Trước đó, Berlin đưa ra mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc hội (GDP) 1,5% trong năm nay và 1,6% trong năm tới. Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel cho biết, nước Đức đang trên đà phát triển vững chắc nhờ những diễn biến thuận lợi trên thị trường lao động, lương và việc làm đều tăng.

Trụ cột phục hồi chính là chi tiêu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Gabriel khuyến cáo Đức không nên thỏa mãn với tình hình thuận lợi hiện nay, không nên coi thắng lợi kinh tế là điều dĩ nhiên mà phải cải thiện triển vọng tăng trưởng trung hạn.

Ông Gabriel dự đoán kinh tế Đức sẽ được lợi từ sự cải thiện tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh. Sự mất giá của đồng Euro sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, được Berlin dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2015 và 2016.
Trước đó, Viện Nghiên cứu thị trường (GfK) cho biết, lòng tin tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2001, còn số người thất nghiệp của nước này cũng bất ngờ giảm mạnh.

GfK nhận định rằng giá dầu thế giới sụt giảm và lãi suất hạ thấp đã khiến người tiêu dùng tại Đức "phớt lờ" tình trạng căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga xung quanh cuộc khủng khoảng ở Ukraine, cũng như cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra tại Hy Lạp. Nhờ đó, chỉ số lòng tin tiêu dùng và chỉ số kỳ vọng vào nền kinh tế Đức đã tăng lên.

Trong năm 2014, tổng ngân sách chung của chính phủ liên bang, các bang và địa phương trong đạt thặng dư 18 tỷ Euro, tương đương 0,6% GDP của Đức, trong đó tổng nguồn thu là 1,294 nghìn tỷ Euro và tổng chi tiêu ngân sách là 1,276 nghìn tỷ Euro. Riêng ngân sách chính phủ liên bang đạt thặng dư 11,4 tỷ Euro, so với mức thâm hụt 4,5 tỷ Euro trong năm 2013. Trong quý IV/2015, kinh tế Đức đạt nhịp độ tăng trưởng 0,7%./.