Kinh tế thế giới sẽ tăng tốc

Bài viết được nhiều trang tin tham khảo nhất gần đây là bài tổng hợp “10 dự báo xu hướng kinh tế thế giới năm 2013” do Goldman Sachs thực hiện, đăng trên Financial Times. Những dự báo trong báo cáo này cuối cùng cũng khá thận trọng, lạc quan ở mức vừa phải đủ để trấn an giới đầu tư. Thực tế, đầu tư tư nhân ở châu Âu do khủng hoảng trong khu vực nên hiện thấp hơn 15% so với năm 2007, khiến ngành này không thể thu được khoản lợi nhuận hơn 700 tỷ USD từ nay đến năm 2020, trong khi các công ty châu Âu đang nắm giữ lượng tiền mặt đến 980 tỷ USD nhưng chưa tìm được nơi đáng tin cậy để đầu tư.

Theo Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức 3,3% trong năm nay, ngang mức dự báo năm 2012. GDP của Mỹ sẽ ở quanh mức 2%, kinh tế eurozone ở ngưỡng gần suy thoái, nhưng đằng sau những con số đó là một tiến trình tích cực hơn so với năm ngoái. Đó là kỳ vọng thị trường nhà đất và việc làm Mỹ hồi phục, căng thẳng về nguồn cung năng lượng toàn cầu được giải tỏa và các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế phát triển, sẽ có cơ hội để tăng trưởng mạnh hơn. Điều kiện cho rằng thị trường nhà đất Mỹ phục hồi là lãi suất thế chấp vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục và các điều kiện cho vay tương đối dễ dàng. Về năng lượng, năm nay sẽ chứng kiến nhiều nhà máy lọc dầu lớn, nhất là khu vực dọc vịnh Mexico ra mắt hoặc hoạt động trở lại.

GDP các nền kinh tế mới nổi sẽ vượt nước phát triển

Đối với các nước mới nổi, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP sẽ vượt xa các nước phát triển nhưng Goldman Sachs không quá lạc quan khi đưa ra nhận định chung rằng mỗi nước sẽ có những phản ứng khác nhau với lạm phát. Goldman Sachs cho rằng, một số quốc gia sẽ hướng tới khả năng đồng tiền suy yếu, khiến giới đầu tư lo ngại. Ví dụ, Ấn Độ có thể trải qua một năm phá sản. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, một số ngành công nghiệp mắt kẹt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt (hàng không và viễn thông), bên cạnh tình hình chi phí đầu vào tăng chóng mặt.

Trong khi đó, bài viết “Kinh tế thế giới 2013: Ảo tưởng và thực tế” của chuyên gia phân tích kinh tế Australia Nick Beams đăng trên Global Research đưa ra số liệu của nhóm nền kinh tế mới nổi: Trung Quốc giảm tỷ lệ tăng trưởng từ 10,4% năm 2010 xuống mức 7,7% năm ngoái, Brazil tụt từ 7,5% (2010) xuống 1,3% (2012), Ấn Độ giảm từ 8,9% (2011) xuống 5,5% (2012).

Bài viết cũng nhắc lại 5 năm trước, Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) đã đưa ra bản báo cáo phân tích cho thấy mối tương quan giữa khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 với khủng hoảng năm 1914 (vốn gây ra hệ lụy kéo dài trong 30 năm sau đó) để chỉ ra kinh tế tư bản chủ nghĩa không dễ thoát khỏi khủng hoảng trong vài năm. Theo Nick Beams, cần có một quá trình khôi phục lại niềm tin của các nhà đầu tư cũng như bảo đảm kinh tế đã có đà để hồi phục bền vững.

Bất bình đẳng thu nhập là rủi ro toàn cầu lớn nhất

Báo cáo "Những rủi ro toàn cầu 2013" do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 8/1 đã đưa ra kết luận và dự báo như những lời cảnh tỉnh cả nhân loại. Đây không phải lần đầu tiên nhân loại bị cảnh báo như vậy nhưng điều này không thừa.

Theo WEF, tăng trưởng kinh tế và môi trường sinh thái của thế giới chẳng những không hỗ trợ lẫn nhau mà còn xung khắc và đối địch. Khoảng cách ngày càng tăng giữa giàu và nghèo, tình trạng nợ công trầm trọng và thâm hụt ngân sách lớn cũng như thiệt hại ngày càng lớn do thiên tai gây ra được đánh giá như những rủi ro hàng đầu của thế giới trong năm 2013 và vài năm tới. Điều rất đáng nói ở đây là những rủi ro này liên quan mật thiết đến nhau. Chúng tác động lẫn nhau gây hậu quả và hệ lụy lớn hơn.

Ẩn ý ở cảnh báo này là có những rủi ro do thiên nhiên gây ra nhưng đa phần do chính con người tạo nên. Hành động của từng con người và chính sách của từng quốc gia đều góp phần vào những rủi ro toàn cầu, cho dù vô tình hay cố ý, cho dù chỉ là suy tính lợi ích nhất thời hay tính toán chiến lược lâu dài.

Lời cảnh báo thật ra không mới. Tuy nhiên, thêm một lời cảnh báo là thêm một hồi còi báo động, thêm một tiếng nói cảnh tỉnh tất cả về trách nhiệm riêng và nghĩa vụ chung của từng người lẫn tất cả các quốc gia. Theo đó, nếu không nhanh chóng có cách tiếp cận mới để hài hòa tăng trưởng kinh tế với môi trường sinh thái, giữa lợi ích riêng và những đòi hỏi chung thì sẽ muộn, thậm chí quá muộn./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130110/loi-canh-bao-khong-thua.aspx

http://www.vietnamplus.vn/Home/Bat-binh-dang-thu-nhap-la-rui-ro-toan-cau-lon-nhat/20131/177454.vnplus

http://www.vietnamplus.vn/Home/GDP-cac-nen-kinh-te-moi-noi-se-vuot-nuoc-phat-trien/20131/177343.vnplus

Lê Vân (tổng hợp)