Theo ông Shigeru Kishida, Bí thư thứ Nhất đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các dự án hợp tác kỹ thuật lần này được quyết định thực hiện mới, bám sát vào mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam. Qua đó, Nhật Bản muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.

Một trong 12 dự án hợp tác kỹ thuật năm nay là Dự án Tăng cuờng hệ thống và hoạt động về tiêu chuẩn và hợp chuẩn - giai đoạn 2, nhằm giúp Việt Nam tiến hành dán nhãn năng lượng trên đồ điện gia dụng, máy móc văn phòng, xe cộ... trong thời gian tới. Ông Shigeru Kishida cho biết, mặc dù Việt Nam dự kiến đưa ra cơ chế dán nhãn năng lượng nhưng vẫn chưa có quy chuẩn đánh giá mức tiết kiệm năng lượng. Với thế mạnh trong lĩnh vực này, Chính phủ Nhật Bản thông qua Dự án này muốn giúp Việt Nam xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng, cung cấp các thiết bị đo lường tiết kiệm năng lượng của các sản phẩm, thiết bị điện tử.

Đối với hợp tác kinh tế, tài chính, trong danh mục các dự án hợp tác kỹ thuật lần này cũng bao gồm tăng cường năng lực về quản lý tài chính, góp phần thực hiện quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, đi đôi với tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu ngân hàng.

Ông Shimizu Akira, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, trong những năm 90 thập kỷ trước, Nhật cũng từng trải qua vấn đề nợ xấu ở mức khoảng 8,4%. Do vậy, Dự án hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam trong danh mục hợp tác kỹ thuật năm 2013 với mong muốn của phía Nhật là có thể chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm của mình.

Ngoài ra, các dự án hợp tác kỹ thuật năm 2013 còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác như: trồng rừng, môi trường đô thị, biến đổi khí hậu, nông thôn, du lịch, đào tạo nghề… Nhật Bản sẽ cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm sang Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực này để hỗ trợ cho sự nỗ lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Nhật Bản hỗ trợ trồng rừng khu vực ven biển Quảng Nam

Trong việc tiếp nhận bồi dưỡng cán bộ, Nhật Bản sẽ mời tổng cộng 179 cán bộ hành chính Việt Nam sang Nhật Bản đào tạo trong nhiều lĩnh vực. Các khóa đào tạo này sẽ do ccs cơ quan đối tác của Chính phủ Nhật Bản và các giảng viên hàng đầu của Nhật Bản thực hiện nhằm mục đích tăng cường năng lực cho các cán bộ trên.

Hỗ trợ kỹ thuật là một trong nhiều hình thức khác nhau mà Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Bên cạnh hình thức phổ biến là vốn vay ODA, hợp tác kỹ thuật với nội dung chính là đào tạo nhân lực, cử chuyên gia cao cấp Nhật Bản tư vấn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam. Vốn tài trợ kỹ thuật có thể không cao nhưng khác hình thức ODA là không cần vốn đối ứng của Việt Nam, đa phần được thực hiện bằng viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản. Hợp tác kỹ thuật cũng được dựa trên yêu cầu của Việt Nam để di đến quyết định các danh mục hợp tác./.

12 dự án hợp tác kỹ thuật năm 2013

1. Tư vấn về điều phối viện trợ

2. Tư vấn Chương trình lâm nghiệp

3. Tư vấn Chính sách môi trường đô thị

4. Tư vấn Chương trình biến đổi khí hậu

5. Dự án hỗ trợ kỹ thuật về tăng cường năng lực quản lý tài chính tập đoàn, góp phần tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

6. Dự án tăng cuờng hệ thống và hoạt động về tiêu chuẩn và hợp chuẩn - giai đoạn 2.

7. Tư vấn cải thiện xúc tiến đầu tư và môi trường kinh doanh cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực phía Nam.

8. Dự án hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.

9. Tư vấn hệ thống đào tạo nghề

10. Tư vấn trong quy hoạch đô thị

11. Tư vấn trong nông nghiệp và phát triển nông thôn

12. Tư vấn phát triển du lịch.

Anh Đức