Sau 5 năm, kể từ năm 2019 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 4,9 triệu người
Tại cuộc họp báo công bố số liệu ngày 6/1, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, dân số trung bình của Việt Nam năm 2024 là 101,3 triệu người.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến công bố kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 |
Công bố kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (Điều tra DSGK 2024), ông Tiến cho biết, dân số Việt Nam thời điểm 01/4/2024 là 101.112.656 người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 16 trên thế giới.
Sau 5 năm, kể từ năm 2019 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 4,9 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2019 – 2024 là 0,99%/năm, giảm 0,23 điểm phần trăm so với giai đoạn 2014 – 2019 (1,22%/năm).
Trong tổng dân số cả nước, dân số nam là 50.346.030 người, chiếm 49,8%; dân số nữ là 50.766.626 người, chiếm 50,2%; dân số thành thị là 38.599.637 người, chiếm 38,2%; dân số nông thôn là 62.513.019 người, chiếm 61,8%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị giai đoạn 2019-2024 là 3,06%/năm, gấp 1,5 lần tỷ lệ tăng dân số bình quân năm khu vực thành thị của cả nước giai đoạn 2014-2019 (2,02%).
Cả nước có 28.146.939 hộ dân cư, tăng gần 1,3 triệu hộ so với năm 2019, tăng 3,9 triệu hộ so với năm 2014 và gấp khoảng 1,25 lần so với 15 năm trước (năm 2009).
Mật độ dân số của Việt Nam là 305 người/km2, tăng 15 người/km2so với năm 2019. Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (8.539 người/ km2) và Philippines (386 người/ km2).
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.126 người/km2 và 814 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 140 người/km2 và 114 người/km2.
Tỷ số giới tính của dân số là 99,2 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,7 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,7 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm 0-10 tuổi (110,2 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (53,8 nam/100 nữ). Tỷ số giới tính gần như cân bằng ở nhóm 40-49 tuổi (100,8 nam/100 nữ) và bắt đầu giảm xuống dưới 100 ở nhóm 50-59 tuổi (97,3 nam/100 nữ).
Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 24,0 triệu người, chiếm 23,7% tổng dân số cả nước; Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 6,2 triệu người, chiếm 6,2% dân số cả nước. Giai đoạn 2019 – 2024, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ tăng dân số bình quân năm cao nhất cả nước (1,46%/năm); Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ tăng dân số bình quân năm thấp nhất (0,29%/năm).
Cả nước có 19 tỉnh với quy mô dân số nhỏ, dưới 1 triệu người; 37 tỉnh có quy mô dân số từ 1 đến 2 triệu người; 7 tỉnh có quy mô dân số trên 2 triệu người. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có quy mô dân số lớn nhất, tương ứng là 8.685.607 người và 9.521.886 người). Chênh lệch về dân số giữa địa phương đông dân nhất cả nước (Thành phố Hồ Chí Minh) và địa phương ít dân số nhất cả nước (Bắc Kạn) là trên 29 lần (dân số của Bắc Kạn là 328.609 người).
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng khẳng định, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với hai người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc. Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 67,4% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2019), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% (giảm 1,0 điểm phần trăm so với năm 2019) và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3% (tăng 1,6 điểm phần trăm so với năm 2019).
Chỉ số già hóa năm 2024 là 60,2%, tăng 11,4 điểm phần trăm so với năm 2019 và 16,9 điểm phần trăm so với năm 2014. Số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người (tương ứng gấp 1,25 lần) so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người (tương ứng gấp 1,5 lần) so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024.
Tuổi thọ bình quân năm 2024 của cả nước là 74,7 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 72,3 tuổi, của nữ giới là 77,3 tuổi. So với năm 2019, tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của Việt Nam đã tăng lên 1,1 năm; mức tăng tuổi thọ của nam giới cao hơn so với mức tăng của phụ nữ, tương ứng là 1,3 năm và 1,0 năm.
Đông Nam Bộ vẫn là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư
Theo kết quả Điều tra DSGK 2024, trong tổng số 93,5 triệu người từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 4,0 triệu người tương ứng với 4,3%. Trong đó, số người di cư trong huyện là 1,6 triệu người, tương ứng với tỷ lệ 1,7%, số người di cư giữa các huyện trong cùng tỉnh là 0,7 triệu người, tương ứng 0,8%, số người di cư giữa các tỉnh là 1,6 triệu người, tương ứng 1,8%.
Mặc dù dân số liên tục tăng nhưng quy mô và tỷ lệ người di cư tiếp tục xu hướng giảm và giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1999 đến nay. Cụ thể là năm 1999, cả nước có 4,5 triệu người di cư trên tổng số 69 triệu dân số từ 5 tuổi trở lên (chiếm tỷ lệ 6,5% trên tổng dân số) sau đó tăng lên cao nhất đến 6,7 triệu người vào năm 2009 (chiếm tỷ lệ 8,5%) và giảm dần vào các năm tiếp theo, đến năm 2024, cả nước chỉ còn 4,0 triệu người di cư (chiếm 4,3%).
Đông Nam Bộ vẫn là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư. Trong 5 năm trước thời điểm điều tra, có 615 nghìn người nhập cư đến vùng này, chiếm hơn một nửa tổng số người di cư giữa các vùng trên cả nước. Phần lớn người nhập cư đến vùng Đông Nam Bộ là từ Đồng bằng sông Cửu Long (353,1 nghìn người, chiếm 57,4%); phần lớn người nhập cư đến Đồng bằng sông Hồng là những người đến từ vùng Trung du và miền núi phía Bắc (139,8 nghìn người, chiếm 62,4%).
Đặc biệt, toàn quốc có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người xuất cư. Trong đó, tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (77,6‰). Tiếp theo là Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ suất di cư thuần lần lượt là 61,8‰, 55,1‰, 30,9‰ và 25,8‰.
Điều đáng lưu ý là, kết quả Điều tra DSGK 2024 ghi nhận hiện tượng “nữ hóa di cư” trên phạm vi cả nước. Trong tổng dân số di cư, nữ giới chiếm 55,7%, cao hơn so với mức 50,2% của dân số nữ không di cư.
Phần lớn người di cư quyết định chuyển tới nơi ở mới vì lý do tìm việc/bắt đầu công việc mới (39,9%) hoặc theo gia đình/chuyển nhà (30,5%).
Tính chung năm 2024, thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6%
Về tình hình lao động, việc làm quý IV/2024, Tổng cục Thống kê cho biết, có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm.
Về lao động có việc làm quý IV/2024 ước tính là 52,1 triệu người, tăng 414,9 nghìn người so với quý trước và tăng 639,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng 585,1 nghìn người (tương ứng tăng 1,1%) so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,9 triệu người, tăng 831,2 nghìn người so với năm trước; khu vực nông thôn là 32,0 triệu người, giảm 246,1 nghìn người.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 764,6 nghìn người, giảm 98,8 nghìn người so với quý trước và giảm 142,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2024 là 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 550 nghìn đồng so với quý III/2024 và tăng 890 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 9,2 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7,0 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,8 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 7,2 triệu đồng/tháng.
Tính chung năm 2024, thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 610 nghìn đồng so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,5 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,7 triệu đồng/tháng.
Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2024, tình hình thu nhập và đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.
Theo kết quả sơ bộ Khảo sát mức sống dân cư năm 2024, thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2024 đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,8% so với năm 2023. Mức sống tối thiểu của người dân Việt Nam sơ bộ năm 2024 khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó khu vực thành thị khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng và khu vực nông thôn khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2024 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) ước khoảng 2,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2023.../.
Bình luận