Khi khủng hoảng nổ ra, khoản nợ này đã nhấn chìm kinh tế Nhật Bản vào một giai đoạn suy thoái kéo dài mà thế giới vẫn gọi là “hai thập kỷ mất mát”.

Ổn mà không ổn

Mới đây, Chính phủ và các nhà kinh tế Trung Quốc đang đón nhận những kết quả trong báo cáo tăng trưởng quý III/2016 với mức tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức 6,7% trong quý III (mức tăng trưởng 2 quý đầu năm của Trung Quốc đều là 6,7%). Như vậy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới gần như chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đặt ra từ 6,5-7% trong năm 2016, và cú hat-trick kinh tế này có thể xem như một dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang rất ổn định. Tuy nhiên, nó lại đang vấp phải sự phản đối của không ít các nhà kinh tế trong nước khi cho rằng cái giá để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định gần 7% hiện nay là sự chậm trễ trong việc tiến hành các cải cách cần thiết.

Có thể nói, mức tăng trưởng 6,7% trong quý III/2016 của kinh tế Trung Quốc đang thổi bùng lên một cuộc tranh luận dữ dội ngoài dự đoán. Một số nhà cố vấn của chính phủ cho rằng, cái giá để đạt được mức tăng trưởng bình quân 6,7% trong 3 quý đầu năm là quá đắt, khi để đạt được nó chính phủ Trung Quốc đã phải tiến hành các biện pháp kích thích tăng trưởng tốn kém chi phí và làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế nước này ở thời điểm hiện tại: bong bóng tín dụng và bất động sản. Nói cách khác, để có được mức tăng trưởng đạt mục tiêu đặt ra từ 6,5-7%/năm giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc đã phải chấp nhận trì hoãn giải quyết các nguy cơ đang đe dọa nền kinh tế như nợ quốc gia và sự bất ổn tại một loạt các lĩnh vực chủ chốt như ngân hàng và bất động sản.

Sự lo ngại của các cố vấn chính phủ và chuyên gia kinh tế Trung Quốc là có cơ sở. Tính đến cuối năm 2015, nợ của Trung Quốc đã đạt mức 250% GDP so với mức 150% GDP trước đó khoảng một thập niên. Một cảnh báo được đưa ra bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) trong tháng 9 vừa qua, rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đối với hệ thống ngân hàng trong vòng 3 năm tới mà nguyên nhân là do nợ của nước này, nếu như không tiến hành các cải cách cần thiết. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo Trung Quốc nên từ bỏ việc đặt ra các mục tiêu tăng trưởng hằng năm vì nó thường kéo theo các biện pháp kích thích tăng trưởng có chất lượng thấp.

Nói cách khác, bản chất vấn đề của kinh tế Trung Quốc hiện nay là mức tăng trưởng mục tiêu 6,5-7%/năm giai đoạn 2016-2020 mà chính phủ đặt ra hiện nay là quá cao so với tình trạng sức khỏe của nền kinh tế. IMF dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 sẽ chỉ đạt khoảng 6,6% và giảm xuống còn khoảng 6,2% vào năm 2017. Sở dĩ mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 được ấn định ở mức 6,5-7%/năm là vì chính phủ Trung Quốc muốn đến năm 2020 GDP và thu nhập bình quân đầu người ở nước này sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2010, vốn được xem là điều kiện tiên quyết để chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào tiêu dùng nội địa. Để thực hiện mục tiêu có phần duy ý chí này, nền kinh tế Trung Quốc đang phải bỏ ra nhiều nguồn lực hơn để thúc đẩy tăng trưởng trong khi các nguy cơ về nợ, bong bóng tài chính và bất động sản thì lại không được giải quyết.

Theo vết xe đổ của Nhật Bản?

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, Trung Quốc đang lặp lại y hệt những sai lầm mà Nhật Bản đã mắc phải trước đây.

“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc rồi cũng sẽ rơi vào giai đoạn tăng trưởng cực kỳ chậm, y hệt như Nhật Bản”, các chiến lược gia của Goldman Sachs đã bình luận như vậy cách đây vài tháng. Nhà sáng lập James Chanos của quỹ Kynikos Associates thậm chí còn so sánh là Trung Quốc đang chạy theo con đường cũ của Nhật Bản “với thuốc tăng lực”.

Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn tăng trưởng chậm như Nhật Bản trước đây

Một số người có thể cho rằng đây là những cảnh báo nhàm chán về Trung Quốc mà nhiều năm qua vẫn chưa trở thành sự thực. Nhưng hãy nhớ lại rằng cách đây 30 năm cũng chẳng mấy ai nhìn thấy trước sự đi xuống của Nhật Bản. Là nước châu Á đầu tiên được xem là đối thủ đáng gờm đủ sức qua mặt nước Mỹ, nền kinh tế Nhật Bản từng được coi là ưu việt hơn Mỹ nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng. Bằng cách bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ và chuyển hướng dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các quan chức ở Tokyo đã góp phần tạo ra những doanh nghiệp Nhật Bản dồn người Mỹ vào chân tường.

Tuy nhiên, ngay cả lúc ở đỉnh cao huy hoàng, thì nước Nhật cũng đã bắt đầu đi vào con đường thoái trào. Các mối quan hệ quá mật thiết giữa giới ngân hàng, doanh nghiệp và quan chức dẫn tới việc sử dụng vốn không đúng chỗ và gây ra nhiều đầu tư lãng phí. Tới nửa sau thập kỷ 1980, tăng trưởng của Nhật Bản bắt đầu dựa vào bùng nổ tín dụng lãi suất thấp, gây ra bong bóng bất động sản và chứng khoán. Khi bong bóng nổ tung vào đầu những năm 1990, ngành tài chính của Nhật Bản gần như bị “san phẳng”, và cho tới nay nước Nhật Bản vẫn chưa gượng dậy hoàn toàn.

Những chính sách kích thích tăng trưởng mà Trung Quốc đã và đang sử dụng là bản sao của những gì nước Nhật Bản đã làm, và thậm chí vai trò của nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc còn lớn hơn nhiều so với Nhật Bản. Điều này đã dẫn tới việc dư thừa hàng loạt nhà máy thép, tổ hợp xi măng và nhà chung cư trên một quy mô chưa từng thấy. Để giải quyết, Trung Quốc lại tiếp tục dùng tới tăng trưởng tín dụng lãi suất thấp để giữ cho những doanh nghiệp không hiệu quả có đường sống tiếp. Điều này lại tạo ra thêm bong bóng tài sản, y hệt như ở Nhật Bản.

Năm ngoái, thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đã tăng trưởng tới mức chóng mặt, để rồi lại sụp đổ không phanh. Giờ đây, giá bất động sản ở Thượng Hải, Thâm Quyến và nhiều đô thị lớn khác lại đang tăng nhanh tới mức chính phủ phải nhảy vào can thiệp.

Trước đây, Nhật Bản từng chứng kiến tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng/GDP tăng tới 80 điểm phần trăm trong giai đoạn 1980-1989, đạt mức 275% GDP, theo số liệu từ Fitch. Trung Quốc thì tăng tới tận hơn 100 điểm chỉ trong giai đoạn 2007-2015, đạt 255% GDP, theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Có những nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng tín dụng như vậy tại Trung Quốc là không nhiều rủi ro như vẫn tưởng, vì có một lượng khá lớn tín dụng là do các ngân hàng nhà nước cấp cho các doanh nghiệp quốc doanh, và nhà nước sẽ sẵn sàng can thiệp để giải cứu. Ngoài ra, do hầu hết hoạt động tín dụng ở Trung Quốc là chỉ diễn ra ở trong nước, và tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc rất lớn, nên ảnh hưởng từ bên ngoài là không nhiều.

Thay vì để cho các công ty bị mắc nợ quá nhiều phá sản, chính phủ Nhật Bản đã cố vực dậy các “xác sống” này bằng cách cấp thêm tín dụng và thực hiện các thủ thuật như đổi nợ lấy vốn sở hữu. Ngoài ra, chính phủ còn dùng tới các chính sách kích cầu như đi vay để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nới lỏng định lượng tiền tệ trên quy mô chưa từng có. Cùng lúc đó, hệ thống nhà nước của Nhật Bản vẫn không chịu cải tổ để mở cửa thị trường, khuyến khích cạnh tranh và khởi nghiệp. Kết quả là hiện tại tổng dư nợ tín dụng của Nhật Bản đã gần bằng 400% GDP mà nền kinh tế vẫn chưa gượng dậy được.Tuy nhiên, kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy mọi chuyện không đơn giản như vậy. Nhật Bản cũng từng có thặng dư thương mại rất lớn và lượng tiết kiệm dồi dào vào đầu những năm 1990, nhưng không cản nổi đà rơi vào khủng hoảng. Bài học của Nhật Bản cho thấy một nền kinh tế vừa dễ rơi vào bong bóng, vừa quá phụ thuộc vào tín dụng thì sẽ dễ bị khủng hoảng, bất kể các yếu tố khác ra sao.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra cam kết sẽ cải tổ nền kinh tế theo định hướng thị trường, giảm thiểu lãng phí và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, nhưng thực ra là vẫn đang đi theo vết xe đổ của Nhật Bản. Nhiều công ty nhà nước vẫn đang sống vật vờ nhờ vào nguồn tín dụng và các gói hỗ trợ từ chính phủ, và tới tháng 10 vừa qua thì Trung Quốc lại đưa ra kế hoạch đổi nợ lấy vốn sở hữu.

Ngoài ra, gánh nặng nợ của Trung Quốc cũng ngày càng tăng cao, khi mà tín dụng tăng trưởng nhanh hơn GDP nhưng không mang lại kết quả gì đáng kể. Tương tự như Nhật Bản trước đây, hiệu quả của tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc ngày càng giảm dần, và có dấu hiệu cho thấy rất nhiều khoản vay mới chỉ được dùng để thanh toán cho các khoản vay cũ, chứ không dùng để đầu tư cho phát triển kinh doanh.

Trung Quốc và Nhật Bản cũng cùng gặp một vấn đề rất lớn nữa là già hóa dân số. Số người Nhật Bản ở độ tuổi lao động đã giảm 0,4%/năm trong giai đoạn 1990-2015. Điều này nghĩa là ngày càng có ít người làm việc để nuôi lượng người về hưu ngày càng đông. Do chính sách một con trước đây, Trung Quốc sẽ còn gặp vấn đề lớn hơn. Theo Goldman Sachs, số người Trung Quôc ở độ tuổi lao động sẽ giảm gần 0,5%/năm trong vòng 25 năm tới.

Liệu Trung Quốc có thể thoát khỏi các cạm bẫy mà Nhật Bản đã mắc phải? Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu chính phủ nước này chịu thực hiện đầy đủ các cam kết cải tổ mà họ đã đưa ra, bằng không thì rủi ro chỉ ngày càng tăng cao. Bởi, cả Bắc Kinh và Tokyo đang mắc phải một sai lầm chết người đó là kiên quyết bám theo mô hình phát triển cũ mà đến nay đã không còn có tác dụng./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-no-ngap-dau-20160424211430656.htm

http://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/thi-truong-quoc-te/kinh-te-trung-quoc-dang-di-theo-vet-xe-do-cua-nhat-ban-3316797/

http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/trung-quoc-co-the-ha-muc-tieu-tang-truong-de-tranh-nguy-co-suy-thoai-46539.html

http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/5624-co-phai-trung-quoc-dang-sup-do