Bốn đề xuất mới trong Dự thảo Luật Dược (sửa đổi)
Cụ thể, Dự thảo nêu rõ 4 đề xuất chính sách của Nhà nước về lĩnh vực dược đó là:
(i) Bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.
(ii) Kết hợp đầu tư ngân sách với huy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp sản xuất thuốc generic, vắc xin, thuốc dược liệu và hóa dược.
(iii) Ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp tại các cơ sở y tế nhà nước, các chương trình y tế quốc gia và trong đấu thầu mua thuốc từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí bảo hiểm y tế.
(iv) Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược, trong đó ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cho hoạt động dược lâm sàng.
Đó chính là một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe toàn dân trong thời gian tới của ngành y tế. Nhất là trong bối cảnh thời gian qua ở trong nước và quốc tế xuất hiện nhiều loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, cũng như vấn đề thuốc, vacxin kém chất lượng đang thực sự gây “hoang mang” đối với người dân.
Bên cạnh đó, vấn đề phát triển công nghiệp dược cũng được Bộ Y tế nhấn mạnh trong một chương riêng (Chương II). Theo đó, phát triển công nghiệp dược bao gồm phát triển công nghiệp hóa dược, công nghiệp bào chế thuốc, dược liệu. Trong đó, Dự thảo nêu rõ ưu tiên nghiên cứu sản xuất các loại dược chất, tá dược từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế; sản xuất thuốc generic, vắc xin, sinh phẩm điều trị, dự phòng và thuốc dược liệu; nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và những loài dược liệu quý, hiếm.
Quy hoạch phát triển công nghiệp dược phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong từng giai đoạn; bảo vệ môi trường và phát triển bên vững. Đồng thời, vừa phải đáp ứng được yêu cầu dự báo khoa học, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập quốc tế. Ngoài ra, còn phải bảo đảm khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái và điều kiện tự nhiên, xã hội của từng địa phương.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, sẽ ưu đãi về thuế, sử dụng đất và tín dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược. UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm ưu tiên về quỹ đất sạch cho xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp dược; ưu tiên bố trí giao đất cho các dự án phát triển dược liệu./.
Bình luận