Theo báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2014 tại công văn số 3114/BKHĐT-GSTĐĐT, ngày 22/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 39.173 dự án (sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên) đang thực hiện đầu tư, trong đó có 17.638 dự án khởi công mới, chiếm 45,03% (năm 2013 tỷ lệ này là 36,63%, năm 2012 là 33,34%, năm 2011 là 36,82%). Các dự án khởi công mới chủ yếu là dự án nhóm C (16.750 dự án, chiếm 95%) và 14.419 dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng trong kỳ chiếm 36,81% (năm 2013 tỷ lệ này là 37,3%, năm 2012 là 42,01%, năm 2011 là 39,24%).

Từ số liệu của 120/123 cơ quan có báo cáo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trong năm 2014, tổng giá trị thực hiện ghi nhận được khoảng 579.501 tỷ đồng, đạt 95,29% so với kế hoạch. Một số cơ quan có tỷ lệ giá trị thực hiện/kế hoạch năm thấp là: Lào Cai (50,67%); Quảng Ngãi (58,68%); Kon Tum (54,8%); Lai Châu (72,65%), Cà Mau (75%), Bộ Y tế (73,2%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (38%)... Ngược lại, một số cơ quan có tỷ lệ này cao là: Hà Nam (120%), Thanh Hóa (113%), Nghệ An (121%), Thừa Thiên Huế (141%), Bộ Giao thông vận tải (157%), Bộ Xây dựng (179,7%)...

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, song nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ. Cụ thể, năm 2014 ghi nhận thấy có 2.869 dự án chậm tiến độ, chiếm 7,32% số dự án thực hiện trong kỳ (tỷ lệ này của năm 2013 là 9,59%, năm 2012 là 11,77%). Các nguyên nhân chậm tiến độ do: công tác giải phóng mặt bằng (1.063 dự án, chiếm 2,71% số dự án thực hiện trong kỳ); do bố trí vốn không kịp thời (659 dự án, chiếm 1,68%); do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu (248 dự án, chiếm 0,63%); do thủ tục đầu tư (304 dự án, chiếm 0,78%) và do các nguyên nhân khác (557 dự án, chiếm 1,42%). Các địa phương có số dự án và tỷ lệ số dự án chậm tiến độ lớn là: Hải Phòng (215 dự án/404 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, chiếm 53,22%); Bình Định (59/146 dự án, chiếm 40,41%); Bình Phước (38/146 dự án, chiếm 26,03%), Bến Tre (54/295 dự án, chiếm 18,31%), Bạc Liêu (60/180 dự án, chiếm 33,33%).

Cũng theo số liệu báo cáo, năm 2014 phát hiện 115 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 10 dự án vi phạm về quản lý chất lượng, 923 dự án có thất thoát, lãng phí, 302 dự án phải ngừng thực hiện. Các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu do các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán. Tuy nhiên, các cơ quan chưa đi sâu phân tích cụ thể về các nội dung vi phạm, thất thoát lãng phí cũng như nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp xử lý cụ thể.

Trong năm 2014, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn nhà nước khoảng 567.401 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn đầu tư năm 2014. Số dự án đã thực hiện thủ tục quyết toán hoàn thành là 15.392 dự án, bằng 39,29% tổng số dự án thực hiện đầu tư và bằng 106,7% tổng số dự án kết thúc đầu tư trong kỳ.

Về nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, tính đến 30/6/2014, con số này là 44.594,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước là 40.590,3 tỷ đồng; nguồn trái phiếu chính phủ là 4.004,1 tỷ đồng. Như vậy, so với cuối năm 2013 (tổng nợ là 57.977,3 tỷ đồng), trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản đã có những chuyển biến tích cực (giảm 13.383 tỷ đồng).

Nhìn chung, công tác đầu tư từ ngân sách Trung ương trong thời gian qua đã được chấn chỉnh và có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn vốn ngân sách được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao. Việc đầu tư từ các nguồn vốn nhà nước khác, đặc biệt từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu có chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại phải khắc phục.

Luật Đầu tư công (có hiệu lực từ 1/1/2015) đã bổ sung thêm trình tự thủ tục xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án. Trong thời gian tới, điều kiện nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, nên các cơ quan cần phải xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các chương trình, dự án để thực hiện các thủ tục quyết định đầu tư, khởi công mới, ưu tiên các dự án phục vụ an sinh xã hội, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng cần tích cực theo dõi, kiểm tra, trên cơ sở đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án thực hiện đúng trình tự thủ tục, tiến độ, thanh quyết toán đầu tư./.