WTO thông qua thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên

WTO ngày 22/2 đã thông qua thỏa thuận thương mại đa phương đầu tiên với tên gọi Hiệp định Tạo thuận lợi cho thương mại (TFA) - động thái được coi là cột mốc đối với cơ quan này khi đang phải đối mặt với những mối đe dọa bắt nguồn từ chính sách thương mại của Chính phủ mới ở Mỹ.

Cụ thể, 112 trong số 164 thành viên WTO đã bỏ phiếu thông qua TFA, vượt ngưỡng 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết để thỏa thuận này có hiệu lực.

Theo thỏa thuận trên, các quốc gia đã nhất trí đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các thủ tục hải quan để tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa lưu thông trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết, TFA dự kiến sẽ giúp chi phí thương mại toàn cầu giảm hơn 14% và có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm 0,5 điểm phần trăm/năm. Ông Azevedo cho biết TFA là cải cách lớn nhất đối với thương mại toàn cầu trong thế kỷ này.

Ủy ban châu Âu hối thúc 3 nền kinh tế lớn nhất Eurozone cải cách

Ủy ban châu Âu (EC) vừa cảnh báo 3 nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Đức, Pháp và Italy đang có dấu hiệu mất cân bằng.

EC cho biết Pháp phải điều chỉnh kinh tế, Đức cần xem xét giảm thặng dư còn Italy thì phải tìm mọi cách để giảm thâm hụt ngân sách.

Trong buổi báo cáo xem xét tình hình kinh tế, xã hội của các nước thành viên ngày 22/2, EC nhận xét rằng Pháp, Italy, Bồ Đào Nha, Bulgaria, Croatia và CH Cyprus là những nước đang trong tình trạng mất cân bằng kinh tế quá mức.

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici đánh giá dù đã có những tiến bộ, nhưng chắc chắn các nước nêu trên phải tiếp tục cải tổ và nỗ lực hơn nữa. Ông Moscovici cho biết thêm đây cũng là trách nhiệm của các chính phủ tương lai và EC sẽ theo dõi sát sao những biện pháp do các chính phủ đưa ra.

Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại số 1 của Đức

Hãng tin Reuters dẫn các số liệu công bố ngày 24/2 cho thấy trong năm 2016, Trung Quốc đã lần đầu tiên vươn lên trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, chiếm vị trí của Mỹ, quốc gia rơi xuống vị trí thứ 3 sau Pháp.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đức và Trung Quốc đã tăng lên mức 170 tỷ Euro (180 tỷ USD) trong năm 2016.

Trong khi đó, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Đức với Pháp và Mỹ trong năm ngoái lần lượt là 167 tỷ Euro và 165 tỷ Euro.

Bình luận về sự thay đổi này, nghiệp đoàn Đức BGA cho hay: "Với những kế hoạch bảo hộ của tân tổng thống Mỹ, mối quan hệ thương mại Đức-Trung dự kiến sẽ còn được tăng cường hơn nữa".

Diễn biến nói trên nhiều khả năng sẽ được chính phủ Đức hoan nghênh khi mà Berlin đã đặt mục tiêu bảo vệ thương mại tự do toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt thuế lên các mặt hàng nhập khẩu, trong khi cố vấn hàng đầu của ông Trump về thương mại cáo buộc Đức lợi dụng đồng Euro yếu để thúc đẩy xuất khẩu.

Hong Kong dự báo tăng trưởng kinh tế 2%-3% trong năm 2017

Trong buổi công bố kế hoạch ngân sách tài khóa 2017-2018, ngày 22/2, người đứng đầu ngành tài chính Hong Kong, Trung Quốc Paul Chan Mo-po cho biết tăng trưởng kinh tế của ​đặc khu hành chính này đạt 1,9% trong năm 2016, đồng thời đưa ra mức dự báo 2%-3% cho năm ​nay.

Khởi đầu năm 2016 với tốc độ tăng trưởng khiêm tốn 1% của quý I so với cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế Hong Kong đã dần tăng tốc và chạm mức 3,1% trong quý ​IV so với cùng kỳ năm 2015.

Các chỉ số kinh tế khác cũng cho thấy dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình đạt 3,4% trong năm 2016. Tỷ lệ lạm phát toàn phần và lạm phát cơ sở lần lượt ở mức 2,4% và 2,3% trong năm 2016, ghi dấu năm giảm thứ năm liên tiếp.

GDP bình quân đầu người của Hong Kong hiện đạt 44.000 USD, vượt cả Nhật Bản và nhiều nền kinh tế phát triển ở châu Âu./.