Khủng hoảng nợ công đã qua ?

Trong chuyến công du Nhật Bản tuần qua, tổng thống Pháp đã khẳng định với với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản là cuộc khủng hoảng ở Châu Âu đã đi qua.

Tổng thống Pháp nói rằng, cuộc khủng hoảng nợ đã phục vụ để thúc đẩy châu Âu gắn kết hơn và tiến lên theo cách hiệu quả nhất. Ông Hollande tin rằng cuộc khủng hoảng, vốn làm suy yếu khu vực châu Âu, đã tăng cường sức mạnh nội khối.

Theo tổng thống Pháp, giờ đây khu vực châu Âu có tất cả các công cụ của sự ổn định và đoàn kết. Đã có một sự cải tiến trong quản lý kinh tế của khu vực châu Âu như thiết lập một liên minh ngân hàng, xây dựng những quy định về các vấn đề ngân sách cho phép khu vực Châu Âu phối hợp tốt hơn và có một hình thức hội tụ sức mạnh.

Thời gian dài qua, các nước châu Âu bị nạn thất nghiệp cao và suy thoái kinh tế hoành hành, ám ảnh. Gần đây nhất, vào tháng 4/2013, đã có những lo ngại về tương lai xấu hơn của đồng euro đối với các gói giải cứu Síp. Quốc gia nhỏ bé này của khu vực đồng euro đã được bảo đảm một gói cho vay trị giá 10 tỷ Euro từ các nước đối tác thuộc Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Lúc đầu, một đề nghị về giải pháp nhằm đối phó tình hình bằng cách quyên góp tiền thông qua việc đánh thuế trên tất cả các khoản tiền (kể cả của tổ chức, cá nhân nước ngoài) gửi tại ngân hàng Síp đã gây hoảng loạn trên thị trường tài chính quốc tế và đã nhanh chóng bị thu hồi.

Thay vào đó, quốc đảo này đã đồng ý tăng 13 tỷ Euro thông qua một khoản thuế trên các món tiền gửi lớn và thông qua cải cách ngân hàng. Điều này đươc đưa ra sau các gói cứu trợ của Hy Lạp - hai lần - cũng như Ireland, Bồ Đào Nha, và một gói cứu trợ ngân hàng của Tây Ban Nha.

Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực châu Âu ở một mức cao kỷ lục - với 19,38 triệu người mất công việc. Và khối này đang nằm trong cuộc suy thoái dài nhất kể từ khi được thành lập vào năm 1999, hiện tại đang nằm trong thời kỳ sáu quý liên tiếp suy giảm. Ngay cả Pháp cũng có tỉ lệ thất nghiệp tháng này tăng lên mức cao nhất trong 15 năm.

Gần đây, Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế kêu gọi Pháp cần thiết đưa ra cải cách kinh tế nếu không sẽ có nguy cơ tụt hậu so với một số nước láng giềng Châu Âu. Tổng thống Pháp đã cam kết thúc đẩy việc làm và tăng trưởng nhà ở, nhưng nhu cầu trong nước đã bị suy sụp bởi cuộc khủng hoảng Khu vực đồng Euro.

Như vậy, các khó khăn trước mắt với Khu vực đồng Euro còn rất lớn và không ai trên thế giới dám tin tưởng là khủng hoảng nợ của khu vực châu Âu đã kết thúc cho dù tổng thống Pháp tuyên bố khủng hoảng nợ đã qua với châu Âu.

81% độc giả của tạp chí The Economist cho rằng, khủng hoảng nợ vẫn đang tiếp diễn, chỉ có 19% đồng ý là mọi việc đã qua. Chỉ có các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tăng năng suất lao động và khuyến khích xuất khẩu… mới giúp châu Âu phát triển bền vững trong những năm tới.

Mâu thuẫn nội bộ của bộ 3 quyền lực

Với trách nhiệm "giải cứu" bốn nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), liên minh không chính thức giữa bộ ba quyền lực gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã để lộ "gót chân Asin" là các căng thẳng và mâu thuẫn nội bộ. Dư luận đang đặt câu hỏi phải chăng "thời hoàng kim" của liên minh không chính thức giữa IMF và các đối tác châu Âu đã kết thúc?

Sau nhiều tháng căng thẳng, đầu tháng 6 vừa qua, IMF đã công bố một báo cáo chỉ trích gay gắt các hoạt động của EC và ECB trong chương trình cứu trợ đầu tiên mà bộ ba này thực hiện vào năm 2010 dành cho Hy Lạp. Ngay lập tức, EC - bộ máy quản trị của Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng "phản pháo”, không chấp nhận bản báo cáo của IMF do một số thông tin "hoàn toàn sai lệch".

Một đại diện châu Âu tại IMF, khẳng định, "rõ ràng đang xảy ra xung đột ở cả hai phía Đại Tây Dương. IMF và châu Âu đang buộc tội lẫn nhau và ai cũng có cái lý của riêng mình". Giới phân tích cho rằng, bộ ba này đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bản chất ngày càng phức tạp của EU.

Vốn thường quen tự mình đưa ra các chương trình thắt lưng buộc bụng một cách đầy tự tin, IMF đã phải tìm cách thích ứng với các hệ thống chính trị và kinh tế chồng chéo phức tạp của eurozone. Trong khi đó, châu Âu lại tỏ thái độ do dự trước khi tìm kiếm sự trợ giúp từ IMF trong việc theo đuổi các chương trình cứu trợ, với yêu cầu là các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt. Căng thẳng càng đẩy lên cao khi quan chức hàng đầu ECB là ông Joerg Asmussen cho rằng eurozone nên chuẩn bị thực thi các gói cứu trợ mà không có sự trợ giúp của IMF.

Không chỉ vậy, bản thân IMF cũng phải đối mặt với các căng thẳng nội bộ. Một số thị trường đang nổi không hài lòng với quy mô của các chương trình cứu trợ tại châu Âu cũng như cung cách quản lý, và cho rằng các nguyên tắc vốn rất nghiêm khắc của IMF đã bị "bẻ cong" bởi các lý do chính trị.

Rõ ràng, khi mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh, thì bộ ba khó có thể duy trì sự cộng tác và hoạt động một cách hiệu quả dù Giám đốc IMF tại Hy Lạp - Paul Thomsen - đã lên tiếng giải thích về các hoạt động của bộ ba, đồng thời trấn an rằng "do chưa từng làm việc cùng nhau, những gì mà ba thể chế đã làm được thực sự đã là quá tốt"./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.stockbiz.vn/News/2013/6/12/378837/su-that-hy-lap-va-long-tu-ai-chinh-tri-cua-imf.aspx

http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/got-chan-asin-201306131006270008ca32.chn

http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/chau-au-khung-hoang-no-cong-da-qua--2013061408035116712ca32.chn