Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra 2 “nút thắt” trong đầu tư của Việt Nam tại Lào hiện nay
Tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào năm 2025 diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) chiều 9/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, triển khai chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, trong năm 2024, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước được quan tâm, thúc đẩy, tập trung xử lý tốt các khó khăn, vướng mắc kéo dài và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2024, hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước được quan tâm, thúc đẩy, tập trung xử lý tốt các khó khăn, vướng mắc kéo dài và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ảnh: VGP |
Đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào Lào đạt 267 dự án, với tổng vốn đầu tư là 5,7 tỷ USD
Bộ trưởng chỉ rõ, hợp tác đầu tư đã có chuyển biến tích cực, nhiều khó khăn, vướng mắc được phối hợp tháo gỡ kịp thời, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc được đẩy mạnh. Kết quả là: đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có xu hướng tăng trở lại bền vững hơn. Năm 2024, vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản, chế biến sâu...
Lũy kế đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào Lào đạt 267 dự án, với tổng vốn đầu tư là 5,7 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng, khai khoáng, nông lâm nghiệp, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, viễn thông, ngân hàng, du lịch… Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào 17/18 tỉnh, thành phố của Lào.
Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, đóng góp ngân sách cho Chính phủ Lào trong 5 năm gần đây đạt khoảng 200 triệu USD/năm, thực hiện chính sách an sinh xã hội luỹ kế đến nay khoảng 160 triệu USD.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024 ghi dấu ấn khi tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2023, đặc biệt là Lào đã xuất siêu sang Việt Nam 732,7 triệu USD, trong số đó, có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Năm 2024 cũng ghi dấu ấn với các nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành hai nước trong việc tập trung tháo gỡ về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện một số dự án đầu tư quy mô lớn. Điển hình là: (i) Một số cơ chế, chính sách mới đã Chính phủ hai nước thống nhất thực hiện như: Hiệp định mua bán than, điện giữa hai nước đã được ký kết sáng nay, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước trong thời gian tới; chính sách sử dụng đồng tiền bản tệ hai nước trong mua bán, giao thương bắt đầu được thực hiện nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư hai nước... (ii) Một số dự án quy mô lớn đã được đẩy nhanh tiến độ như: Dự án muối mỏ Kali; Dự án khai thác và chế biến quặng Bô-xít và xây dựng nhà máy sản xuất A-lu-min; các dự án điện gió: Trường Sơn, Savan1... đã tạo động lực thúc đẩy các dự án khác của Việt Nam đầu tư sang Lào.
Đầu tư của Việt Nam tại Lào hiện nay đang gặp phải 2 “nút thắt” cần được ưu tiên tháo gỡ
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và các rào cản cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể là: (i) Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng của hai nước; (ii) Một số dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược, đặc biệt là dự án giao thông kết nối hai nước chậm được triển khai thực hiện do khó khăn về cơ chế, chính sách và nguồn vốn; (iii) Kinh tế vĩ mô của Lào chưa ổn định, chưa tạo được niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư; (iv) Nhiều doanh nghiệp quan ngại về sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại Lào vốn đã khan hiếm, nay lại càng khó khăn hơn khi có nhiều người lao động Lào di chuyển ra nước ngoài làm việc (sang Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc… làm việc)…
Đầu tư của Việt Nam tại Lào hiện nay đang gặp phải hai “nút thắt” cần được ưu tiên tháo gỡ. Đó là: (i) Tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư tại Lào, nhất là các dự án đầu tư quy mô lớn… Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang chờ các Bộ, ngành, địa phương hai nước tháo gỡ, nhất là phía Lào; (ii) Đối với các doanh nghiệp mới, chưa đầu tư vào Lào: Chính phủ Lào cần phải có định hướng mới, với các biện pháp mang tính đột phá, tạo thêm không gian và dư địa.
"Đặc biệt Lào cần phải cải cách mạnh mẽ, đổi mới toàn diện và đồng bộ thể chế kinh tế và cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết để giải phóng nguồn lực thúc đẩy đầu tư phát triển", Bộ trưởng khuyến nghị.
Toàn cảnh Hội nghị |
Giúp Lào có biển, có cảng riêng
Năm 2025 là năm bứt phá để thực hiện thành công các nội dung đã đề ra trong Hiệp định hợp tác song phương hai nước giai đoạn 2021-2025; đồng thời cũng là năm xây dựng định hướng hợp tác mới cho giai đoạn phát triển mới. Về lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại, Bộ trưởng kiến nghị một số định hướng trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, phải kiên định quan điểm nhất quán là: càng khó khăn càng phải đoàn kết, gắn bó, bền chặt để cùng nhau chia kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh; kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách; kinh nghiệm thu hút các nguồn lực, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển trên tinh thần: Hợp tác “Thúc đẩy cùng phát triển bền vững và Thịnh vượng, “Cùng thắng”, “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thứ hai, thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, trong đó:
- Tập trung thu hút các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào, tập trung các lĩnh vực như: Nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở các hồ chưa tại Lào hiệu quả cao gắn với chế biến để xuất khẩu; năng lượng, hướng tới năng lượng sạch, đặc biệt tại khu vực biên giới hai nước; khai thác khoáng sản chế biến sâu; du lịch sinh thái theo hướng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn tại Lào.
- Tiếp tục thúc đẩy có hiệu quả cơ chế hợp tác đầu tư theo hình thức liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Lào. Theo đó, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai bên, mời các doanh nghiệp lớn, các đối tác quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… tham dự để thu hút đầu tư vào Lào.
- Đề nghị phía Lào ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai các dự án hợp tác dọc biên giới Việt Nam-Lào. Tham vấn hai bên xem xét các dự án hợp tác dọc biên giới hai nước cho doanh nghiệp nước thứ ba.
- Hai Bên cần phối hợp tích cực để nghiên cứu khảo sát, xem xét khả năng xây dựng các cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hoặc hình thức phù hợp về hợp tác thương mại và công nghiệp dọc tuyến biên giới nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Lào sang Việt Nam; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư Việt Nam và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sang đầu tư tại Lào.
- Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại (mục tiêu tăng từ 10-15%/năm); tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững.
Thứ ba, doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tham gia kế hoạch kết nối hai nền kinh tế và tiến trình giúp Lào có biển, có cảng riêng, kết nội hệ thống đường bộ, đường sắt để mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chính phủ hai nước đang tập trung tháo gỡ khó khăn, để huy động mọi nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm như: Dự án hợp tác đầu tư bến cảng 1,2,3 cảng Vũng Áng, Dự án đường cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn, Dự án đường sắt Viêng Chăn-Vũng Áng. Về vấn đề này, bên cạnh nỗ lực của hai Chính phủ, rất cần sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp hai nước, với các hình thục, phương thức hợp tác đa dạng để huy nguồn lực đầu tư vào các dự án nêu trên.
Thứ tư, để đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư, các cơ quan của Lào cần ưu tiên: (i) Có giải pháp đồng bộ ổn định kinh tế vĩ mô, điều kiện tiên quyết đẻ thu để hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài; (ii) Hoàn thiện các chính sách liên quan đến đầu tư, thuế, thương mại, tỷ lệ lao động, chính sách tín dụng…; (iii) Quá trình thực thi chính sách như: tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu thiết bị, hàng hóa, kế toán kiểm toán, tô nhượng đất đai…; (iv) Đồng thời, sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện hình thành các vùng, khu vực phát triển nông nghiệp quy mô lớn; (v) Xem xét giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động và mở rộng dự án.
"Với quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, cộng với tư duy hợp tác mới, với những biện pháp quyết liệt, mang tính đột phá của cả hai bên, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn, hiệu quả cao giữa doanh nghiệp hai nước và đưa quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào lên tầm cao mới", Bộ trưởng nhấn mạnh./.
Bình luận