa 2 đối thủ lớn tại châu Á.

Quan hệ Trung-Nhật đã đóng băng trong những năm gần đây do di chứng từ cuộc chiến trong quá khứ giữa 2 nước láng giềng, cũng như những vụ tranh chấp lãnh thổ và cạnh tranh kinh tế trong khu vực. Cuộc đàm phán song phương tại Jakarta hôm thứ 4 vừa qua có thể cải thiện thêm mối quan hệ giữa 2 quốc gia, bắt đầu từ khi ông Shinzo Abe và ông Tập Cận Bình gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh vào cuối năm ngoái.

Thủ tướng Nhật Bản cũng cho biết, Nhật Bản rất lấy làm tiếc về cuộc chiến tranh trong quá khứ, và các bên cần phải tuân thủ những nguyên tắc quốc tế, kiềm chế hành vi xâm lược và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Bên cạnh đó, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) cho biết ông Tập Cận Bình trước đó đã chia sẻ tại hội nghị rằng: “việc khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia châu Á và châu Phi là rất cần thiết, đây là một xu hướng mới trong quan hệ quốc tế". Ông cũng cho biết các nước phát triển cần có trách nhiệm hỗ trợ các quốc gia khác trên thế giới.

Trật tự thế giới mới

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, chủ trì buổi hội nghị cho biết, nhiều người vẫn cho rằng các vấn đề kinh tế toàn cầu chỉ có thể được giải quyết thông qua Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân hàng Phát triển Châu Á, đây là quan niệm “quá lỗi thời".

Ông nói: "Cơ cấu kinh tế cần phải được thay đổi, đó là điều kiện thiết yếu để xây dựng một trật tự kinh tế quốc tế mới, tăng cường mở cửa với các cường quốc kinh tế mới nổi."

Widodo không đề cập đến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), ngân hàng do Trung Quốc hậu thuẫn và được coi là đối thủ cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhưng Indonesia là một trong gần 60 quốc gia đã đăng ký trở thành một trong những thành viên sáng lập của AIIB.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe phát biểu tại hội nghị rằng: “các nước châu Á và châu Phi giờ đây không chỉ là những nhà xuất khẩu hàng hóa sơ cấp và nhập khẩu các thành phẩm tồn kho nữa, đó đã là những điều chỉ còn trong lịch sử, những vai trò được giao cho chúng tôi bởi các cường quốc thực dân".

Trật tự thế giới đã thay đổi kể từ khi gần 30 nguyên thủ quốc gia tập trung tại thị trấn Bandung, Indonesia vào năm 1955 để thảo luận về an ninh và phát triển kinh tế.

Các quốc gia đó đã chiếm 1/4 sản lượng kinh tế toàn cầu tại thời điểm đó, còn ngày nay họ đóng góp hơn một nửa sản lượng trong số các nền kinh tế thế giới. Nhiều nước trong số các nước có mặt tại Bandung năm 1955, như Trung Quốc và Ấn Độ hiện tại đang đứng hàng đầu trong số các quốc gia G20 và sở hữu sức mạnh kinh tế đáng kể./.

Dịch từ nguồn: http://www.reuters.com/article/2015/04/22/us-asia-africa-idUSKBN0ND09820150422