Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm trong tháng 9

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố báo cáo về sản xuất công nghiệp cho thấy khu vực chế tạo của nền kinh tế Mỹ gần như không tăng trưởng trong tháng 9 vừa qua.

Đây là kết quả tăng trưởng không tốt trong lĩnh vực chế tạo ngay trước khi Chính phủ Mỹ phải đóng cửa tạm thời trong suốt hơn 2 tuần.

Tại báo cáo của FED cho biết sản lượng khu vực chế tạo của nền kinh tế Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 9 vừa qua sau khi đạt mức tăng 0,5% trong tháng trước đó. Con số này thấp hơn mức dự báo 0,3%, cho thấy đà phục hồi chưa ổn định của nền kinh tế đầu tàu thế giới ngay trong những tuần lễ trước khi chính phủ ngừng hoạt động.

Trong tháng vừa qua, mặc dù sản lượng ôtô xuất xưởng tăng 0,2%, song lĩnh vực sản xuất máy tính, đồ nội thất, đồ gia dụng lại sụt giảm mạnh. Về tổng thể, sản lượng công nghiệp chung tại Mỹ trong tháng Chín tăng 0,6%, chủ yếu là nhờ mức tăng trưởng nhảy vọt 4,4% trong lĩnh vực tiện ích công cộng sau khi lĩnh vực này đã bị sụt giảm trong vòng 5 tháng liên tiếp.

Nguyên nhân một phần là do nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ của người dân tăng cao trong tháng này vì thời tiết nóng. Trong khi đó, sản lượng khai mỏ, trong đó có dầu khí, ghi nhận mức tăng 0,2% và là tháng thứ 6 tăng liên tiếp.

Các nhà kinh tế đang đặc biệt chú ý vấn đề này do nó phản ánh sự thu hẹp sản xuất và niềm tin của giới doanh nghiệp vào nền kinh tế. Tuy nhiên, một nghiên cứu về lĩnh vực chế tạo do Viện Quản trị nguồn cung của Mỹ thực hiện lại nhấn mạnh các hoạt động chế tạo chung đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 2 năm rưỡi qua và các nhà chế tạo đã đẩy mạnh thuê mướn nhân công. Trong khi đó, các đơn đặt hàng mới cũng tiếp tục tăng lên.

Cùng với tốc độ tăng trưởng sụt giảm trong khu vực chế tạo, kinh tế Mỹ tiếp tục đối mặt với những thách thức mới trong lĩnh vực địa ốc. Số liệu do Hiệp hội các nhà bất động sản Mỹ (NAR) công bố cùng ngày cho thấy trong tháng Chín, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ đã giảm 5,6%. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua, do tác động của lãi suất thế chấp tăng cao lên trung bình 4,49% trong tháng Chín cùng với tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại trong quý III chỉ ở mức từ 1,5%-2% so với mức 2,5% trong quý II. Thêm vào đó, việc đóng cửa của một số cơ quan Chính phủ Mỹ trong 16 ngày vừa qua, gây thiệt hại ước tính 24 tỷ USD, cũng làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong những tháng cuối năm.

FED tiếp tục duy trì gói cứu trợ và tỷ lệ lãi suất thấp

Trong một bước đi phản ánh rõ tâm trạng vẫn chưa an tâm với đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngày 30/10, FED thông báo sẽ tiếp tục duy trì gói cứu trợ thứ ba (QE3) và tỷ lệ lãi suất thấp cho tới khi có thêm những bằng chứng rõ ràng hơn về sự cải thiện của nền kinh tế nói chung, thị trường việc làm nói riêng.

Thông báo của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc FED cho biết, mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp đều có xu hướng tăng, nhưng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực địa ốc lại có chiều hướng chậm lại trong vài tháng qua. Do vậy, FED sẽ tiếp tục duy trì chương trình QE3 để mỗi tháng có thể tung vào thị trường 85 tỷ USD mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp, qua đó tiếp tục giữ tỷ lệ lãi suất ở mức thấp để khuyến khích vay mượn và đầu tư.

Thông báo của FED cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất gần như bằng không được áp dụng từ cuối năm 2009 đối với các khoản vay qua đêm liên ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ đà phục hồi chưa chắc chắn của nền kinh tế. Ngoài ra, FED cũng hướng tới mục tiêu hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 6,5% so với mức khá cao 7,2% hiện nay.

Một lý do khiến FED đi tới quyết định này là do thời gian qua liên tục xuất hiện các dấu hiệu tiêu cực từ nền kinh tế, một phần do tác động của cuộc đấu đá chính trị tại Washington dẫn tới việc phải đóng cửa một bộ phận công sở liên bang trong 16 ngày.

Ngoài ra, các quan chức của FED cũng thừa nhận việc thắt chặt chi tiêu chính phủ và bế tắc trong chính sách tài chính trên chính trường Mỹ cũng đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Những đánh giá trên đây của FED về nền kinh tế Mỹ hơi khác với những đánh giá trong cuộc họp định kỳ của FOMC hồi cuối tháng 9, tại đó FED ngỏ ý từ cuối năm nay có thể sẽ bắt đầu thu nhỏ quy mô gói cứu trợ thứ ba.

Quyết định của FED được đưa ra đúng ngày công ty chuyên thu thập và đánh giá dữ liệu việc làm ADP công bố báo cáo cho biết khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ chỉ tạo ra được 130.000 việc làm mới trong tháng 10, thấp nhất trong vòng sáu tháng trở lại đây. Ngoài ra, việc có tới hàng trăm nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc do công sở đóng cửa hồi đầu tháng cũng gây những tác động tiêu cực tới thị trường việc làm trong tháng này với tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán sẽ cao hơn mức 7,2%./.