Có được điều này là nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh, tăng trưởng ở mức 7,5% năm 2012 - cao hơn tất cả các khu vực khác trên thế giới. WB cũng dự báo rằng, khi kinh tế toàn cầu hồi phục, tăng trưởng của khu vực có thể tăng nhẹ lên mức 7,8% trong năm 2013 và 7,6% trong năm 2014.

Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Axel van Trotsenburg phát biểu: ""Khu vực Đông Á Thái Bình Dương đóng góp khoảng 40% cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2012, và kinh tế toàn cầu tiếp tục phụ thuộc vào sự tăng trưởng của khu vực, niềm tin của các nhà đầu tư tăng cao và thị trường tài chính tiếp tục vững vàng".

WB cho rằng, nhờ chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư đã giúp duy trì tăng trưởng toàn khu vực trong năm 2012. Trong đó, các nước có thu nhập trung bình tăng trưởng đặc biệt tốt. Các nền kinh tế đang phát triển (không kể Trung Quốc) tăng trưởng 6,2% trong năm 2012, tăng từ 4,5% của năm 2011.

Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 8,3% vào năm 2013 và 8,0% vào năm 2014. Năm ngoái, do những nỗ lực tái cân bằng, tăng trưởng của nước này đã giảm xuống mức 7,8% vào năm 2012, trong khi thu nhập thực tế của hộ gia đình thành thị tăng hơn 9%.

Mặc dù vẫn còn mong manh, nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy chuyển biến tại các nền kinh tế thu nhập cao, do đó nhu cầu xuất khẩu đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ ổn định trong năm nay. Những con số mới nhất về sản xuất công nghiệp và kỳ vọng của nhà sản xuất khẳng định tăng trưởng tiếp tục vững chắc. Dự báo của WB cho tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng khiêm tốn ở múc 2,4% trong năm 2013 và tăng dần lên mức 3% vào năm 2014.

Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, một vấn đề đang nổi lên là nguy cơ tăng trưởng nóng tại một số nền kinh tế lớn. Các con số mới nhất cho thấy, nếu nhu cầu toàn cầu tiếp tục phục hồi, một số nền kinh tế lớn có thể đạt đến giới hạn năng lực sản xuất hiện tại, vì khoảng cách về sản lượng đã được thu hẹp hoàn toàn ở những quốc gia này.

Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, quản lý kinh tế nói chung đã có hiệu quả trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong đó đã cho phép khu vực duy trì khả năng phục hồi và tăng trưởng. WB cho rằng, thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách hiện nay là tiếp tục phát triển dựa trên những thế mạnh này và giải quyết những thách thức ngắn hạn và dài hạn với các chính sách hợp lý. Cụ thể:

- Các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục thận trọng để phản ứng với những cú sốc trong nền kinh tế thế giới, nhưng cần chuẩn bị để dừng các gói kích thích kinh tế khi nền kinh tế thế giới hồi phục. Đối với các nước có nhiều dấu hiệu của áp lực lạm phát, đó sẽ là thời điểm thích hợp để xây dựng lại bước đệm chính sách.

- Một số nước cần phải quản lý các dòng vốn chảy vào mạnh mẽ bằng cách duy trì một hỗn hợp chính sách vĩ mô phù hợp, đủ linh hoạt trong tỷ giá hối đoái và chính sách vĩ mô thận trọng.

- Hầu hết các nước có thể tăng năng lực sản xuất bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, và do đó mở đường cho việc duy trì tăng trưởng cao và công bằng./.